Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 09 năm 2024,
Tập đoàn Cao su dự kiến thoái hơn 1.000 tỷ đồng từ 5 công ty thủy điện
Phương Anh - 29/05/2020 14:36
 
Năm 2020,Tập đoàn Cao su dự kiến thoái vốn ngoài ngành khoảng 2.061 tỷ đồng, trong đó giá trị đầu tư của 5 công ty thủy điện khoảng 1.079 tỷ đồng (chiếm hơn 50% giá trị).
.
Trong năm 2020, công ty dự kiến còn phải thoái 2.061 tỷ đồng. Trong đó, giá trị đầu tư của 5 công ty thủy điện chiếm hơn 50%, khoảng 1.079 tỷ đồng.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HosE: GVR) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2020. 

Trong báo cáo về phương hướng nhiệm vụ năm 2020, Ban điều hành cho biết, đến cuối năm 2019, Tập đoàn dự kiến thoái vốn tại các đơn vị ngoài ngành và thu về 2.342 tỷ đồng, ghi nhận lãi 952 tỷ đồng. Trong năm 2020, công ty dự kiến còn phải thoái 2.061 tỷ đồng. Trong đó, giá trị đầu tư của 5 công ty thủy điện chiếm hơn 50%, khoảng 1.079 tỷ đồng.

Thực hiện hoạt động tái cơ cấu nguồn lực doanh nghiệp, Tập đoàn sẽ tiếp tục rà soát thoái vốn tại các doanh nghiệp khác, kể cả những đơn vị đang hoạt động có hiệu quả và thuộc ngành sản xuất chính để tập trung vào các lĩnh vực có biên lợi nhuận cao và ổn định hơn (chủ yếu là các khu công nghiệp gắn với các khu dân cư được quy hoạch cùng với dự án).

Doanh nghiệp cũng nghiên cứu thực hiện chuyển đổi 20 công ty nông nghiệp Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên do Tập đoàn đầu tư 100% vốn sang Công ty Cổ phần nhằm hướng đến hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn và thu hút đầu tư bên ngoài, giảm vốn đầu tư của Tập đoàn. Ngoài ra, nguồn vốn thoái được dành để đầu tư các lĩnh vực hiệu quả hơn.

Hoạt động sáp nhập các công ty có quy mô nhỏ lại với nhau hoặc sáp nhập công ty có quy mô nhỏ vào các công ty quy mô lớn cũng là một vấn đề được đề cập. Hoạt động này nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh, sử dụng vốn và giảm các chi phí gián tiếp, đầu mối quản lý.

Trong năm 2020, Tập đoàn sẽ thực hiện sáp nhập Cao su Quavan vào Cao su Việt Lào, VRG Oudomxay vào Quasa Geruco, sáp nhập Cao su Hương Khê Hà Tĩnh vào Cao su Hà Tĩnh, Cao su Đăk Nông vào Cao su Đồng Phú...

Tập đoàn cũng tiếp tục cơ cấu các nguồn lực. Đầu tiên là tái cơ cấu quỹ đất, với đất không phù hợp trồng cao su thì chuyển đổi cây trồng (cây nông nghiệp, trồng rừng); nếu đầu tư không hiệu quả thì chuyển nhượng tài sản; bàn giao lại đất cho địa phương. 

Ngoài ra, với yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững, Tập đoàn Cao su sẽ phát triển và trồng khoảng 20.000 ha rừng, tương ứng 5% diện tích cao su hiện nay. Tập đoàn định hướng sẽ phát triển mạnh tại các công ty miền Trung, thay vì phát triển đồng đều tại các công ty. 

Trong năm nay, doanh nghiệp sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh, Tập đoàn chỉ tập trung vào 5 lĩnh vực ngành nghề chính có truyền thống gồm: trồng, chăm sóc chế biến mủ sao su; chế biến gỗ cao su; sản phẩm công nghiệp cao su; khu công nghiệp đầu tư trên đất cao su; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Về kế hoạch kinh doanh 2020, mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn Cao su dự kiến gần 24.650 tỷ đồng, tăng gần 8% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế 4.029 tỷ đồng, tăng hơn 5%. Với công ty mẹ, GVR duy trì chỉ tiêu hoạt động kinh doanh tương đương cùng kỳ. 

Đáng chú ý, Tập đoàn dự kiến dành gần 1.900 tỷ đồng cho hoạt động tài chính dài hạn chưa được nêu rõ, đây là con số tương đối lớn, gấp gần 3 lần năm 2019. Cổ tức dự kiến duy trì 6% tiền mặt. 

Thực tế, đây là kế hoạch kinh doanh xây dựng cuối năm 2019 đã được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chấp thuận. Nhưng trước sự bùng phát của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của GVR, do đó HĐQT cho biết việc xây dựng kế hoạch sát tình hình thực tế là rất khó khăn. 

Trong tờ trình đại hội, HĐQT đề nghị cổ đông ủy quyền cho phép điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020, trên tinh thần phấn đấu tối đa để đạt hiệu quả cao nhất. 

Quý I/2020 doanh thu thuần thuần giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 2.745 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong kỳ doanh thu tài chính tăng đột biến 136% lên 240 tỷ đồng nhờ tăng lãi tiền gửi, lãi bán các khoản đầu tư và lãi chênh lệch tỷ giá. Lãi liên kết cũng tăng 55% nhờ đóng góp tăng của công ty MDF VRG – Dongwha. Các chi phí bán hàng và quản lý cũng giảm nhiều so với cùng kỳ.

Như vậy, lợi nhuận sau thuế cả quý đạt 337 tỷ đồng, tăng 7%.Tập đoàn hoàn thành 11% kế hoạch doanh thu và 8% kế hoạch lợi nhuận sau 3 tháng. 

Tập đoàn cao su chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược
Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư online - Baodautu.vn lựa chọn nhà đầu tư chiến lược sau khi tiến hành IPO Tập đoàn cao su VRG, Thứ trưởng Bộ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư