Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tata vẫn theo đuổi Dự án Nhiệt điện Long Phú 2
Thùy Trang - 24/02/2014 08:45
 
Mặc dù đã chính thức công bố rút khỏi Dự án Thép Vũng Áng, vốn đầu tư dự kiến 5 tỷ USD, nhưng Tập đoàn Tata (Ấn Độ), thông qua công ty con Tata Power vẫn quyết theo đuổi Dự án Nhiệt điện Long Phú 2 (Sóc Trăng). Đó là khẳng định của ông Indoronik Sengupta, Tổng giám đốc Tata Việt Nam khi trao đổi với phóng viên . Tata muốn đầu tư nhà máy nhiệt điện ở Sóc Trăng >TP. Sóc Trăng phấn đấu là đô thị loại II vào năm 2015

“Chúng tôi vẫn đang theo đuổi Dự án Nhiệt điện 2 tỷ USD ở Sóc Trăng. Chúng tôi đang làm việc tích cực để chuẩn bị cho dự án này và điều đó phản ánh sự quan tâm cũng như niềm tin của chúng tôi đối với Việt Nam”, ông Sengupta nói.

Tata vẫn theo đuổi Dự án Nhiệt điện Long Phú 2
Tata Power (Công ty con của Tập đoàn Tata) vẫn quyết theo đuổi Dự án Nhiệt điện Long Phú 2 (Sóc Trăng)

Hồi tháng 5/2013, Tata Power đã nhận được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam về việc nghiên cứu khả thi Dự án Nhiệt điện Long Phú 2 tại Sóc Trăng và tháng 11/2013, đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với Bộ Công thương về việc triển khai dự án này.

Sau đó, theo ông Sengupta, Tata Power đã nhanh chóng bắt tay vào việc nghiên cứu kỹ thuật và khảo sát đất.

“Chúng tôi rất hài lòng với việc hợp tác cùng Bộ Công thương và tỉnh Sóc Trăng. Chúng tôi dự kiến đẩy nhanh tiến độ của Dự án”, ông Sengupta nói và khẳng định, Tata khá lạc quan đối với Dự án Nhiệt điện Long Phú 2.

“Chúng tôi rất hài lòng với sự hợp tác của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tại thời điểm này”, ông Sengupta nhấn mạnh.

Nhắc lại câu chuyện khá nóng trong thời gian qua, sau khi Tata tuyên bố rút khỏi dự án thép ở Hà Tĩnh, ông Sengupta cho biết, Tata đã rất nghiêm túc và đã dành tới 5 năm để cố gắng phát triển dự án này. Tuy nhiên, cuối cùng, kế hoạch đã không thể thực hiện.

“Trong tương lai, nếu như tình hình thế giới và môi trường đầu tư tại Việt Nam tốt đối với việc phát triển những dự án như vậy, chúng tôi sẽ xem xét lại việc tham gia ngành công nghiệp sản xuất thép và khai khoáng ở Việt Nam”, ông Sengupto nói.

Ký biên bản ghi nhớ và biên bản hợp tác vào giữa năm 2007, dự án thép 5 tỷ USD của Tata có công suất thiết kế 4,5 triệu tấn/năm, dự kiến xây dựng trong giai đoạn 2009 - 2015. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án này vẫn chưa thể triển khai.

Sau nhiều năm theo đuổi, mới đây, Tata đã tuyên bố rút khỏi dự án này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư