Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
“Té ngửa” kết quả kinh doanh của doanh nghiệp hậu kiểm toán
Thanh Thủy - 07/04/2024 15:55
 
Mùa kiểm toán doanh nghiệp niêm yết năm nay tiếp tục ghi nhận những chênh lệch lớn về số liệu, nhiều con số xấu đi rõ rệt.

Từ lãi thành lỗ

“Bốc hơi” 5% giá trị sau cả tuần giao dịch đỏ lửa với thanh khoản cao hàng triệu cổ phiếu mỗi phiên, cổ phiếu TTF của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) đứng trước áp lực bán lớn sau thông tin tiêu cực từ báo cáo tài chính kiểm toán vừa công bố.

Theo đó, khoản lợi nhuận vốn khá “mỏng” ghi nhận trên báo cáo tự lập (3,9 tỷ đồng) đã chuyển thành thua lỗ sau kiểm toán (144 tỷ đồng). Dù hầu hết các khoản mục đều có sự sai lệch, nguyên nhân lớn nhất khiến TTF thua lỗ là do phải ghi nhận thêm 72 tỷ đồng chi phí thuế và lãi chậm nộp theo kết luận thanh tra thuế cho giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2022 do Cục Thuế Bình Dương ban hành trong năm 2023.

Thông tin về thời gian Cục Thuế Bình Dương ban hành kết luận thanh tra không được TTF nêu chi tiết. Tuy nhiên, phía Công ty cho biết, đã lần lượt gửi 2 công văn cho Cục Thuế Bình Dương để giải trình chênh lệch với một vài khoản mục mà nhóm công ty đã không đồng ý với kết quả thanh tra vào tháng 9/2023 và tháng 1/2024.

Cùng khoản chi phí về thuế, Hãng kiểm toán EY còn bổ sung 27,5 tỷ đồng chi phi đầu tư trong giai đoạn nghiên cứu phát triển vật liệu mới tại Bàu Bàng và trích lập bổ sung 16,7 tỷ đồng dự phòng các khoản phải thu khó đòi theo quan điểm thận trọng.

TTF không phải trường hợp duy nhất chuyển lỗ thành lãi trong mùa báo cáo kiểm toán này. Sau kiểm toán, Công ty cổ phần Miền Đông (MDG) phải ghi nhận thêm chi phí trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 37,4 tỷ đồng, chủ yếu từ khách hàng là Công ty cổ phần Đầu tư LDG. Đây là một khoản trọng yếu, vì tương đương hơn 10% quy mô tổng tài sản, ngang ngửa 1/3 vốn điều lệ của Công ty. Khoản thua lỗ năm 2023 cũng là nguyên nhân khiến Công ty lần đầu tiên ghi nhận lỗ lũy kế ở thời điểm cuối năm (hơn 28 tỷ đồng).

LDG - khách hàng của TTF cũng báo lỗ thêm 152 tỷ đồng sau kiểm toán, thậm chí còn bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục. Nguyên nhân là hãng kiểm toán điều chỉnh trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi và dự phòng giảm giá hàng tồn kho so với báo cáo tài chính quý IV/2023 mà doanh nghiệp tự lập.

Đơn vị kiểm toán cho biết, có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của LDG. Trong đó, các vấn đề liên quan đến Dự án Khu dân cư Tân Thịnh và cựu Chủ tịch Nguyễn Khánh Hưng (đã bị khởi tố, tạm giam) được nhấn mạnh.

Giải trình về các vấn đề, LDG cho biết, vẫn đang chờ kết luận của cơ quan chức năng và chưa có cơ sở để đánh giá ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của vụ việc cựu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Hưng bị khởi tố, tạm giam. Với hàng tồn kho Dự án Khu dân cư Tân Thịnh (gần 487 tỷ đồng), Ban lãnh đạo Công ty cam kết sẽ hoàn tất các thủ tục về thanh tra toàn diện dự án để tiếp tục triển khai.

“Ông lớn” cũng có sai số lớn

Con số lợi nhuận cũng xấu đi rõ rệt trên báo cáo tài chính kiểm toán của không ít doanh nghiệp lớn. Lỗ sau thuế của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) năm 2023 đã tăng vọt, từ 782 tỷ đồng lên 1.115 tỷ đồng sau kiểm toán.

Năm 2022, TTF từng nhận quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính 150 triệu đồng do công bố thông tin hồi năm 2022. Nguyên nhân là sai lệch số liệu các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính quý IV/2021 và báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022 do điều chỉnh các khoản dự phòng đối với các khoản phải thu từ công ty con và dự phòng các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng.

Nguyên nhân là trong báo cáo tự lập, HBC đã hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi (một số khoản tạm ứng) hơn 310 tỷ đồng. Hãng kiểm toán cho rằng, Công ty đang trong quá trình làm các thủ tục đảm bảo, nhưng kiểm toán viên chưa thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính hợp nhất có liên quan đến các khoản tạm ứng này hay không. Còn phía Tập đoàn cho rằng báo cáo tài chính tự lập “không theo hướng thận trọng đến mức chênh lệch quá xa so với thực tế”.

Một “ông lớn” khác là Tập đoàn Lộc Trời báo lãi sau thuế giảm 94%, còn 16,5 tỷ đồng sau kiểm toán. Lãi từ giao dịch giá rẻ nhờ mua lại 49% vốn Công ty cổ phần Lương thực Lộc Nhân, được tính bằng chênh lệch giữa phần sở hữu của Tập đoàn Lộc Trời trong giá trị hợp lý được xác định bằng tài sản thuần của Công ty Lộc Nhân so với giá phí khoản đầu tư, từng là yếu tố đột biến giúp Tập đoàn Lộc Trời giữ được tăng trưởng lợi nhuận trong bối cảnh biên lợi nhuận gộp giảm sâu và chi phí tài chính tăng mạnh. Tuy nhiên, sau kiểm toán, khoản lãi trên đã giảm từ gần 330 tỷ đồng xuống còn hơn 46 tỷ đồng.

Thực tế, biến động lợi nhuận sau những mùa báo cáo kiểm toán không còn là câu chuyện xa lạ tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Có những mảng màu “xám” đi, nhưng cũng không ít phần trong bức tranh ghi nhận kết quả kinh doanh lạc quan hơn. Cũng không hiếm các cuộc kiểm toán, thẩm định chuyên sâu như tại Công ty cổ phần NTACO, Công ty cổ phần Việt An hay Công ty cổ phần Gỗ Trường Thành nhiều năm trước mổ xẻ được thực trạng tài sản của doanh nghiệp khiến nhà đầu tư được phen “té ngửa”.

Thay đổi trên báo cáo tài chính sau kiểm toán có thể xuất phát từ khách quan khi có thêm những yếu tố mới tác động trong khoảng thời gian kiểm toán, cũng có thể xuất phát từ góc nhìn và sự thận trọng khác nhau của các bên trong việc đánh giá các khoản mục tài sản, đặc biệt tập trung khá nhiều ở câu chuyện trích lập/hoàn nhập dự phòng đối với các tài sản như nợ phải thu, tồn kho, khoản đầu tư tài chính.

Với những sai lệch lớn, không phải không có hình phạt kèm theo. Hơn thế, niềm tin của các nhà đầu tư ít nhiều sứt mẻ, nhất là với các giải trình không mấy thuyết phục, hay các trường hợp tổn hại túi tiền của các cổ đông.

Giảm kiểm toán doanh nghiệp, tập trung phục vụ quyết toán ngân sách nhà nước
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán nhà nước.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư