Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
[Tết đoàn viên] “Vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn mong chờ một cái Tết “sung túc về tinh thần”
Anh Hoa - 11/02/2021 09:42
 
Không những là doanh nhân, Johnathan Hạnh Nguyễn còn là một người cha gần gũi và đầy tình yêu thương dành cho các con. Ông đang mong chờ một cái Tết “sung túc về tinh thần” của gia đình.

Trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, Tết mang những ý niệm rất riêng biệt. Ở tuổi 70, Tết giờ đây đối với ông “Vua hàng hiệu” này là khoảng thời gian được thư giãn, tạm gác lại công việc trong vài ngày để sum vầy, vui vẻ bên gia đình, con cháu. Dẫu vậy, có được những cái Tết như thế, nhưng ông vẫn nhớ lắm những cái Tết nơi xứ người, dù cũng đầy đủ, cũng bạn bè, cũng gia đình, nhưng vẫn như thiếu một chút hương vị của cái Tết nơi quê nhà. Giờ đây, ông có thể hưởng trọn vẹn hương vị đó.

Tôi xây dựng “nếp gia đình”

Trong đại dịch, nhiều người nói, nhất là những người con xa xứ cho rằng ở Việt Nam đúng là thiên đường, là tổ ấm… Với ông và các thành viên gia đình, tết năm nay có gì đặc biệt hơn không?

Tôi nghĩ, đặc biệt nhất là sự đoàn viên của gia đình, không chỉ là gia đình của vợ chồng tôi và các con, mà cả gia đình lớn và gia đình nhỏ của các con tôi từ nước ngoài về. Năm 2020 là một năm rất đặc biệt, ngoài việc kinh doanh, gia đình tôi cũng trải qua rất nhiều lo lắng vì dịch bệnh. Nhưng rồi thì mọi việc cũng đã qua.

Nhìn thấy từng thành viên trong gia đình mạnh khỏe, bình an, nhìn thấy niềm vui, nụ cười của vợ con, gia đình khi sum vầy, kể cho nhau nghe những vui buồn trong cuộc sống, thậm chí, con cái xin ý kiến hay tư vấn tôi điều gì trong công việc... tôi đều thấy đó là niềm hạnh phúc của bản thân tôi.

Tôi không những là một doanh nhân, mà còn là một người cha gần gũi và đầy tình yêu thương dành cho các con, được các con yêu quý và kính trọng. Thế nên, tôi đang mong chờ một cái Tết “sung túc về tinh thần” của gia đình tôi. Và nó đang đến rất gần.

Gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn tham dự Lễ khai mạc đường hoa Nguyễn Huệ tại TP.HCM
Gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn tham dự Lễ khai mạc đường hoa Nguyễn Huệ tại TP.HCM.

Có điều gì thuộc về truyền thống của gia đình mà ông muốn các thành viên phải tuân thủ và không bao giờ được phép thay đổi?

Truyền thống đã thành lệ của gia đình tôi đó là duy trì bữa cơm tối với tất cả các thành viên. Tuy các con đã lớn, lập gia đình, ở riêng hay chung và chưa lập gia đình thì đều phải có những bữa cơm tối cùng nhau. Đó sẽ là khoảng thời gian tập trung nhiều thành viên nhất có thể. Đặc biệt là dịp cuối tuần.

Tôi xây dựng “nếp gia đình” là để cho các con hiểu rằng: dù có đi đâu và làm gì thì gia đình vẫn là nơi quay về, vẫn là nơi yêu thương nhất. Qua đó, giáo dục các con tinh thần trách nhiệm, tôn trọng, yêu kính ông bà cha mẹ anh chị em, từ đó, các con mới có thể trở thành những công dân có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng.

Nhìn các con của mình được sinh ra và trưởng thành, học tập trong những môi trường tốt nhất, so với những người kém may mắn hơn mà ông được chứng kiến qua những lần làm từ thiện, trao học bổng. Ông thấy các con mình cần có cái nhìn ra sao về cuộc sống, sự sẻ chia với những người kém may mắn hơn?

Đúng là con cái tôi đã trưởng thành trong môi trường rất tốt, đầy đủ điều kiện để hoàn thiện từ nhân cách, bản lĩnh đến kiến thức. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều kiện quyết định. Theo tôi, phần rất lớn còn đến từ nền tảng giáo dục gia đình. Rất may mắn là tất cả con cái tôi dù sống cạnh bên hay ở xa, đều rất ngoan, chịu nghe lời vì tôi không chỉ là cha, mà còn là người bạn của các con tôi. Giữa chúng tôi không có khoảng cách mà rất gần gũi.

Trong công việc tôi là người  lãnh đạo vì các con tôi đều là thành viên tập đoàn, tự chịu trách nhiệm về những công việc, vị trí mà tôi đã giao quyền. Trong gia đình tôi là người cha, trong cuộc sống tôi là người bạn. Trong vai trò nào, tôi đều nhận được nơi các con sự tôn trọng và yêu thương. Tôi luôn hướng các con đến những việc làm mang tính chia sẻ, quan tâm, biết nhường nhịn và lắng nghe nhau.

Ví dụ điển hình nhất là IPPG có thành lập Quỹ “Vì cộng đồng”. Trước đây do tôi quản lý, vận hành với nhiều hoạt động thiện nguyện xã hội. Từ khi con gái học xong, về nước, hiểu được trách nhiệm xã hội, con gái tôi mong muốn được chính thức quản lý và vận hành nguồn quỹ này. Nhận thấy con gái đã trưởng thành và cũng đến lúc phải để các con hiểu hơn về trách nhiệm với cộng đồng, tôi đã đồng ý chuyển giao. Hiện nay, Quỹ đã và đang hoạt động rất hiệu quả.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn và vợ Lê Hồng Thuỷ Tiên cùng các con tại một sự kiện của IPPG
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn và vợ Lê Hồng Thuỷ Tiên cùng các con tại một sự kiện của IPPG.

Những gì ông đã và đang cống hiến cho việc đào tạo con người, thế hệ trẻ Việt Nam nên được cộng đồng hiểu thế nào để không nghĩ đó là hình thức PR hình ảnh?

Mọi thành quả của hôm nay, phải nhìn nhận bằng một quá trình. Không có thành công nào đến một cách dễ dàng cả. Tôi cũng đã lao động, làm việc, đối mặt với bao nhiều thách thức, khó khăn, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố...mới tạo dựng được sự nghiệp như hôm nay.

Tảng băng có bề nổi, là những gì mà mọi người nhìn thấy, nhưng cũng có phần chìm, mà không phải ai cũng thấy, cũng hiểu. Thế nên tôi không quan trọng mọi người nghĩ gì, đánh giá ra sao, kết luận thế nào, vì mỗi người đều nhìn nhận trên một khía cạnh riêng, quan niệm riêng, cảm xúc riêng...

Tôi cũng không cần phải giải thích hay trình bày để “cộng đồng” hiểu đúng về những việc tôi làm. Nhân viên, bạn bè, đối tác, vợ con, gia đình, người thân...những người luôn cận kề trong cuộc sống và công việc của tôi, hiểu và chia sẻ. Với tôi, vậy là đủ. Còn những việc tôi làm, khi có kết quả, ắt hẳn sẽ là câu trả lời sống động nhất và chân thật nhất.

Việt Nam là quê hương và sự kỳ vọng đặc biệt vào thế hệ trẻ

Mới đây, Quỹ học bổng Vừ A Dính được tặng bằng khen và cá nhân ông được nhận kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” vì có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo. Điều mà ông còn suy tư nhiều nhất về thế hệ trẻ của đất nước là gì? Đặc biệt nhưng trẻ em, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn?

Đó là sự ghi nhận của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho Quỹ học bổng Vừ A Dính vì những gì mà Quỹ đã làm được trên chặng đường 21 năm. Tôi chỉ là một cá nhân trong tập thể đó. Hành trình “lên rừng xuống biển” cùng Quỹ học bổng Vừ A Dính suốt một thời gian dài đã cho tôi tận mắt nhìn thấy những em học sinh dân tộc thiểu số, vùng biển đảo... với cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Những suất học bổng, những món quà đến với các em, vì vậy mà cũng mang thật nhiều ý nghĩa. Không chỉ mang giá trị về vật chất mà đó là sự động viên, hỗ trợ về mặt tinh thần để các em vững tin rằng, bên cạnh các em vẫn còn rất nhiều tấm lòng và sự quan tâm, yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ các em trên con đường học tập.

Cũng chính vì tận mắt chứng kiến nên tôi càng trăn trở, làm sao để giúp thêm nhiều học sinh hơn nữa, làm sao để đường đến trường của các em bớt khó khăn vất vả, làm sao để các em được sống và học tập trong một môi trường đầy đủ hơn... Dù tôi có đóng góp bao nhiêu đi nữa thì cũng không thể giải quyết được bài toán, vì để làm được điều này cần phải có sức mạnh tổng lức của tập thể, của cộng đồng, của xã hội. Tôi luôn phát động và kêu gọi thêm nhiều doanh nghiệp, cá nhân là đối tác, bạn bè của tôi cùng tham gia, đóng góp, giúp đỡ các em, càng nhiều càng tốt..

Thế hệ trẻ ngày nay, được sống, học tập trong môi trường phát triển, đất nước hội nhập nên các em được mở mang tầm nhìn. Vì vậy tôi rất mong các em sẽ là những thế hệ kế thừa đầy đủ phẩm chất và năng lực, có ý tưởng, có tầm nhìn để tiếp tục đưa đất nước phát triển. Với bản thân tôi, Việt Nam là quê hương, là nơi đã cho tôi những gì của ngày hôm nay nên ngày nào tôi còn trên cương vị Chủ tịch Tập đoàn, tôi còn đồng hành, đóng góp để chăm lo cho các em.

Lễ trao tặng bằng khen và kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho Quỹ học bổng Vừ A Dính vì có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo được tổ chức tại TPHCM.
Gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn tại Lễ trao tặng bằng khen và kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho Quỹ học bổng Vừ A Dính vì có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo được tổ chức tại TP.HCM mới đây

Quỹ học bổng Vừ A Dính đã, đang và sẽ góp phần chăm lo cho những mầm xanh của đất nước. Trong đó, có việc định hướng giáo dục thế hệ trẻ trở thành công dân toàn cầu. Theo ông, một doanh nhân đã rất thành công thì công dân toàn cầu nên được hiểu ra sao?

Nếu nói đầy đủ khái niệm: Thế nào là công dân toàn cầu thì tôi nghĩ, đó sẽ là một khái niệm chung. Riêng đối với tôi, 35 tuổi trở về Việt Nam và xây dựng sự nghiệp đến hôm nay, tôi chứng kiến từ những ngày đầu đất nước còn khó khăn, trẻ em còn thiếu thốn nhiều thứ, cho đến ngày nay, khi đất nước phát triển, hội nhập, thế hệ trẻ có nhiều điều kiện hơn để học tập và cống hiến cho đất nước, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng: chúng ta cần đào tạo những thế hệ kế thừa có nền giáo dục tốt, chủ động trong giao tiếp với người nước ngoài, am hiểu về công nghệ.

Những ngày Tết cũng là khoảng thời gian ông ấp ủ, đặt nhiều kỳ vọng cho những kế hoạch kinh doanh trong năm mới hay không?

Tôi tập trung ưu tiên phát triển các ngành mũi nhọn và là thế mạnh của IPPG như: cửa hàng miễn thuế sân bay, cửa hàng miễn thuế dưới phố, khu phi thuế quan, factory outlet, trung tâm tài chính, thành phố sân bay thông minh... tại một số tỉnh, thành trên cả nước. Chúng tôi có thêm 1 mảng kinh doanh mới là logicstic và phát chuyển nhanh, một phần để hợp tác với một số thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực này, một phần cũng là để chủ động trong việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa của chính tập đoàn chúng tôi.

Sự thành công rất tốt đẹp của Đại hội Đảng lần thứ XIII khiến tôi tin tưởng vào những người lãnh đạo đất nước đủ tâm và tầm. Tôi thật sự kỳ vọng vào những quyết sách, chiến lược mang tính đột phá của Chính phủ để phát huy sức mạnh trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu, trong việc kiểm soát dịch Covid-19.

Chưa khi nào chúng ta lại có được cơ đồ, tiềm lực vị thế, uy tín trên trường quốc tế như Việt Nam ngày nay. Đó cũng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng Chính phủ, Nhà nước, đưa nền kinh tế phát triển và hội nhập sâu rộng, trong đó, có bản thân tôi và IPPG.

“Vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn xoay chuyển cục diện
Các thương hiệu xa xỉ rời trung tâm thương mại để mở cửa hàng flagship và sự thay đổi hành vi mua sắm của khách hàng buộc “vua phân phối hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư