Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thái Bình xin không triển khai thu phí ETC tại Trạm thu phí Km13+250 đường 39B
Anh Minh - 15/01/2021 08:31
 
Doanh thu thu phí quá thấp, nhà đầu tư không còn nguồn lực là lý do khiến UBND tỉnh Thái Bình phải xin không triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) tại Trạm thu phí Km13+250 đường 39B.
Trạm thu phí Km13+250 đường 39B tại thị trấn Thanh Nê - Kiến Xương - Thái Bình. Ảnh L.T.T
Trạm thu phí Km13+250 đường 39B tại thị trấn Thanh Nê - Kiến Xương - Thái Bình. Ảnh L.T.T

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình vừa ký Tờ trình số 02/TTr - UBND ngày 5/1/2021 gửi Thủ tướng Chính phủ xin không triển khai thu phí ETC tại Trạm thu phí Km13+250 đường 39B thuộc Dự án BOT cải tạo, nâng cấp đường 39B đoạn từ thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương đến thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy.

Để tháo gỡ khó khăn cho tỉnh Thái Bình và tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển tỉnh Thái Bình thành Khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, UBND Thái Bình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép không triển khai đầu tư hệ thống thu phí điện tử không dừng tại Trạm thu phí sử dụng đường bộ Km13+250, đường 39B, tỉnh Thái Bình.

Theo UBND tỉnh Thái Bình, Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B đoạn từ thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương đến thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình (nay là Quốc lộ 37B) được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép đầu tư theo hình thức BT và sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để thanh toán cho dự án.

Dự án được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt tại Quyết định số 46/QĐ-UBND ngày 14/1/2010 với tổng mức đầu tư 2.072,176 tỷ đồng, quy mô đường cấp III đồng bằng, tổng chiều dài 28,9 km.

Khi Dự án BT đang triển khai thì Chính phủ không tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành toàn bộ dự án trong khi Nhà đầu tư và chính quyền địa phương đã tiến hành giải phóng mặt bằng và thi công dở dang trên toàn bộ dự án, nếu không tiếp tục thi công sẽ gây mất an toàn giao thông, việc đi lại của nhân dân rất khó khăn và gây bức xúc trong xã hội, trong khi nguồn vốn ngân sách của tỉnh hết sức khó khăn, không có khả năng bố trí đủ vốn để hoàn thành dự án.

Vì vậy ngày 6/9/2014, UBND tỉnh Thái Bình đã có Tờ trình số 197/TTr-UBND đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi hình thức thực hiện Dự án theo hình thức BOT kết hợp BT tại Công văn số 2165/TTg-KTN ngày 30/10/2014. UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt dự án tại Quyết định số 3059/QĐ-UBND ngày 17/12/2014.

Đến cuối năm 2016, Dự án đã hoàn thành, được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt quyết toán dự án tại Quyết định số 3515/QĐ-UBND ngày 25/11/2019 với giá trị đầu tư cho dự án 452 tỷ đồng. Dự án được đưa vào khai thác sử dụng, thu phí từ ngày 1/1/2017; thời gian thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn cho Dự án BOT dự kiến là 18 năm.

Sau khi được UBND tỉnh Thái Bình cho phép, nhà đầu tư đã tổ chức triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ với doanh thu dự kiến bình quân 130 triệu/ngày.

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, theo đề nghị của các hộ dân và doanh nghiệp (đề nghị giảm giá cho các phương tiện của nhân dân trong khu vực) và để bảo đảm ổn định an ninh, chính trị trong khu vực, UBND tỉnh Thái Bình đã quyết định miễn (không thu tiền) dịch vụ sử dụng đường bộ cho tất cả các hộ dân và các doanh nghiệp trên địa bàn 2 huyện Kiến Xương và Tiền Hải.

Từ khi Trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đi vào hoạt động đến nay, mặc dù UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo Nhà đầu tư và các sở, ngành, đơn vị có liên quan tích cực tuyên truyền để nhân dân, doanh nghiệp chấp hành quy định, đồng thời tăng cường công tác an ninh, trật tự bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn cho các phương tiện khi đi qua trạm.

Tuy nhiên, nhiều chủ phương tiện không thuộc đối tượng ưu tiên cố tình chây ỳ không chấp hành, có hành vi gây rối trật tự, chống đối gây ùn tắc giao thông; thậm chí một số đối tượng quá khích có hành vi hành hung nhân viên thu phí, xô gãy cần barie, gây bức xúc và làm thất thu tiền hoàn vốn cho dự án và do việc miễn, giảm giá cho toàn bộ các hộ dân và doanh nghiệp của 2 huyện Kiến Xương và Tiền Hải nên doanh thu thu phí rất thấp.

Kể từ khi dự án hoàn thành đưa vào thu phí để hoàn vốn đến hết năm 2020, doanh thu lũy kế được 50,135 tỷ đồng, bình quân đạt 19,01% so với phương án tài chính ban đầu (50,135 tỷ đồng/263,77 tỷ đồng).

 Về việc triển khai hệ thống thu phí theo hình thức điện tử không dừng tại Trạm thu phí BOT Km13+250 đường 39B, UBND tỉnh Thái Bình cho biết là đã giao cho Sở GTVT và Nhà đầu tư triển khai các thủ tục để thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) tại Trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ Km13+250 đường 39B.

Theo đề nghị của Nhà đầu tư do nguồn thu phí của dự án quá thấp, không đảm bảo theo phương án tài chính được duyệt, Nhà đầu tư phải bổ sung tài chính cho phần thiếu hụt doanh thu hàng tháng để trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng và bù đắp chi phí vận hành dự án, các ngân hàng không tiếp tục cung cấp tín dụng để thực hiện dự án thu phí điện tử không dừng nên không còn đủ nguồn lực để đầu tư lắp đặt hệ thống thu phí điện từ không dừng.

“Với tình hình thực tế tại Trạm thu phí BOT Km13+250 thì việc lắp đặt hệ thống thu phí theo hình thức điện tử không dừng cũng khó có khả năng đảm bảo hoàn vốn theo phương án tài chính, mặt khác làm tăng chi phí đầu tư của dự án”, ông Nguyễn Khắc Thận – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết.

Mở lối thoát cho thu phí tự động không dừng
Khung pháp lý cho hoạt động thu phí tự động không dừng đang được khẩn trương hiệu chỉnh sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ, tăng tính khả thi và sự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư