Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Thalexim kinh doanh bấp bênh sau cổ phần hóa
Lâm Sơn - 25/05/2021 14:36
 
Mô hình kinh doanh của Tổng CT Thương mại - Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (Thalexim, mã TLP) hầu như không thay đổi, hiệu quả kinh doanh thấp so với quy mô tài sản, nguồn vốn đang sở hữu.

Hiệu quả thấp, cổ đông chiến lược thoái vốn

Tiền thân là Xí nghiệp quốc doanh sơn mài Thanh Lễ, thành lập năm 1991, Thalexim hiện hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là kinh doanh xăng dầu, vận tải và bất động sản khu công nghiệp, với 11 đơn vị phụ thuộc, 5 công ty con và 1 công ty liên kết.

Trong mảng xăng dầu, Thalexim mua nguyên liệu chủ yếu từ 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Bình Sơn, sau đó phân phối lại qua hệ thống cây xăng dầu do Công ty quản lý. Trong mảng khu công nghiệp, Thalexim đang quản lý Khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Khu công nghiệp Bình Đường (Bình Dương), hiện đã được lấp đầy. Trong đó, xăng dầu là hoạt động đem về nguồn doanh thu, lợi nhuận chính.

Hoạt động trong lĩnh vực phân phối xăng dầu cùng lợi thế về đất đai tập trung chủ yếu tại Bình Dương, một tỉnh trung tâm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, được xem là điểm hấp dẫn của Thalexim trong mắt nhà đầu tư khi cổ phần hóa, nhất là theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, Nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 50%.

Thực tế, đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cuối năm 2017 của Thalexim được đánh giá là rất thành công khi số lượng đặt mua gấp 4,8 lần số lượng chào bán và giá trúng IPO bình quân lên đến 14.823 đồng/cổ phần, cao hơn 40% giá khởi điểm.

Trong thời gian ngắn sau IPO, việc bán chiến lược cũng đã hoàn tất với 3 nhà đầu tư tham gia là Công ty TNHH Hải Linh (15%), CTCP Xăng dầu và Dịch vụ hàng hải S.T.S (14,55%) và Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Thiết bị Hướng Dương (16%). Ba nhà đầu tư chiến lược đã bỏ hơn 1.600 tỷ đồng mua 46,55% cổ phần Thalexim. Qua đó, Thalexim trở thành một trong số ít doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa giai đoạn này sớm hoàn tất việc bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược. Tuy vậy, bức tranh kinh doanh của Công ty suốt 4 năm sau đó vẫn không khởi sắc hơn.

Trong năm 2020, báo cáo tài chính của Thalexim cho biết, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ chỉ đạt 22 tỷ đồng, giảm đến 72% so với thực hiện năm 2019 và thậm chí Thalexim có thể đã báo lỗ nếu hạch toán hết khoản trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (75,8 tỷ đồng) như ý kiến ngoại trừ của kiểm toán.

Tác động bất lợi của Covid-19 có thể là nguyên nhân những khó khăn của Công ty trong năm 2020, khi nhiều doanh nghiệp cùng ngành cũng trong cảnh giảm lãi. Song, cả trong những năm trước đó, hiệu quả kinh doanh của Thalexim cũng không mấy khả quan.

Chẳng hạn năm 2018, Thalexim báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 119,8 tỷ đồng, còn năm 2019 khoản lợi nhuận này lại giảm 34,5%, xuống 77,9 tỷ đồng. Tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) và nguồn vốn chủ sở hữu (ROE) của năm 2018 là 1,24% và 5,27%, còn năm 2019 vỏn vẹn 0,88% và 3,1%.

Bốn năm kể từ khi thoát bóng Nhà nước, mô hình hoạt động kinh doanh của Công ty đến nay hầu như thay đổi không đáng kể so với trước, khi phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động kinh doanh xăng dầu có biên lợi nhuận thấp, trong khi giá dầu thường xuyên biến động bất thường với những nhịp giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh bất động sản, vốn được kỳ vọng về khả năng mang lại đột biến nhờ quỹ đất lớn trước IPO và tình hình thị trường sôi động những năm qua cũng chưa ghi nhận chuyển biến nào. Nhiều dự án dở dang như Khu nhà vườn Chánh Mỹ, Khu nhà thương mại An Bình, Khu nhà thương mại Phú Thọ… giải ngân khá chậm.

Trong khi dấu ấn nhà đầu tư chiến lược vẫn chưa có gì rõ nét, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2019 - tức chỉ 2 năm sau cổ phần hóa, cổ đông của Thalexim đã thông qua việc các nhà đầu tư chiến lược được chuyển nhượng cổ phần trước thời hạn cam kết (5 năm kể từ ngày công ty cổ phần mới được cấp giấy đăng ký kinh doanh) và đến tháng 10/2020, CTCP Xăng dầu và Dịch vụ hàng hải S.T.S đã bán toàn bộ 34,42 triệu cổ phiếu TLP.

Tín hiệu phục hồi chưa vững chắc

Kết thúc quý đầu năm 2021, báo cáo tài chính của Thalexim cho biết những con số khá tích cực so với cùng kỳ năm ngoái, với doanh thu hợp nhất trong kỳ đạt 2.920 tỷ đồng, tăng 2,4% so với quý I/2020, giá vốn hàng bán giảm, giúp lợi nhuận gộp thu về 164,1 tỷ đồng, gấp 2,78 lần cùng kỳ 2020.

Nguyên nhân khiến lợi nhuận gộp của Thalexim tăng mạnh được đánh giá đến từ diễn biến giá dầu duy trì xu hướng tăng trong suốt quý đầu năm nay, kéo theo xu hướng tăng giá của các sản phẩm xăng dầu giúp doanh nghiệp hưởng lợi.

Bên cạnh lợi nhuận, dòng tiền kinh doanh cũng ghi nhận thặng dư 476 tỷ đồng, qua đó giúp Công ty có nguồn lực giảm nợ vay ròng hơn 725 tỷ đồng trong quý vừa qua. Trước đó, dòng tiền của Công ty cũng đạt thặng dư 699 tỷ đồng trong năm 2020, đảo chiều sau 2 năm 2018 và 2019 bị âm lớn.

Những tín hiệu lạc quan trong kết quả kinh doanh được kỳ vọng sẽ giúp Thalexim có một năm kinh doanh khởi sắc hơn. Tuy vậy, việc kết quả kinh doanh phụ thuộc chủ yếu vào mảng xăng dầu khiến khả năng duy trì kết quả tích cực trong những quý tiếp theo không vững chắc do biến động bất thường của giá dầu thế giới.

Về cơ cấu tài chính, dù đã duy trì thặng dư từ năm 2020, giúp Công ty có nguồn lực giảm nợ, nhưng số thặng dư vẫn còn khá nhỏ, cấu trúc vốn còn nặng gánh nợ vay.

Tính đến cuối quý I/2021, nợ phải trả của Thalexim là 5.168 tỷ đồng, tỷ lệ trên vốn chủ sở hữu là 1,94 lần. Trong đó, dư nợ vay đạt 2.623 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn. Tỷ lệ nợ vay ở mức 1 lần vốn chủ ở hữu. Chi phí lãi vay trong kỳ là 36,7 tỷ đồng, chiếm 36% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, không bao gồm tài chính mang lại.

Trong những năm trước đó, chi phí lãi vay cũng là gánh nặng bào mòn đáng kể lợi nhuận của Công ty. Với chi phí lãi vay chiếm 67% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, không bao gồm tài chính mang lại trong năm 2019. Năm 2020 tỷ lệ này lên đến 89,9%.

3 cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/10
Báo Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 24/10 của các công ty chứng khoán.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư