Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 05 năm 2024,
Thận trọng khi nâng thuế với rượu, bia, thuốc lá
Mạnh Bôn - 15/11/2014 11:00
 
() “Quốc hội cần phải thảo luận, cân nhắc thật cẩn trọng khi đưa ra các mức thuế suất cụ thể và lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với rượu, bia, thuốc lá”, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TS. Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Ngất ngưởng thuế với bia
Sản xuất bia lo rút ngắn lộ trình tăng thuế
Tăng thuế 'khủng' với bia, rượu, thuốc lá
“Cơ hội vàng” để Việt Nam tăng thuế thuốc lá
Nước giải khát có gas chịu thuế như rượu, bia, mát xa?

Ngày 15/11, Quốc hội cho ý kiến Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB mà trọng tâm là tăng thuế đối với rượu, bia, thuốc lá. Ông đánh giá thế nào về các mức thuế mà Bộ Tài chính đề xuất?

   
  Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TS. Nguyễn Sỹ Dũng  

Trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB, Bộ Tài chính đề xuất nâng thuế đối với mặt hàng thuốc lá từ 65 lên 70% từ năm 2016 và lên 75% từ năm 2019. Mặt hàng rượu phải chịu thuế 65% (trên 20 độ) và 35% (dưới 20 độ) kể từ ngày 15/7/2015, thay vì mức 50% và 25% hiện nay. Còn mặt hàng bia được nâng từ mức thuế suất 50% lên 55% kể từ ngày 1/7/2015, sau đó lên 60% kể từ ngày 1/1/2017 và 65% kể từ ngày 1/1/2018.

Việc tăng thuế có thể hạn chế tình trạng sử dụng quá mức đối với sản phẩm, dịch vụ không khuyến khích tiêu dùng, cụ thể ở đây là rượu, bia và thuốc lá, nhưng chắc chắn, tình trạng buôn lậu sẽ gia tăng, bởi tăng thuế bao nhiêu, lợi nhuận từ việc buôn lậu, gian lận thương mại tăng lên bấy nhiêu.

Vì vậy, Quốc hội phải hết sức thận trọng khi quyết định áp thuế và lộ trình tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia, thuốc lá?

Áp mức thuế bao nhiêu, lộ trình thế nào phải tính đến nhiều khía cạnh, nhiều yếu tố. Đặc biệt, phải cân nhắc việc tăng thuế tác động thế nào tới ngân sách, tác động thế nào đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia, thuốc lá và phải lường trước việc áp mức thuế mới tác động thế nào đến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại; tác động thế nào đến người tiêu dùng.

Cuối cùng, cần phải trả lời được câu hỏi: áp mức thuế cao có đạt được một trong những mục tiêu quan trọng là giảm tiêu dùng quá mức đối với 3 mặt hàng này không.

Ở nhiều nước trên thế giới, mỗi khi tăng thuế rượu, bia, thuốc lá, chính phủ đều lấy lý do bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nhưng trên thực tế, chính phủ quan tâm đến việc tăng thu ngân sách hơn?

Nếu tăng thuế ở mức hợp lý thì “túi tiền” ngân sách có thể tăng lên, nhưng nếu tăng quá mức thì chưa chắc, vì người tiêu dùng có thể thay đổi thói quen. Nếu giá rượu, bia, thuốc lá tăng quá cao do tăng thuế, thì người tiêu dùng không có điều kiện về tài chính sẽ chuyển sang sử dụng thuốc lào, thuốc quấn, “rượu đế”; người có điều kiện thì chuyển sang sử dụng sản phẩm nhập lậu.

Hậu quả của tình trạng trên là ngân sách thất thu; mục tiêu giảm tiêu dùng đối với rượu, bia, thuốc lá không đạt được; hàng trăm ngàn người làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia, thuốc lá thiếu việc làm; đời sống của hàng triệu người sản xuất sản phẩm là đầu vào cho doanh nghiệp rượu, bia, thuốc lá gặp khó khăn, áp lực bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm gia tăng…

Nhưng không thể vì lý do chưa cấm được buôn lậu mà hoãn việc tăng thuế đối với 3 mặt hàng này, vì thực tế cho thấy, giá rượu, bia, thuốc lá tại Việt Nam còn khá rẻ đã dẫn đến tình trạng lạm dụng, gây rất nhiều tác hại cho sức khỏe cộng đồng, an ninh trật tự?

Tôi ủng hộ việc tăng thuế TTĐB đối với 3 mặt hàng này, nhưng muốn lưu ý rằng, cần phải đưa ra các mức thuế suất và lộ trình tăng thuế phù hợp với tình hình thực tiễn, phù hợp với khả năng, hiệu quả trong việc chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Nếu tăng thuế quá mức, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại chắc chắn gia tăng. Muốn giảm buôn lậu, gian lận thương mại, thì phải tăng thêm quyền lực cho cơ quan chống buôn lậu (hải quan, thuế vụ, công an, quản lý thị trường…).

Thực tế cho thấy, cứ mỗi khi cấm đoán, hạn chế lĩnh vực, ngành hàng nào đó buộc phải tăng thêm quyền lực cho cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến ngành hàng, lĩnh vực bị cấm đoán, hạn chế. Và thông thường, cơ quan nào được tăng thêm quyền lực đều gia tăng tham nhũng, vì họ có cơ hội để kiếm tiền.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư