Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thận trọng với vốn cho cá nhân vay mua căn hộ
Vân Linh - 12/11/2018 19:00
 
Gần đây, không ít dự án chung cư bị nhà băng siết nợ, do chủ đầu tư đem dự án cầm cố ngân hàng, khiến khách hàng mua nhà lao đao. Điều này cũng được cảnh báo rủi ro tiềm ẩn lớn cho phía ngân hàng.
Chung cư Trung Đông Plaza 18 tầng ở TP. HCM sắp bị thu giữ để siết nợ
Chung cư Trung Đông Plaza 18 tầng ở TP. HCM sắp bị thu giữ để siết nợ

Siết nợ hàng loạt dự án chung cư

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa gửi thông báo đến Công ty cổ phần Tư vấn, Đầu tư và Phát triển Trung Đông (TP.HCM) yêu cầu giao tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ. Chung cư này gồm 120 căn hộ. Lý do là, công ty này có khoản nợ hơn 82 tỷ đồng (tạm tính đến giữa tháng 10/2018), trong đó nợ gốc hơn 33,7 tỷ đồng, lãi hơn 48,7 tỷ đồng. Khoản nợ này đã được một ngân hàng cổ phần bán lại cho VAMC. 

Theo thông báo trên, đến ngày 1/12, nếu Công ty Trung Đông không bàn giao tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ, VAMC sẽ thu giữ toàn bộ tài sản để xử lý, thu hồi nợ. 

Theo đại diện của VAMC, quá trình thu giữ tài sản tuân thủ đúng trình tự quy định, góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, việc này cũng nhằm nâng cao ý thức trả nợ của khách hàng đối với VAMC cũng như các tổ chức tín dụng liên quan.

Việc dự án bị “siết” nợ khiến cư dân đang sống tại đây lo lắng. Đây không phải chung cư đầu tiên bị siết nợ và thông báo thu giữ tài sản bảo đảm thu hồi nợ xấu. 

BIDV đã rao bán Chung cư 584 - Tân Kiên ở TP.HCM để siết nợ 1.100 tỷ đồng. Trước đó, Chung cư Gia Phú (Thủ Đức, TP.HCM) cũng được BIDV rao bán đấu giá để thu hồi khoản nợ hơn 232 tỷ đồng, trong đó, nợ gốc 88,9 tỷ đồng, còn lại là lãi vay. 

Sau BIDV, VietinBank cũng chào bán khoản nợ hơn 21 tỷ đồng của Công ty Địa ốc Gia Phú. Theo thông tin từ VietinBank, tính đến ngày 11/7/2018, dư nợ khoản vay của Công ty Gia Phú tại ngân hàng này là gần 21,6 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc 6 tỷ đồng và nợ lãi gần 15,6 tỷ đồng… Việc dự án chung cư của Gia Phú bị siết nợ khiến cư dân lo lắng, bởi căn nhà họ mua đã được chủ đầu tư đem cầm cố ngân hàng để vay vốn.

Mới đây, tháng 6/2018, Sở Xây dựng TP.HCM đã công bố gần 30 dự án bất động sản đủ điều kiện bán mở nhà ở hình thành trong tương lai. Nhưng điều đáng nói là, trong số đó, không ít dự án đã bị chủ đầu tư đem cầm cố, thế chấp tại ngân hàng.

Cần công khai dự án đã cầm cố

Thực tế, khi các khoản nợ đến hạn trả nợ mà chủ nợ mất khả năng thanh toán thì sẽ bị ngân hàng hoặc VAMC (nếu khoản nợ đó đã được ngân hàng bán cho VAMC) siết nợ để xử lý nợ xấu. Đặc biệt, kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 ra đời, chủ nợ được trao quyền nhiều hơn trong phát mãi tài sản đảm bảo, cả khi người vay không đồng tình. Tuy nhiên, khi dự án chung cư bị siết nợ, không phải chủ đầu tư nào cũng đảm bảo quyền lợi cho khách hàng như trường hợp của PVcomBank. 

Cần bắt buộc chủ đầu tư có Dự án đã thế chấp ngân hàng khi muốn bán cho người sử dụng phải thông báo rõ là Dự án đang thế chấp ngân hàng.

PVcomBank vừa phát mãi Dự án Tokyo Tower (Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Vinafor và Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 làm chủ đầu tư), do chủ đầu tư không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ ngân hàng. 

Để xử lý, PVcomBank đã gặp gỡ người mua nhà để thống nhất cách giải quyết sự việc. Sau vai trò là đơn vị cấp tín dụng, nay khi thu giữ dự án với vai trò mới là đơn vị tài trợ dự án, PVcomBank cam kết trong quá trình xử lý tài sản để thu hồi nợ sẽ chú trọng quyền lợi hợp pháp của người mua nhà. Giải pháp được đưa ra, nếu muốn nhận lại tiền đã đầu tư mua nhà, ngân hàng sẽ thu xếp hỗ trợ người mua nhà chuyển nhượng lại hợp đồng mua bán căn hộ chung cư cho đối tác có nhu cầu nhận chuyển nhượng, sau đó người mua nhà sẽ thu hồi vốn tối đa bằng số tiền đã thanh toán cho chủ đầu tư.

Để tránh những hệ lụy từ việc cầm cố ngân hàng, theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính, cần bắt buộc chủ đầu tư có dự án đã thế chấp ngân hàng khi muốn bán cho người sử dụng phải thông báo rõ là dự án đang thế chấp ngân hàng. Đồng thời, hành vi giấu giếm thông tin mang tính chất lừa đảo, cần được xử lý nghiêm khắc. Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, quan trọng nhất là các dự án phải minh bạch thông tin và người mua nhà nên nhờ tư vấn kỹ hợp đồng. Đây là cách tốt nhất để bảo đảm quyền lợi.

Nhu cầu vay mua nhà tăng, ngân hàng chùn tay
Nhu cầu vốn mua nhà tăng cao cùng với sự hồi phục của thị trường nhà, đất đã tạo điều kiện tích cực cho tín dụng, song cho vay bất động sản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư