Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 08 tháng 10 năm 2024,
Thanh Hóa: Đối tượng đưa người đi Angola vẫn bình chân
- 18/08/2013 08:15
 
Mới đây, Văn phòng Cơ quan Báo Đầu tư tại Thanh Hóa tiếp tục nhận được đơn thư kêu cứu của 12 hộ gia đình tại hai xã Hưng Lộc và Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) có con em bị lừa đảo đi lao động tại Angola. 

Sau khi trở về, sức khỏe và tinh thần sụt giảm, cuộc sống của họ lâm vào cảnh hết sức khó khăn, nợ nần chồng chất. Trong khi đó, đối tượng trực tiếp tư vấn và đưa lao động sang Angola vẫn bình chân như vại.

Theo đơn thư phản ánh, 12 nạn nhân của hai xã trên đã bị đối tượng là Nguyễn Văn Hà, trú tại thôn Thắng Phúc, xã Ngư Lộc tư vấn và trực tiếp chịu trách nhiệm đưa sang Angola làm việc theo hợp đồng đi lao động nước ngoài.

Để thực hiện kế hoạch này, Hà đã môi giới số người trên ký hợp đồng với Công ty Tổng hợp II (có địa chỉ tại tòa nhà C6, Mỹ Đình I, huyện Từ Liêm, Hà Nội).

Các nạn nhân trong vụ đưa người lao động sang Angola trao đổi với
phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn

Cũng theo phản ánh, Hà đã thu của mỗi người hơn 136 triệu đồng tiền mặt.

Các khoản tiền khám sức khỏe, làm thủ tục, tiêm phòng, chứng chỉ… người lao động phải tự chịu. Tổng mức chi phí bình quân là gần 200 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, khi những lao động này sang tới Angola thì mọi việc không như hợp đồng đã ký kết; họ thiếu thốn nơi ăn chỗ ở, công việc không ổn định, tính mạng bị đe dọa,... và bị rơi vào tình thế đã rồi, bơ vơ nơi xứ người, bất đồng về ngôn ngữ.

Số lao động trên chỉ còn biết trông chờ vào sự giải cứu của gia đình, thông qua việc gây sức ép đối với người môi giới là Hà, và chính Hà cũng đã yêu cầu gia đình đưa tiền mua vé máy bay cho các nạn nhân trở về nước.

Như thông tin Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn đã phản ánh, trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, ông Lê Quang Tích, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa cho biết: cho đến thời điểm hết tháng 5/2013, cơ quan này chưa nhận được bất cứ văn bản nào của Cục Quản lý lao động ngoài nước (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho phép doanh nghiệp tuyển dụng lao động xuất khẩu tại Thanh Hóa đi Angola.

Như vậy, chưa có cơ sở nào khẳng định Hà và doanh nghiệp liên quan được phép đưa lao động sang Angola làm việc. Tuy nhiên, sự việc diễn ra một thời gian dài, đơn thư các nạn nhân đã gửi tới cơ quan chức năng, nhưng sự việc và trách nhiệm của cá nhân và doanh nghiệp liên quan vẫn chưa được làm rõ.

Trong cuộc họp báo mới đây với UBND tỉnh Thanh Hóa, Đại diện thường trú Báo Đầu tư tại Thanh Hóa cũng đã gửi câu hỏi này tới các cơ quan chức năng của tỉnh.

Được biết, ông Hà đang gặp gỡ một số gia đình nạn nhân để kín đáo thu xếp vụ việc. Trong khi đó, theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, hồ sơ vụ việc cũng đang được chuyển cho cơ quan công an xem xét. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy cơ quan chức năng của hai xã có nạn nhân bị lừa xuất khẩu lao động và huyện Hậu Lộc chính thức lên tiếng.

Chúng tôi hy vọng sớm có thông tin phản hồi để trả lời đơn thư của bạn đọc trong thời gian sớm nhất.

PV Báo Đầu tư Thường trú tại Thanh Hóa

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư