Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Thanh Hóa: Giải bài toán nông dân bỏ ruộng
Sĩ Chức - 27/08/2013 10:18
 
Hiện tượng bỏ ruộng, trả ruộng tại Thanh Hóa tuy chưa phải là  vấn đề nghiêm trọng và phổ biến, nhưng đã bắt đầu xuất hiện và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn trong nông nghiệp, nông thôn, gây lãng phí quỹ đất sản xuất.  

Trong những năm qua, tại Thanh Hóa đã manh nha xuất hiện một số mô hình, mà ở đó đã và đang hé lộ lời giải đáp cho những bài toán ruộng đất bị bỏ hoang.

Tình trạng bỏ ruộng hoang đã manh nha xuất hiện ở Thanh Hóa

Khi người nông dân bỏ đồng ruộng

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa cho biết, tính đến ngày 9/8/2013, trên địa bàn tỉnh hiện chưa có hiện tượng dân trả ruộng.

Tuy nhiên, chuyện nông dân bỏ ruộng hoang hóa, không sản xuất, canh tác diễn ra khá phổ biến trên địa bàn 14 xã, thuộc 3 huyện: Hậu Lộc, Tĩnh Gia và Quảng Xương.

Tổng số có 1.037 hộ bỏ ruộng, với diện tích 67ha. Cá biệt, huyện Hậu Lộc có tới 11 xã có dân bỏ ruộng.

Nguyên nhân dẫn đến các hộ bỏ đất, bỏ ruộng cũng đã được đưa ra.

Cụ thể như huyện Hậu Lộc, diện tích đất bỏ hoang tập trung chủ yếu tại xã Tiến Lộc, lý do bỏ ruộng là ở đây có nghề rèn truyền thống; trong vài năm gần đây nghề này phát triển tốt, cho thu nhập cao.

Mặt khác, năm 2010, trên địa bàn có thêm Nhà máy may IVORY đi vào hoạt động đã thu hút một lực lượng lớn lao động của xã tham gia, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong việc sản xuất nông nghiệp.

Tại các xã của huyện Tĩnh Gia thì lại do điều kiện sản xuất quá khó khăn, sản xuất phải chờ nước trời, gần KKT Nghi Sơn, đất xấu, năng suất bấp bênh, nhất là trong vụ mùa (thậm trí người nông dân bỏ không sản xuất vụ này).

Còn lại một số nguyên nhân khác là do đất đã được chuyển mục đích sử dụng. Song đơn vị chủ đầu tư chưa triển khai các dự án. Nên những vụ trước, năm trước người nông dân vẫn tận dụng để gieo cấy, năm nay do giá vật tư đầu vào cao, hiệu quả sản xuất thấp nên đành bỏ hoang.

Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân nữa là việc bỏ ruộng không sản xuất là do cả gia đình di chuyển đi làm ăn xa, cho lại người nhà, hàng xóm mượn sản xuất. Song không đảm bảo lao động hoặc khả năng đầu tư nên bỏ ruộng không sản xuất…

“Ẩn số” từ hai mô hình

Nhằm giúp người nông dân phát triển kinh tế, đổi mới cách tổ chức sản xuất nông nghiệp, sớm khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng chuyên canh tập trung sản xuất hàng hóa… Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã phối hợp chính quyền xã Vân Sơn (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) xây dựng mô hình công ty cổ phần nông-công nghiệp dịch vụ thương mại.

Theo cách này, người nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất với thời hạn 20 năm, hết thời hạn này thì đất được trả lại thuộc về nông dân. Công ty bỏ vốn hàng năm tổ chức sản xuất, người nông dân vẫn canh tác trên ruộng mía của họ mà không phải lo đầu tư giống, vốn, kỹ thuật, lại được tính thêm tiền công lao động.

Nông dân được chia 30% số tiền từ doanh thu bán mía cho công ty mẹ. Công ty dành 10% lợi nhuận để xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất... Mô hình này đã tạo ra thuận lợi: Doanh nghiệp có vùng nguyên liệu mía ổn định, có điều kiện để xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, người nông dân vẫn có việc làm, thu nhập ổn định, và đặc biệt họ vẫn có quyền giám sát phần đất của mình…

Mới đây, tại cánh đồng của xã Hoằng Anh (Tp. Thanh Hóa). Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông cũng đã tổ chức lễ hội xuống đồng, triển khai mô hình cánh đồng sản xuất lúa áp dụng công nghệ cao trong vụ hè thu năm 2013. Mô hình này sẽ được áp dụng trên diện tích 30 ha, trong đó nông dân sẽ góp đất đầu tư cùng doanh nghiệp.

Theo đó, toàn bộ cánh đồng sẽ được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu từ làm đất, gieo cấy đến thu hoạch,... do doanh nghiệp đứng ra tổ chức sản xuất “từ A tới Z”.

Đặc biệt, mô hình giảm giá sản xuất lúa thương phẩm xuống dưới 3.000 đồng/kg (sản xuất lúa thương phẩm hiện nay là 4.000 đồng/kg), giảm chi phí trên một ha sản xuất từ 6 triệu đồng/ha xuống còn 5,4 triệu đồng/ha...

Doanh nghiệp đưa ra cam kết đảm bảo sẽ trả “địa tô” là 60kg thóc tươi/1 sào (tương đương 1,2 tấn/ha) cho người nông dân tại ngay bờ ruộng ở cuối mùa vụ sau thu hoạch.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông cho biết; “Mô hình này đang trong giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm. Mặc dù vậy, bước đầu nó đã nhận được sự ủng hộ của những người nông dân và phía chính quyền địa phương. Nếu hiệu quả được đảm bảo, trong thời gian tới Tiến Nông sẽ kết hợp với người nông dân để sản xuất và xây dựng những cánh mẫu lớn theo hướng hiện đại và cơ giới”.

Trao đổi với Phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm, sự chuyển dịch của cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang các lĩnh vực khác là một quy luật tất yếu trong tiến trình phát triển; kèm theo đó là những bất cập trong quản lý đất đai sản xuất nông nghiệp, như thiếu chế tài để thu hồi với những thửa đất mà người nông dân bỏ hoang hoặc kém hiệu quả. Một mặt, doanh nghiệp muốn tham gia đầu tư, phải có chiến lược và được thuê đất lâu dài.

“Trước mắt, tỉnh Thanh Hóa khuyến khích các doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia khai thác các quỹ đất nông nghiệp để mang lại hiệu quả cao nhất”, ông Quyền nói và cho biết, từ những mô hình này, sau khi tổng kết và so sánh hiệu quả, tỉnh Thanh Hóa sẽ đưa ra những chính sách điều chỉnh thích hợp.

Thanh Hóa: Hàng nghìn công nhân IVORY đình công
Sáng nay, ngày 24/8, hàng ngìn công nhân Nhà máy may IVORY Thanh Hóa, đóng trên địa bàn thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc đã ngừng sản xuất, yêu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư