Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Thanh Hóa: doanh nghiệp đầu tư chợ Già tiến thoái lưỡng nan
Sĩ Chức - 09/07/2013 09:51
 
Sau khi phản ánh tình trạng chợ Già tại xã Hoằng Kim, Hoằng Hóa (Thanh Hóa) bỏ hoang gần một năm sau khi hoàn thiện. Phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn tiếp tục nhận được phản hồi về vụ việc từ phía ông Đỗ Thanh Công, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Việt Hung, chủ đầu tư Chợ Già.
TIN LIÊN QUAN

Mức thu chưa đủ bù chi phí

Ông Công cho biết; với mức tổng đầu tư xây dựng chợ gần 14 tỷ đồng, việc thu mức phí theo dự kiến đưa ra, so với lãi suất ngân hàng, phía doanh nghiệp vẫn đang còn chịu lỗ.

Ông Đỗ Thanh Công, Giám đốc CTCP Đầu tư Xây dựng
Thương mại Việt Hung (Ảnh: Sĩ Chức)

Cụ thể, trong khu nhà chính có khoảng 90 chỗ ngồi, với mức thu cho vị trí trong nhà là 200.000 đ/tháng, (thu khoảng 18 triệu đ/tháng); khu ngoài trời có khoảng 40 chỗ ngồi, mức thu 100.000 đ/tháng, (thu nhập 4 triệu đ/tháng); cộng thêm vị trí của 33 ki ốt nếu thuê đầy đủ, mức thuê 900.000 đ/tháng (thu nhập khoảng 33,3 triệu đ/tháng).

Như vậy, tổng thu cho toàn chợ, nếu chỗ thuê vị trí được lấp đầy thì cũng chỉ được khoảng 55 triệu đ/tháng.

Chưa kể, phía Công ty Việt Hung còn đưa ra chính sách miễn phí trong 6 tháng đầu khi chuyển sang chợ mới, sau đó sẽ giữ mức giá ổn định.

Nếu so mức thu dự kiến với chi phí lãi vay ngân hàng cho 14 tỷ đồng đề đầu tư xây dựng chợ, phía doanh nghiệp vẫn đang chịu lỗ.

Cụ thể, nếu tính mức lãi suất bình quân 13%/năm; hàng tháng doanh nghiệp phải chí phí cho mức lãi suất này khoảng 140 triệu đồng.

“Chúng tôi chỉ hy vọng về lâu dài, khi hoạt động của chợ có tiến triển tốt sẽ có những mức thu hợp lý để bù vào chi phí đã bỏ ra xây dựng”, ông Công nói.

Còn việc so sánh với khu chợ cũ trên một bãi đất với lều lán tạm bợ, mức nộp ngân sách cho UBND xã là 9 triệu đồng/năm thì quả là khập khiễng. “Trong khi đó, chúng tôi ngoài việc đầu tư xây dựng còn phải nộp ngân sách cho xã gần 45 triệu đồng/năm”, ông Công bức xúc nói.

Huyện Hoằng Hóa có bỏ rơi doanh nghiệp?

Trong khi số tiền đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây dựng chợ mà chưa đưa vào hoạt động được, thì điều mà ông Công tỏ ra bức xúc nhất là cách giải quyết vụ việc của lãnh đạo UBND huyện Hoằng Hóa, trực tiếp là ông Lê Văn Nhuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa, người được giao phụ trách giải quyết những vướng mắc trên.

“Chúng tôi đã gửi công văn lên UBND tỉnh và thêm hai lần gửi công văn lên lãnh đạo UBND huyện Hoằng Hóa, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất cứ một văn bản trả lời từ phía lãnh đạo các cấp. Không những thế, trong một cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp sau khi kiểm tra chợ, ông Nhuần còn phát biểu: “chợ của anh, anh cứ mở, ai vào họp thì vào. Còn chợ cũ thì huyện sẽ làm theo quy trình” (?!). ông Công kể lại.

Chợ Già cũ nằm trên nền Di tích lịch sử văn hóa thuộc diện được bảo vệ, tôn tạo, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm

Phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn có liên hệ và đặt lịch làm việc với ông Lê Văn Nhuần để tìm hiểu thêm sự việc, nhưng ông Nhuần từ chối với lý do bận họp và "đã trao đổi lại với anh Công rồi".

Chúng tôi tiếp tục tìm về chợ Già cũ để tìm hiểu sự việc thì được biết, việc di chuyển từ chợ cũ sang chợ mới chưa được giải quyết xong thì gần hai tháng nay, các tiểu thương hoạt động kinh doanh tại đây đã lắp đặt hệ thống mái tôn kiên cố (khoảng 1.000 m2).

Như vậy, việc tiếp tục kinh doanh tại khu chợ Già cũ có thể còn tiếp diễn.

Điều đáng nói ở đây là, việc Công ty Việt Hung tham gia đầu tư, xây dựng mới chợ Già là thực hiện Kế hoạch số 328/KH-UBND của UBND huyện Hoằng Hóa về việc Chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Sau khi UBND xã Hoằng Kim xây dựng phương án, kêu gọi các tổ chức kinh tế tham gia đầu tư, quản lý và xây dựng chợ Già mới, thì dự án của Công ty Việt Hung đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; được tỉnh Thanh Hóa cho thuê đất với mục đích xây dựng chợ Già mới.

Trong khi đó, văn bản của UBND xã Hoằng Kim nêu rõ, chợ Già cũ nằm giáp đường liên xã Kim - Giang, trên nền đất cũ của Nghè Phủ Nghĩa Trang, là Di tích lịch sử văn hóa đã được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định bảo vệ và tôn tạo. Do địa hình chật hẹp, chợ thường xuyên họp lấn ra đường, gây ách tắc giao thông, nên việc di dời chợ cũ và xây chợ mới được chính quyền địa phương khẳng định là cần thiết.

Như vậy, có thể thấy việc Công ty Việt Hung đầu tư xây dựng chợ Già mới là thực hiện chủ trương nhất quán của tất cả các cấp chính quyền từ xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa cũng như tỉnh Thanh Hóa.

Nhưng khi chợ đã xong, những vướng mắc liên quan lại không được giải quyết hợp lý, khiến doanh nghiệp đã bỏ hàng chục tỷ đồng đầu tư vào dự án lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, gánh nợ ngân hàng.

Báo Đầu tư điện tử-baodautu.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trong những bản tin tiếp theo.

Có kẻ giật dây cuộc thủy chiến bãi ngao ở Thanh Hóa?
Thông tin mới nhất về vụ thủy chiến giành bãi ngao tại Thanh Hóa làm nhiều người chết và bị thương.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư