Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Tháp Mười dồn sức cho các mục tiêu phát triển
Huy Tự - 01/05/2024 14:43
 
Huyện Tháp Mười đang thực hiện nhiều giải pháp đột phá với các mô hình kinh tế hiệu quả, xây dựng hạ tầng, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, quyết tâm trở thành huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (thứ 2 từ trái sang) cùng lãnh đạo huyện Tháp Mười khảo sát Làng sen Gò Tháp phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (thứ 2 từ trái sang) cùng lãnh đạo huyện Tháp Mười khảo sát Làng sen Gò Tháp phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm

Chuyển từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”

Cùng với việc khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu rộng lớn và trù phú vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Đồng Tháp, huyện Tháp Mười triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, chuyển mạnh từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”.

Kết quả, tăng trưởng nông - lâm - thủy sản bình quân đạt trên 3,5%/năm, khá cao so với các địa phương trong tỉnh. Đến hết năm 2023, trên địa bàn huyện có 92 vùng trồng, được gắn 162 mã số với diện tích hơn 14.000 ha, trong đó có 70 mã số do nước nhập khẩu cấp (gồm các thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU) và 92 mã số phục vụ thị trường nội địa.

Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản trên đất lúa, giai đoạn 2021-2023, trên địa bàn huyện Tháp Mười có trên 3.400 ha được chuyển đổi, đạt gần 80% so với kế hoạch năm 2025. Để tăng thêm hiệu quả kinh tế nông nghiệp, huyện đã chủ động tái cơ cấu các mặt hàng chủ lực của địa phương (lúa gạo, sen, ếch, cá sặc rằn, vịt, mít).

Toàn huyện hiện có 38 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao, 100% sản phẩm OCOP tham gia sàn thương mại điện tử, hướng đến 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản đạt chứng nhận VietGAP hoặc GAP…, kết hợp triển khai các mô hình kinh tế hiệu quả, gồm: mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, mô hình trồng sen lấy củ gắn với liên kết tiêu thụ, mô hình sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm trồng nấm bào ngư xám…

Ông Đoàn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, từ khi đạt chuẩn huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh vào năm 2019 đến nay, Tháp Mười đã bám sát Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Trung ương và tỉnh, triển khai có hiệu quả Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười, tạo động lực đưa kinh tế nông nghiệp huyện phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, hiệu quả. Các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện sẽ tiếp tục nỗ lực để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức để đạt được những mục tiêu phát triển đã đề ra.

Trong đó, tập trung triển khai, phối hợp đúng tiến độ các công trình giao thông cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ đi qua địa bàn huyện, kết nối huyện Tháp Mười với các trung tâm kinh tế lớn phía Nam và các tỉnh lân cận…

Tháp Mười cũng đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bồi thường, giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm của tỉnh, huyện; tập trung thực hiện công tác quy hoạch phát triển đô thị, thu hút nguồn lực và huy động xã hội hóa cho mục tiêu phát triển đô thị, nhất là đô thị thị trấn Mỹ An, đô thị Trường Xuân. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Tân Kiều, Cụm công nghiệp - dịch vụ thương mại Trường Xuân; khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, xây dựng mô hình du lịch đặc trưng của Tháp Mười gắn với Lễ hội tại Gò Tháp, mô hình Chợ quê Gò Tháp...

Phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa - xã hội

Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, Tháp Mười đang tập trung nâng cao chất lượng giáo dục; chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân; tăng cường công tác đào tạo nghề, hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động…

Đặc biệt, huyện đã và đang tập trung thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột chính: chính quyền số - kinh tế số - xã hội số, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục và du lịch. Xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân, điều hành năng động, quản lý hiệu quả.

Mục tiêu đến năm 2025, tăng trưởng khu vực nông - lâm - thủy sản đạt bình quân 3,5%/năm, tỷ lệ lao động nông nghiệp dưới 40%; lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 20%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 80 triệu đồng.

Huyện phấn đấu có 20% hợp tác xã theo hướng đa dịch vụ hoạt động hiệu quả; 50% cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp huyện, xã được số hóa; trên 60% nông dân biết ứng dụng công nghệ Internet vạn vật vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu; 100% sản phẩm OCOP có mặt trên các sàn thương mại điện tử; có 6/12 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và quyết tâm cao sẽ đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh.

“Với quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, Tháp Mười đang huy động mọi nguồn lực, dồn sức, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí của huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2024, sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết đã đề ra”, ông Đoàn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười nhấn mạnh.

Đồng Tháp muốn thành lập Trung tâm đầu mối nông sản và thuỷ sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười
Trung tâm đầu mối nông sản và thuỷ sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười, tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, Khu kinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư