Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Thay đổi “phá bĩnh”, tư nhân là điểm tựa cho giáo dục Việt Nam
Lê Quân - 20/11/2019 13:23
 
Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục với những thay đổi “phá bĩnh” và nắm bắt các công nghệ học tập mới mà trong đó không thiếu vai trò của khu vực tư nhân, GS. Ju-Ho Lee, cựu Bộ trưởng Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, Chủ tịch tổ chức Sáng kiến Nhân lực Giáo dục (EWI) nêu quan điểm.
GS. Ju-Ho Lee - cựu Bộ trưởng Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc.
GS. Ju-Ho Lee, cựu Bộ trưởng Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc

Nhìn từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, giáo dục Việt Nam cần khắc phục yếu điểm gì?

Những thành công lớn trong cả phát triển kinh tế và dân chủ hóa tại Hàn Quốc chủ yếu nhờ đầu tư vào con người, đầu tư vào giáo dục. Giống Hàn Quốc trong quá khứ, Việt Nam có thể đạt bước nhảy vọt trong giáo dục và thực tế Việt Nam đang sẵn sàng cho việc này.

Tổ chức Ủy ban Giáo dục (The Education Commission) do cựu Thủ tướng Anh và Đặc phái viên về Giáo dục Toàn cầu Gordon Brown đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về triển khai dự án học tập tương tác cao - công nghệ cao (High-Touch High-Tech).

Thế giới rất ấn tượng với thành tích của học sinh Việt Nam trong Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA). Là cao ủy của The Education Commission, tôi cho rằng so với nhiều quốc gia khác, Việt Nam có thể trở thành tiên phong trong đổi mới giáo dục nhờ nhanh nhạy nắm bắt các công nghệ học tập thích ứng (theo mô hình công nghệ cao) và chuyển đổi vai trò của giáo viên (mô hình tương tác cao), bởi phương thức học tập truyền thống đã trở nên lỗi thời trong kỷ nguyên 4.0.

Chúng tôi bắt đầu triển khai dự án tại 4 trường ngoại ngữ, gồm 2 trường tại Hà Nội và 2 trường ở TP. Hồ Chí Minh. Đến thăm 1 trong những trường này, hầu hết chuyên gia nước ngoài đều ấn tượng bởi sự đam mê của giáo viên và năng lực của học sinh trong việc nắm bắt các phương pháp giáo dục mới và công nghệ giáo dục tiên tiến. Sau chuyến thăm, chúng tôi đã bàn về cách thức giúp Việt Nam nhân rộng mô hình trên toàn quốc, nhằm đem lại nền giáo dục công bằng, toàn diện và chất lượng cho mọi người.

Có thể nói điểm thiếu sót lớn của giáo dục Việt Nam là ở giáo dục đại học bởi khu vực này còn tương đối yếu, đặc biệt năng lực nghiên cứu của các trường đại học. Việt Nam cần nghiên cứu thành lập cơ quan tài trợ quốc gia, giống như Quỹ Nghiên cứu Quốc gia (NRF) mà Hàn Quốc thành lập cuối những năm 90 thế kỷ trước hay Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) của Mỹ (thành lập năm 1950).

Các quỹ này hoạt động nhằm tài trợ nghiên cứu của các giáo sư và nhà nghiên cứu tại các trung tâm nghiên cứu chiểu theo nguyên tắc cạnh tranh. Việt Nam có thể sáp nhập các cơ quan tài trợ, quỹ từ các bộ, ngành và biến chúng thành 1 cơ quan tài trợ thống nhất và tự chủ để hỗ trợ các trường đại học.

Dấu chân của khu vực tư nhân trong ngành giáo dục đã lớn lên những năm qua, nhưng vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu giáo dục tại Việt Nam. Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, ông có đề xuất gì cho câu chuyện xã hội hóa giáo dục Việt Nam?

Giáo dục Hàn Quốc phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống các trường phổ thông tư nhân, kể cả giáo dục đại học. Đặc biệt, hơn 75% các trường đại học (theo chương trình đào tạo 4 năm) do tư nhân đầu tư và gần 95% số trường cao đẳng kỹ thuật (đào tạo 2-3 năm) cũng thuộc sở hữu tư nhân. Đối với bậc giáo dục phổ thông, dù sự tham gia vào khu vực này có xu hướng giảm, nhưng tỷ lệ sở hữu tư nhân vẫn trên 50%. Với Việt Nam, tôi cho rằng cần tăng tỷ lệ các trường tư thục, đồng thời tăng quy mô đầu tư tổng thể vào giáo dục.

Hàn Quốc đã rất thành công trong liên kết giáo dục với kinh tế. Những năm 70 của thế kỷ trước, trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa tập trung vào công nghiệp nặng và hóa chất, chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư mạnh tay cho các trường nghề và các khoa chuyên ngành kỹ thuật thuộc các trường đại học. Điều đáng nói, sự hỗ trợ đầu tư này không phân biệt, ưu ái giữa trường công hay trường tư. Do vậy, tôi đề xuất Việt Nam nên để các trường phổ thông hay đại học công lập cạnh tranh song phẳng với các trường tư thục trong tiếp cận nguồn hỗ trợ của chính phủ.

Việt Nam ghi nhận dòng vốn “ngoại” chảy vào giáo dục tăng lên những năm gần đây. Phải chăng đây là sẽ cú hích giúp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam?

Hàn Quốc đã tích cực đưa sinh viên đi du học thay vì kêu gọi đầu tư nước ngoài vào hệ thống giáo dục trong nước. Trung Quốc là nơi sinh viên Hàn Quốc theo học đông nhất, theo sau là Mỹ, Canada và Nhật Bản.

Tôi cho rằng việc tạo điều kiện cho sinh viên du học hay mời gọi đầu tư nước ngoài vào các cơ sở giáo dục trong nước tùy thuộc độ “mở cửa” - một yếu tố rất quan trọng trong giáo dục.

Báo cáo Chuyển đổi Nguồn nhân lực Giáo dục” mà Tổ chức “The Education Commission” khu vực châu Á vừa công bố tại Hà Nội nêu bật tầm nhìn phát triển mô hình nhóm học tập (learning teams) cho các nền giáo dục. Đối với Việt Nam, có ý kiến lo ngại khó huy động vốn để triển khai mô hình nhóm học tập. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Hiện nay những thay đổi “phá bĩnh” xuất hiện khắp mọi nơi và giáo dục không phải ngoại lệ. Hầu hết hệ thống giáo dục các nước đang vận hành theo mô hình “1 giáo viên - 1 học sinh”. Công việc của người giáo viên khá biệt lập, không được hỗ trợ nhiều và thường đối mặt thách thức khi đứng lớp quy mô lớn.

Mô hình nhóm học tập (learning teams) được xem là giải pháp cho vấn đề trên. Thật khó để giáo viên tự thay đổi và cách tốt nhất là đưa họ vào cùng nhóm học tập và cùng nhau khám phá những phương pháp giảng dạy và cách học mới. Các nhóm học tập với sự tham gia của các giáo viên, chuyên gia có thể trao đổi, tìm cách cải thiện chất lượng học tập của học viên, cùng nhau học hỏi và phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

Ví dụ, để nâng cao các kỹ năng cần thiết hiện nay như tư duy phản biện, sáng tạo, kỹ năng hợp tác và giao tiếp, người giáo viên cần hướng học sinh đến mô hình học theo dự án (project-based learning). Thường hầu hết giáo viên không có kinh nghiệm khi triển khai phương pháp dạy học theo dự án. Điều này có thể khiến họ phản ứng trước những thay đổi theo phương pháp này. Do vậy, giáo viên cần làm việc sát cánh theo nhóm để khám phá, chia sẻ các phương pháp sư phạm mới, chẳng hạn phương pháp dạy học theo dự án.

Chúng tôi không khuyến nghị cần có nhiều giáo viên cho một lớp học, do vậy mô hình nhóm học tập không làm tăng gánh nặng tài chính hoặc cần thêm kinh phí. Ngược lại, về lâu dài mô hình này có thể giúp giảm chi phí vì việc hoạt động theo nhóm đem lại cơ hội học tập cho mọi người.

Doanh nhân Đàm Thu Chung với hoài bão chung tay xây dựng nền giáo dục Việt Nam
Gặp lại Thu Chung trong nắng ấm áp mùa thu Hà Nội, nữ doanh nhân với hoài bão chung tay đóng góp vì một nền giáo dục Việt Nam tiên tiến luôn gây ấn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư