Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thay đổi tư duy, nhận thức của người đứng đầu DN để chuyển đổi số thành công
K.T - 02/07/2020 17:08
 
Chuyển đổi số thực chất là một cách nói khác của chiến lược kinh doanh, bởi vậy lãnh đạo là những người phù hợp nhất để nói về chuyển đổi số.

Kinh tế thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ sang nền tảng công nghệ số. Nền kinh tế số đang hình thành bộ khung ở nhiều quốc gia, vì vậy mà sự lãnh đạo và quản lý cần phải có sự thay đổi toàn diện để nền kinh tế số đi đúng quỹ đạo.

Nhận định này được PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Lãnh đạo và Quản lý trong thời đại chuyển đổi số” do Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) tổ chức ngày 2/7.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đại dịch Covid-19 vừa qua ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam. Nhưng đồng thời, đó cũng là cơ hội để các doanh nghiệp áp dụng nền tảng số trong hoạt động kinh doanh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng IFI nhận định, ở một góc độ tích cực, chính dịch COVID-19 lại đang thúc đẩy sự tái phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và quy trình làm việc theo hướng mọi thứ chuyển sang mô hình online và công nghệ hóa, ép các doanh nghiệp phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn giai đoạn trước.

Theo Viện trưởng IFI, nói đến doanh nghiệp ở thời kỳ chuyển đổi số, người ta nói đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bởi thời kỳ chuyển đổi số mở ra các cơ hội kinh doanh những thứ chưa từng có, hình thành nên những ngành nghề,  lĩnh vực kinh doanh chưa từng có, chẳng hạn như kinh doanh mạng xã hội, kinh doanh bằng mạng xã hội, v.v…. Không chỉ thay đổi về đối tượng kinh doanh, phương thức và tổ chức kinh doanh ở thời kỳ này cũng thay đổi, đặc biệt ở hai mảng quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp.

Hội thảo Lãnh đạo và Quản lý trong thời đại chuyển đổi số
Hội thảo Lãnh đạo và Quản lý trong thời đại chuyển đổi số

TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp - VCCI, cho biết, theo một số kết quả nghiên cứu cho thấy việc các doanh nghiệp khởi nghiệp đã sử dụng công nghệ số để vận hành doanh nghiệp hiệu quả, đã giúp doanh nghiệp tăng doanh thu đến 34%.

Lợi ích nhìn thấy rõ của việc số hóa là: không cần phải dành ra một khoảng không để lưu trữ hồ sơ, giấy tờ, tài liệu..., tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, tiết kiệm thời gian in ấn và sắp xếp tài liệu, tìm kiếm cũng đơn giản hơn; việc số hoá dữ liệu kết hợp với những công cụ bảo mật tốt có thể tăng cường sự an toàn khi lưu trữ; dễ kiểm soát, lên kế hoạch...

“Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa triển khai và hoàn thiện được hoạt động này”, TS Lương Minh Huân nhận định.

Việc số hoá có thể gây ra sự thay đổi lớn về nhân sự trong đơn vị, đặc biệt là những vị trí lâu năm hoặc chủ chốt. Như vậy, chuyển đổi số đang đặt ra thách thức cho mỗi doanh nghiệp, nhất là lãnh đạo doanh nghiệp.

Song rào cản lớn nhất cho việc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, theo ông Huân chính là thay đổi tư duy, nhận thức của người đứng đầu doanh nghiệp về tầm quan trọng của chuyển đổi số.

Chuyển đổi số thực chất là một cách nói khác của chiến lược kinh doanh, bởi vậy, lãnh đạo là những người phù hợp nhất để nói về chuyển đổi số. “Các nhà lãnh đạo phải là nhà lãnh đạo số, phải biết sử dụng các công nghệ mới nhất của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để hỗ trợ cho hoạt động trí óc của mình”, ông Huân nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư