Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thế giới di động đẩy mạnh “nhân bản” Bách hoá Xanh
Hồng Phúc - 20/02/2019 14:29
 
Ông Trần Kinh Doanh, giám đốc điều hành chuỗi Bách hoá Xanh nhìn nhận, chuỗi cửa hàng Bách hoá Xanh còn rất nhiều cơ hội tích cực để cải thiện doanh số và lợi nhuận.

Với kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2019 đạt 108.468 tỷ đồng (tăng 24% so với 2018), CTCP Đầu tư Thế giới di động kỳ vọng có thể tiếp tục giữ khoảng 50% thị phần thị trường điện thoại, từ 30-50% thị phần mảng điện máy. Cùng với đó là tối ưu chi phí và có lãi với chuỗi Bách hoá Xanh thông qua mở rộng quy mô số lượng cửa hàng.

“Lãi gộp của mặt hàng điện thoại đã đứng lại ở mức 17% trong 3 năm nay rồi và có thể không tăng nhiều hơn được nữa. Còn Điện máy Xanh đã tăng từ 10% thời kỳ đầu lên 18% trong năm 2018 và chỉ có thể cán ngưỡng 19% là hết. Còn Bách hoá Xanh thì tôi chưa cảm nhận được đâu là mức dừng lại, mà còn rất nhiều cơ hội tích cực để cải thiện”, ông Trần Kinh Doanh, giám đốc điều hành chuỗi Bách hoá Xanh nói trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư do CTCP Đầu tư Thế giới di động vừa tổ chức cuối tuần qua. 

Ông Trần Kinh Doanh, giám đốc điều hành chuỗi Bách hoá Xanh (BHX) khẳng định, với mô hình siêu thị mini bán hàng tiêu dùng như Bách hoá Xanh, Co.op Food, Satra, Vinmart+, thì Bách hoá Xanh tự tin đứng đầu trên mọi phương diện, từ doanh thu đến số lượng khách đến, hay trải nghiệm của khách hàng. 

 “Qua một số nguồn tin được biết, doanh thu cửa hàng tốt của Co.op Food là 1 tỷ đồng/tháng”, ông Doanh nói và cho rằng, để đạt được kết quả như trên, yếu tố đầu tiên cần kể đến là chọn địa điểm phù hợp. 

“Tôi tin ở đất nước này, trong nghề tìm mặt bằng bán lẻ, không có đội ngũ nào bén hơn đội ngũ của Thế giới di động. Còn trong cửa hàng, sản phẩm tươi sống là thế mạnh mà năng lực bán hàng của BHX thì vượt rất xa so với các cửa hàng mini, kể cả siêu thị lớn. Hàng tươi sống đóng góp từ 40-50% vào tổng doanh thu mỗi cửa hàng BHX”, ông Trần Kinh Doanh nói và gọi đó là “tỷ lệ không tưởng” cũng như cho rằng, các cửa hàng cùng mô hình kinh doanh, hàng tươi sống đóng góp cao nhất vào tổng doanh thu chỉ khoảng 25%. 

Với doanh thu trung bình của 405 cửa hàng BHX đang hoạt động đạt từ 1,2 tỷ đồng-1,4 tỷ đồng/cửa hàng, BHX vẫn đang lỗ từ 1-1,5%. 

Đưa ra lý giải, ông Doanh cho biết doanh thu mỗi cửa hàng hiện chỉ đủ chi phí tại cửa hàng, trong khi phải tăng lãi gộp thêm 2% so với cuối 2018, đạt 20% mới có thể đạt điểm hoà vốn tại cửa hàng (bao gồm cả chi phí vận hành trung tâm phân phối). 

“Mỗi DC (Trung tâm phân phối – Distritution Center) có thể được tối ưu năng suất để phục vụ từ 300-400 cửa hàng. Nhưng hiện chưa đủ số lượng cửa hàng để làm việc này nên nếu  cộng cả chi phí DC thì BHX đang lỗ từ 1-1,5%”, ông Trần Kinh Doanh chia sẻ nhưng tự tin khẳng định, lãi gộp trong ngành mà BHX đang theo đuổi cao hơn nhóm sản phẩm điện thoại và điện máy.

Trong kế hoạch mở mới 300 cửa hàng BHX trong 2019, ngoài TP.HCM, phần lớn cửa hàng sẽ được đặt tại các tỉnh khu vực miền Tây. 

Dù vậy, khi mở cửa tại các địa phương, đội ngũ vận hành BHX đối mặt thách thức cần giải quyết đầu tiên là đảm bảo sản phẩm vừa tươi, ngon, rẻ hơn mặt hàng địa phương được bán tại Chợ truyền thống. 

“Doanh thu cửa hàng BHX ở tỉnh miền Tây với mặt hàng rau không đạt được khoảng 40% như các cửa hàng khu vực TP.HCM. Như trái ổi trong Bách hoá Xanh bán chưa cạnh tranh bằng người dân Tiềng Giang tự trồng và bán. Nhưng trái cây nhập khẩu hay cá biển thì bán “xé gió”, ông Trần Kinh Doanh chia sẻ. 

Cùng với đó, BHX còn phải tối ưu chi phí logistics từ trung tâm phân phối về tỉnh, chi phí phát sinh quãng đường khoảng 15-20km, gấp đôi khoảng cách tại TP.HCM. 

Thế giới di động dự kiến sẽ mở thêm 150 cửa hàng cho cả hai chuỗi Thegioididong.com và Bách hoá Xanh. Tính đến cuối 2018, 2 chuỗi này có 1.782 cửa hàng trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới di động khẳng định, chưa nghĩ đến kế hoạch giảm số lượng cửa hàng Thegioididong.com để tập trung kinh doanh nhóm hàng này trên kênh online. 

“Chúng tôi chỉ giảm số lượng khi lỗ tại từng cửa hàng. Không ai đi giết con gà đẻ trứng vàng, vì tất cả các cửa hàng Thegioididong.com hiện nay đều không bị âm. Chỉ cần doanh thu 1 tỷ đồng/tháng sẽ có lãi 160 triệu đồng. Khi nào doanh thu ở mức 500 triệu đồng thì mới diễn ra cảnh đóng cửa hàng”, ông Nguyễn Đức Tài nói.

Trong 750 cửa hàng kinh doanh điện máy tính đến cuối năm 2018, tăng 108 cửa hàng so với cuối năm 2017 do: mở mới cửa hàng, chuyển đổi từ một số cửa hàng Thegioididong.com và hoàn tất mua lại chuỗi điện máy Trần Anh. 

Ông Trần Kinh Doanh cho biết, Công ty sẽ tiếp tục giữ 50% thị phần điện thoại hiện có,  trong khi thị phần nhóm điện máy sẽ dao động bình quân từ 30%- 50% (tuỳ nhóm hàng).

“Doanh thu cửa hàng Thegioididong.com ở đoạn ngã tư Phan Đăng Lưu và Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) đạt khoảng 10 tỷ đồng/tháng, còn Điện Máy Xanh cách đó khoảng 100 mét luôn duy trì được doanh thu mức 15-20 tỷ đồng/tháng. Chúng tôi không tự tin nếu đóng cửa hàng Thegioididong.com sẽ có thể mang 10 tỷ đồng doanh thu đó kéo sang cửa hàng Điện Máy Xanh bên cạnh”, ông Trần Kinh Doanh lấy ví dụ về quan điểm mỗi khi chọn cửa hàng để đóng cửa, nhường mặt bằng cho Điện máy Xanh. 

Với 49% vốn tại chuỗi dược phẩm Phúc An Khang, đại diện Thế giới di động cho biết sẽ mở mới từ 20-30 cửa hàng trong 2019. 

“Nhưng việc này không nằm trong ưu tiên thực hiện của Công ty”, ông Trần Kinh Doanh nói. 


Chủ tịch Thế giới di động: Sẽ nắm 50% thị phần mảng điện máy, “xoá sổ” thương hiệu Trần Anh
CTCP Đầu tư Thế giới di động (mã: MWG) dự kiến nâng thị phần mảng điện máy từ 35% ở hiện tại, lên 50% trong chậm nhất 2 năm tới bằng việc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư