Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Chủ tịch Thế giới di động: Sẽ nắm 50% thị phần mảng điện máy, “xoá sổ” thương hiệu Trần Anh
Hồng Phúc - 15/11/2018 13:51
 
CTCP Đầu tư Thế giới di động (mã: MWG) dự kiến nâng thị phần mảng điện máy từ 35% ở hiện tại, lên 50% trong chậm nhất 2 năm tới bằng việc mở mới cửa hàng Điện máy Xanh cũng như “xoá sổ” thương hiệu Trần Anh.

Tính đến cuối quý III/2018, Thế giới di động có 2.184 siêu thị. Trong đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu theo chuỗi thegioididong.com so với cùng kỳ 2017 là 19%, Dienmayxanh.com là 79%, và chuỗi Bách hoá xanh tăng 235%.

Các siêu thị điện máy Trần Anh dần được thay thế bởi Điện máy xanh. Ảnh: Hồng Phúc
Các siêu thị điện máy Trần Anh dần được thay thế bởi Điện máy xanh. Ảnh: Hồng Phúc

Theo cập nhật tại website Dienmayxanh.com, chuỗi này đang có 747 cửa hàng.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới di động cho biết họ đang có 35% thị phần thị trường điện máy, và sẽ chiếm 45-50% thị phần trong 24 tháng tới, với khoảng 900 siêu thị.

Đó là lý do, các cửa hàng Điện máy xanh sẽ tiếp tục được mở mới, bên cạnh việc “tân trang” lại siêu thị Trần Anh.

Tính đến 30/09, CTCP Đầu tư Thế giới di động có 4 công ty con trực tiếp, 1 công ty con gián tiếp là CTCP Thế giới di động, CTCP thương mại Bách hoá xanh, CTCP Thế giới số Trần Anh, Công ty TNHH MTV Công nghệ thông tin Thế giới di động , và MGW Co., Ltd tại Campuchia). Và 1 công ty liên kết là CTCP bán lẻ An Khang khi bỏ ra 62 tỷ đồng, để nắm 49% vốn.  

Từ 12/01/2018 đến 19/07/2018, Thế giới di động đã thực hiện 3 lần mua thêm, nhận chuyển nhượng trên 1.032 nghìn cổ phiếu CTCP Thế giới số Trần Anh. Đến nay, họ đang có 99,33% vốn tại Trần Anh.

Khi các nhà đầu tư đặt câu hỏi về việc cải tổ hoạt động kinh doanh thua lỗ của Trần Anh gặp những khó khăn như thế nào, ông Nguyễn Đức Tài khẳng định: “Trần Anh hiện không còn bán lẻ, toàn bộ được chuyển giao cho Điện máy xanh thuê lại, nên không còn gì là khó khăn để giải quyết”.

Hiện, Thế giới di động đang đóng cửa các cửa hàng Trần Anh nếu kinh doanh không đạt mục tiêu, cũng như tuỳ chỉnh chuyển đổi sang siêu thị Điện máy Xanh.

Có thể, khi Công ty này nắm 50% thị phần thị trường điện máy là lúc không bảng hiệu “chuyên gia điện máy Trần Anh” nào còn hiện diện.

Thêm vào đó, đại diện Thế giới di động cho rằng, thông tin về lỗ luỹ kế 46 tỷ đồng chuỗi Trần Anh là không chính xác, mà đây là khoản âm về lợi thế thương mại. Từ đầu năm đến nay, Trần Anh chỉ mang lại khoản lỗ gần 8 tỷ đồng cho Thế giới di động.

Cũng tính đến ngày 30/9/2018, tổng nợ của Thế giới di động tăng so với đầu kỳ lên trên 17.300 tỷ đồng, do nợ ngắn hạn tăng với dư nợ vay tăng gần 2.000 tỷ đồng, lên trên 7.300 tỷ đồng.

Công ty này cũng đang ghi nhận 12 khoản vay ngắn hạn ngân hàng trị giá 6.348 tỷ đồng và 34 triệu USD.

Trong khi đó, luỹ kế doanh thu thuần đạt 65.478 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 2.187 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 37% và 34% so với cùng kỳ năm trước.

“Bạn làm tài chính hỏi về mức độ nợ mà tôi chấp nhận được đến đâu, thì tôi nghĩ, tổng nợ dứơi 80% doanh thu tháng thì thoải mái”, Chủ tịch Thế giới di động nói và thừa nhận, đã có đơn vị ngỏ lời mua lại Bách hoá xanh, cũng như cả Thế giới di động.

“Nhưng chúng tôi không xây đựng Công ty này để bán. Vì chủ đích xây để bán mà làm kế hoạch kinh doanh thế này sẽ lỗ…".

"Có hai cách tăng trưởng là bán những thứ trước đây chưa bán và phục vụ nhóm khách hàng chưa từng phục vụ. Thị trường ngành nào cũng có nhiều người chơi mới, như thị trường điện thoại có người vào, rồi họ ra lúc nào tôi cũng không biết. Còn mảng dược phẩm, thị trường chưa đủ lớn như ngành thực phẩm khoảng 50 tỷ USD nên chúng tôi chưa tập trung vào”, ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ về khoản lỗ luỹ kế 3,3 tỷ đồng tại công ty bán lẻ An Khang.  

Chủ tịch Thế giới di động Nguyễn Đức Tài: Đừng khởi nghiệp chỉ vì đam mê
Trong buổi Diễn đàn lãnh đạo trẻ 2016 vừa được tổ chức tại TP.HCM, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Thế giới di động cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư