Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng tài chính nếu Nga vỡ nợ?
Lê Quân - 14/03/2022 10:31
 
Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng nếu Nga vỡ nợ sau các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ không gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva. Ảnh: AFP/TTXVN

Bình luận trên đài CBS, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bà Kristalina Georgieva, nhận định khả năng Nga vỡ nợ sau các lệnh trừng phạt của phương Tây không còn là "không thể xảy ra", tuy nhiên nó sẽ không gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Người đứng đầu IMF cho rằng các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các quốc gia khác áp lên Nga đã tác động "nghiêm trọng" đến nền kinh tế Nga và sẽ gây ra một cuộc suy thoái nặng nề ở Nga trong năm nay. Ngoài ra, chiến sự Nga - Ukraine cũng sẽ đẩy giá lương thực và năng lượng tăng vọt, dẫn đến nạn đói ở châu Phi, đại diện IMF lưu ý.

Đánh giá về khả năng Nga vỡ nợ, Tổng giám đốc IMF cho rằng: "… tôi có thể nói rằng chúng tôi không còn nghĩ về việc Nga vỡ nợ như một điều không thể xảy ra. Nga có tiền để trả nợ, nhưng không thể sử dụng được. Điều tôi lo ngại hơn là có những hậu quả vượt ra ngoài Ukraine và Nga".

Tuần trước, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), bà Carmen Reinhart, đã cảnh báo rằng Nga và đồng minh Belarus "gần như rất gần" với khả năng vỡ nợ.

Khi được hỏi liệu rằng nếu Nga vỡ nợ có gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hay không, Tổng giám đốc IMF đánh giá: "Hiện tại thì không". Đại diện IMF cho rằng, tổng mức rủi ro tín dụng của các ngân hàng đối với thị trường Nga là khoảng 120 tỷ USD, một con số không đáng kể và "không liên quan một cách có hệ thống".

Tuần trước, bà Kristalina Georgieva cho biết IMF sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 4,4% trong năm 2022 do tác động của chiến sự Nga - Ukraine.

Về phía Nga, chính quyền nước này hôm 13/3 cho biết họ đang trông cậy vào Trung Quốc để giúp họ chống đỡ trước các lệnh trừng phạt dội vào nền kinh tế này. Tuy nhiên, Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc không hỗ trợ Nga.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết Moscow không thể tiếp cận 300 tỷ USD trong tổng số 640 tỷ USD dự trữ ngoại hối và vàng, nhưng vẫn nắm giữ một phần dự trữ bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

"Chúng tôi thấy các nước phương Tây đang gây áp lực lên Trung Quốc để hạn chế giao thương với Trung Quốc. Tất nhiên, có cả áp lực để hạn chế tiếp cận những nguồn dự trữ đó (những nguồn dự trữ của Nga - BTV)”, Bộ trưởng Tài chính Nga nói. Vị này nói thêm: "Nhưng quan hệ đối tác của chúng tôi với Trung Quốc sẽ vẫn cho phép chúng tôi duy trì sự hợp tác mà chúng tôi đã đạt được, không chỉ duy trì mà còn gia tăng trong bối cảnh các thị trường phương Tây đang đóng cửa". 

Dự kiến, Nga sẽ phải thanh toán hai khoản lãi suất vào ngày 16/3 tới, nhưng họ sẽ có thời gian gia hạn thanh toán 30 ngày.

Bộ trưởng Tài chính Nga cho rằng sẽ "hoàn toàn công bằng" đối với Nga khi chọn thanh toán nợ bằng đồng rúp cho đến khi dự trữ ngoại hối của nước này được "rã đông", hãng thông tấn Interfax đưa tin.

Trong khi đó, người đứng đầu IMF lo ngại về tác động của chiến sự Nga - Ukraine đến các nước xung quanh, bởi các nước này có quan hệ thương mại chặt chẽ với cả Nga và Ukraine. Mặt khác, một lượng lớn người Ukraine phải di tản do chiến sự đã tạo ra một cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.

Phía IMF cũng "rất lo ngại" rằng những quốc gia vẫn chưa phục hồi từ cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi giá cả lúa mì và các mặt hàng khác tăng vọt. "Đối với họ, cú sốc này đặc biệt đau đớn. Các quốc gia khác phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng nhập khẩu từ Nga", Tổng giám đốc IMF nói.

“Quả thật, chiến sự ở Ukraine đồng nghĩa với nạn đói ở châu Phi, và chiến sự ở Ukraine cũng gây ra những tác động xã hội đối với rất nhiều quốc gia thông qua 3 kênh", Tổng giám đốc IMF nói. "Thứ nhất, giá cả hàng hóa, năng lượng, ngũ cốc, phân bón, kim loại… tác động đến lạm phát và ở các quốc gia nơi lạm phát đã ở mức cao, điều này thật nghiêm trọng", bà Georgieva đơn cử như Brazil và Mexico. Lạm phát tăng cao sẽ buộc các chính phủ phải thắt chặt tình hình tài chính, do đó người dân sẽ đối mặt thêm khó khăn.

Tuy nhiên, đại diện IMF kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của các quốc gia như Mỹ vẫn duy trì mạnh mẽ sau khi phục hồi nhanh chóng từ đại dịch.

Chiến sự Nga - Ukraine đẩy thế giới đến bờ vực khủng hoảng lương thực
Ông Svein Tore Holsether, Giám đốc điều hành Công ty sản xuất phân bón Yara International (Na Uy) cho rằng, thế giới đang đến bên bờ một cuộc khủng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư