Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Thế mạnh và bất lợi trong bức tranh tài chính của Sơn Hà
Chí Tín - 28/05/2021 07:34
 
Tiếp quản Công ty CP Quốc tế Sơn Hà (mã SHI, sàn HoSE) trong giai đoạn này, tân Tổng giám đốc Đào Nam Phong đang có một doanh nghiệp mang những thế mạnh và bất lợi gì về tài chính?
Năm 2021, Sơn Hà đặt mục tiêu đạt 6.000 tỷ đồng doanh thu và gần 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế

Chân dung tân “thuyền trưởng”

Theo quyết định nhân sự của HĐQT Sơn Hà, Công ty đã miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Viết Hà và bổ nhiệm Tổng giám đốc mới là ông Đào Nam Phong. Ông Phong có bằng Thạc sỹ quản trị kinh doanh Đại học Columbia Southern, được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc Sơn Hà sau 8 tháng là Phó tổng giám đốc Công ty. Ông Phong cũng đang là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn, nhưng chưa ngồi ở vị trí này lâu, do mới được bổ nhiệm từ tháng 2/2021.

Trước khi về với Sơn Hà, ông Phong từng có kinh nghiệm quản trị tại một số doanh nghiệp. Cụ thể, từ năm 2019 đến giữa năm 2021, ông Phong làm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Unimex (thuộc Tập đoàn T&T); Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC từ tháng 8/2018 đến giữa năm 2019. Trước đó, tân Tổng giám đốc của Sơn Hà từng có thời gian làm Giám đốc Công ty cổ phần Halico.

Sức khỏe tài chính của Sơn Hà

Trong quý I/2021, Sơn Hà đạt doanh thu thuần 1.498 tỷ đồng, tăng 41,1% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 40,5 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong hơn 40 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, có gần 80% thuộc về công ty mẹ, tương đương mức lãi hơn 32 tỷ đồng (quý I/2020 chỉ là 102 triệu đồng).

Năm 2021, Sơn Hà đặt mục tiêu đạt 6.000 tỷ đồng doanh thu và gần 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy kết thúc quý I/2021, Công ty đã hoàn thành gần 25% kế hoạch doanh thu và 40,5% chỉ tiêu lợi nhuận.

Trong nội dung giải thích về lợi nhuận quý I/2021 tăng của ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Sơn Hà, một trong những điểm đáng chú ý là sự tăng trưởng mạnh 139,96% doanh thu hoạt động tài chính do chênh lệch tỷ giá và lãi tiền gửi đã thực hiện.

Tình hình kinh doanh là vậy, nhưng bức tranh tài chính của Sơn Hà tại thời điểm Tổng giám đốc mới tiếp quản không hẳn đã tươi sáng hoàn toàn. Lợi nhuận tăng trưởng, nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty bị âm tới 131,5 tỷ đồng trong quý I/2021, trong khi dòng tiền kinh doanh cùng kỳ năm trước ghi nhận mức dương 103,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, nợ phải trả đang chiếm tỷ lệ khá cao, giá trị nợ tại thời điểm 31/3/2021 ở mức 3.043 tỷ đồng, lớn gấp hơn 2,23 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, riêng nợ ngắn hạn có giá trị lên tới 2.811 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 2.097,9 tỷ đồng.

Các khoản vay tài chính ngắn hạn của Sơn Hà chủ yếu là các khoản vay tại các ngân hàng thương mại, gồm cả vay ngắn hạn và vay dài hạn đến hạn trả. Đây có thể sẽ là một trong những áp lực không nhỏ cho “thuyền trưởng” mới của Sơn Hà trong việc xoay xở nguồn tiền để xử lý các khoản nợ.

Tại thời điểm cuối tháng 3/2021, Công ty chỉ có 141 tỷ đồng tiền mặt (và các khoản tương đương tiền) cùng khoảng 241 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Hai khoản này (khoảng 382 tỷ đồng) chỉ có thể giải quyết được khoảng 18,2% các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cùng khoảng 13,6% các khoản nợ ngắn hạn.

Thời gian tới, Sơn Hà sẽ phải đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh thu hồi công nợ để lấy tiền xử lý các khoản nợ đến hạn. Tính đến cuối quý I/2021, Sơn Hà có khoảng 1.902 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, trong đó phải thu ngắn hạn của khách hàng là 1.649,8 tỷ đồng. Việc thu nợ khách hàng đòi hỏi các kỹ năng khá toàn diện của một nhà quản lý doanh nghiệp, bởi việc siết nợ quá mạnh đôi khi cũng có thể tạo ra những hiệu ứng phụ bất lợi về lâu dài, vì yếu tố này có thể sẽ ảnh hưởng đến thái độ mua hàng của khách hàng trong tương lai.

Tập đoàn Sơn Hà không còn là cổ đông của Sơn Hà Sài Gòn
Cổ đông lớn nhất hiện đang năm tới 14,99% cổ phần tại Sơn Hà Sài Gòn là Công ty TNHH MTV Tổng hợp Lê Gia.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư