Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 09 tháng 09 năm 2024,
Thêm 70 tỷ cho xúc tiến du lịch tới các thị trường trọng điểm
Trần Hà - 17/07/2017 15:31
 
10 doanh nghiệp hàng đầu đã có cam kết dành khoảng 70 tỷ hỗ trợ cùng nguồn lực của Nhà nước cho việc xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tới các thị trường trọng điểm từ nay đến 2020.
TIN LIÊN QUAN

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo đối thoại chuyên đề tháo gỡ điểm nghẽn để tạo đà đột phá du lịch diễn ra sáng nay, 16/7, tại Hà Nội.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group khẳng định, trong số 70 tỷ cam kết này đã có khoảng 30 tỷ có thể thu trên thực tế chứ không phải cam kết suông.

Xúc tiến quảng bá du lịch tại những thị trường trọng điểm nên được thực hiện theo hình thức hợp tác công tư.
Xúc tiến quảng bá du lịch tại những thị trường trọng điểm nên được thực hiện theo hình thức hợp tác công tư.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đề xuất, quỹ xúc tiến du lịch nên hoạt động dưới hình thức phi lợi nhuận, minh bạch, rõ ràng để tránh tình trạng doanh nghiệp bỏ tiền vào quỹ nhưng khi hoạt động xúc tiến lại không thể rút được tiền mà lại phải qua cơ chế xin-cho.

Vấn đề chi phí cho xúc tiến, quảng bá du lịch không phải lần đầu tiên được ngành du lịch nhắc tới. Đó là vấn đề trở ngại từ khá lâu nhưng thời điểm này lại được xới lên trong bối cảnh, mục tiêu đặt ra tới năm 2020 mà Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đặt ra là ngành du lịch sẽ thu hút được 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.

Như vậy, trong thời gian từ nay tới 2020, ngành du lịch cần đạt mức tăng trưởng trung bình 15% - 20%; chi tiêu bình quân lượt khách tăng từ 830 USD ở mức hiện tại lên 1.000 USD – 1.100 USD.

Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch, mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi Việt Nam thu hút được khách du lịch ở những thị trường có mức chi tiêu cao.

Trong khi đó, ông Kiên lấy dẫn chứng về điểm nghẽn trong xúc tiến, quảng bá qua ví dụ Việt Nam với hơn 10 triệu khách quốc tế, đóng góp trực tiếp vào GDP từ du lịch đạt 9,3% nhưng ngân sách dành cho xúc tiến chưa tới 2 triệu USD/năm. Trong khi đó, Thái Lan có hơn 32,5 triệu khách quốc tế, đóng góp 36,7% GDP, chi phí quảng bá 69 triệu USD/năm. Singapore có hơn 16,4 triệu khách quốc tế, đóng góp 12,4% GDP, chi phí xúc tiến quảng bá là 80 triệu USD/năm. Tương tự, Malaysia chi thậm chí khá cao là 105 triệu USD/năm cho công tác này, số khách quốc tế đến Malaysia cũng là trên 26,7 triệu khách/năm và đóng góp từ du lịch nước này đạt 14% GDP.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel khẳng định, với 70 tỷ này cùng với nhà nước cam kết gần 100 tỷ, Việt Nam sẽ có thêm nguồn lực hơn cho công tác này.

“Có ý kiến hỏi tôi tại sao Việt Nam không làm như Malaysia thu thêm của các khách sạn từ 1-3 sao để có thêm tiền, nhưng theo tôi, Việt Nam sẽ không thể thu thêm khi mức độ cạnh tranh của du lịch của Malaysia cao hơn Việt Nam nên việc thu thêm sẽ làm khó cho doanh nghiệp, đó là chưa kể, chúng ta chưa biết chính sách thuế của Malaysia với du lịch thế nào”, ông Kỳ nói.

Ông Kiên cũng cho biết, cuối tháng 10 tới sẽ huy động thêm nguồn lực từ 4-5 tập đoàn khác đóng góp cùng ngân sách quảng bá Việt Nam tốt hơn.

“Hơn 50% số tiền sẽ được đầu tư cho emarketing qua  Vietnamtourism.vn, phần lớn bằng tiếng anh hay qua các kênh như intergram, google, youtube…với mục tiêu tạo ra cảm hứng cho khách du lịch.  Nếu trong 10 triệu khách quốc tế đến Việt Nam mà tới 8 triệu khách hài lòng thì chúng ta không có lý gì không kỳ vọng trong vòng 3-4 năm tới sẽ có từ 20-30 triệu khách quốc tế”, ông Kiên nói.

Tuy nhiên, nguồn lực này theo ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines sẽ còn được mở rộng nếu các doanh nghiệp được Bộ Tài Chính có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp được quyết toán với những hoạt động xúc tiến, quảng bá chi bên ngoài doanh nghiệp.

“Hiện Vietnam Airlines đã có cam kết chi khoảng 5 tỷ cho công tác quảng bá, xúc tiến vào quỹ hỗ trợ xúc tiến, quảng bá nhưng rất khó giải ngân số tiền này khi rà soát các văn bản chưa cho phép cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá bên ngoài không phải doanh nghiệp trực tiếp làm”, ông Thành nhấn mạnh.

Cũng tại hội thảo, ông Kỳ cho rằng,  kinh phí dành cho công tác xúc tiến nên hợp tác theo mô hình hợp tác  công tư.

“Đã là công tư thì Chính phủ cần rõ ràng trong việc mở các văn phòng đại diện cấp Nhà nước tại các thị trường trọng điểm vì văn phòng đại diện du lịch sẽ có hoạt động khác so với hỗ trợ từ cơ quan ngoại giao tại nước ngoài. Chúng ta có thể thấy một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản đã được Chính phủ mở cơ quan đại diện tại Việt Nam, ngoài hoạt động xúc tiến thì những Văn phòng này còn chi tiền trực tiếp cho doanh nghiệp Việt Nam để quảng bá thị trường của họ trên các phương tiện thông tin đại chúng theo hình thức hợp tác đôi bên cùng có lợi. Thậm chí, việc quảng bá không dừng lại ở các văn phòng đại diện mà trực tiếp các tỉnh của Nhật Bản, Hàn Quốc còn sang Việt Nam tự xúc tiến thị trường”, ông Kỳ nhấn mạnh thêm.  

Hội thảo cũng đưa ra một số đề xuất khác như kéo dài thời gian du khách được ở lại Việt Nam theo diện miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày cho phù hợp thói quen du lịch của khách quốc tế; chính sách miễn thị thực nên kéo dài liên tục trong 5 năm, đề xuất miễn thị thực thêm một số thị trường có khách du lịch tiềm năng.

Được biết, đây là một trong những hội thảo của nhóm du lịch nhằm chuẩn bị những đề xuất cho Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần 2 diễn ra vào 31/7 tới tại Hà Nội.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư