Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thêm cơ chế thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo
Thanh Huyền - 23/10/2022 16:22
 
Đổi mới sáng tạo được xem là động lực và giải pháp tối ưu nhằm nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện.

Cơ sở để tăng cường hợp tác

Tại Diễn đàn Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 vừa diễn ra, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai cơ quan. Đây là cơ sở để hai bên tăng cường hợp tác trong hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo thời gian tới, như kỳ vọng của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, với môi trường kinh doanh được cải thiện, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nói chung và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ngày càng phát triển, hầu hết các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới đã có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Nhu cầu ngày càng lớn trong các hoạt động đầu tư nghiên cứu phát triển sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp Việt.

Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia nằm trong top 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á. Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã ghi nhận Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua, tăng hơn 20 bậc, lên vị trí 48/132 quốc gia, đứng thứ 3 Đông Nam Á. Theo đó, Việt Nam được đánh giá khá tốt ở thể chế, mức độ phát triển của thị trường, mức độ hoàn thiện kinh doanh và kết quả sáng tạo.

Theo Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ được phát hành bởi NIC và Quỹ đầu tư mạo hiểm DO Ventures, năm 2021, tổng vốn đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam đạt mức kỷ lục 1,4 tỷ USD, tăng 4 lần so với năm 2020, cao gấp 1,6 lần so với con số kỷ lục của năm 2019 là 874 triệu USD. Tổng số giao dịch cũng tăng đáng kể, đạt 165 thương vụ, tăng 57% so với năm 2020.

Xét trong khu vực, Báo cáo cho thấy, Việt Nam đứng thứ ba về cả tổng giá trị và số thương vụ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp. Vốn rót vào start-up Việt Nam năm 2021 chiếm 13% tổng đầu tư vào khu vực, tăng so với mức 8% của năm 2020. Cùng với đó, Việt Nam xuất hiện thêm 2 kỳ lân công nghệ vào năm 2021 là MoMo (được định giá gần 2 tỷ USD) và Sky Mavis (được định giá gần 3 tỷ USD). Điều này minh chứng cho hiệu quả của cơ chế, chính sách và sự chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp Việt.

Đổi mới sáng tạo là giải pháp tối ưu nâng cao tính cạnh tranh

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, trong cuộc cách mạng 4.0, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn với cộng đồng doanh nghiệp. Khởi nghiệp sáng tạo luôn đi cùng rủi ro, vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cần một hệ sinh thái tương đối hoàn chỉnh.

Theo ông Lộc, thực tế hiện nay, Việt Nam chưa có hệ sinh thái hoàn chỉnh làm bệ đỡ cho khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn lao động của Việt Nam còn thấp, kết cấu hạ tầng của nền kinh tế số còn hạn chế. Trước bất ổn của tình hình thế giới, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực nội tại để ứng phó với những vạn biến của thời cuộc, thị trường. Một trong những giải pháp quan trọng là doanh nghiệp phải bổ sung quản trị rủi ro.

Theo TS. Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, một đất nước mạnh là một đất nước sản sinh ra nhiều doanh nghiệp mạnh. Quá trình khởi nghiệp là một hành trình cả cuộc đời của doanh nhân, họ luôn tìm kiếm cơ hội, huy động nguồn lực và chấp nhận rủi ro để thực hiện hóa giấc mơ khởi nghiệp, tất cả vì mục tiêu tạo việc làm và sản sinh của cải cho xã hội. Doanh nghiệp phải xác định đổi mới sáng tạo là động lực và giải pháp tối ưu nhằm nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện...

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn taxi Mai Linh cho rằng, doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại và phát triển bền vững, có sức cạnh tranh trên thị trường khi tự thân đổi mới sáng tạo. Hoạt động đổi mới sáng tạo không phải chỉ diễn ra một lần, mà phải liên tục không ngừng.

“Có nhiều yếu tố quyết định năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, đó là sự quan tâm của lãnh đạo, năng lực sáng tạo của đội ngũ, khả năng nắm bắt và xử lý thông tin, sự đầu tư cho đổi mới sáng tạo, nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người”, ông Huy nói.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư