Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thêm đường bay kết nối Việt Nam – Singapore
Anh Minh - 07/08/2017 16:49
 
Sẽ có thêm nhiều đường bay từ cảng hàng không quốc tế Changi (Singapore) - đầu mối trung chuyển hàng không sôi động bậc nhất thế giới đến các cảng hàng không quốc tế của Việt Nam.
Khu vực khách chờ transit tại nhà ga T4 , cảng hàng không quốc tế Changi (Singapore).
Khu vực khách chờ transit tại nhà ga T4 , cảng hàng không quốc tế Changi (Singapore).

Cửa ngõ thông minh

Hơn 20 phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn báo chí Việt Nam là những phóng viên quốc tế đầu tiên đến “xông đất” Nhà ga hành khách T4 sắp khai trương vốn được đánh giá là hiện đại, xanh, thân thiện và là niềm tự hào mới của Tập đoàn cảng hàng không Changi (Singapore).

Đây là nhà ga mới có chi phí xây dựng là 985 triệu đô la Singapore (tương đương 700 triệu USD) đã cơ bản hoàn tất và sẽ được đưa vào khai thác vào khoảng cuối năm nay sau 3 năm xây dựng.

Cần phải nói thêm rằng, nếu Samsung có niềm tự hào về chiếc smartphone S8 plus, thì T4 Changi có thể coi là đã “khai phóng” chuẩn mực mới về một nhà ga hành khách thông minh, thân thiện. Theo thiết kế, Nhà ga T4 có diện tích sàn 225.000 m2, gồm nhà ga 2 tầng, bãi đậu xe. Mặc dù quy mô bằng nửa T3, nhưng nhờ kiến trúc độc đáo, tối ưu hóa công năng, nên T4 vẫn có thể đón 16 triệu lượt khách/năm.

Chuẩn mực mới mà T4 đem lại bắt đầu từ việc chủ cảng triển khai thống fast check-in với sự hỗ trợ của công nghệ nhận diện khuôn mặt hiện đại nhất thế giới để thay thế quá trình làm thủ tục truyền thống. Hành khách sẽ tự check-in, tự ký gửi hành lý, tự lên máy bay. Nhà chức trách sân bay Changi hy vọng việc tự động hóa sẽ giúp sân bay tiết kiệm 20% nhân lực.

Bên cạnh đó, hệ thống xe bus kết nối với các nhà ga còn lại khá hiện đại, thuận lợi (5 phút/chuyến), thời gian di chuyển khoảng 5 phút, mang lại sự thuận tiện cho hành khách nối chuyến từ T4 đến các nhà ga xa nhất.

Là một công trình công cộng “vị nghệ thuật”, thiết kế bên trong Nhà ga T4 của Sân bay Changi  dựa theo thiết kế cánh hoa đối xứng, được xây dựng từ cảm hứng từ hoa lan tím - quốc hoa của Singapore.  Mô típ hiện đại này xuất hiện trên nhiều chi tiết kiến trúc, trang trí trong nhà ga nhằm tạo nên một hệ thiết kế nhất quán góp phần hình thành nên điểm nhấn đặc biệt cho nhà ga mới.

Trong năm 2016, tổng vận chuyển trên các đường bay giữa hai nước đạt trên 2,48 triệu lượt hành khách, 43.500 tấn hàng hóa, tăng tương ứng 17,2% về hành khách và 27,8% về hàng hóa so với năm 2015. Hệ số sử dụng ghế trung bình đạt xấp xỉ 78%.

Khai thác của các hãng hàng không Việt Nam đạt 927.300 lượt hành khách và 6.550 tấn hàng hóa, tăng tương ứng 16,7% về hành khách và 18,1% về hàng hóa so với năm 2015. Hệ số sử dụng ghế trung bình của các hãng hàng không Việt Nam đạt 83,1% với thị phần vận chuyển đạt 37,4% về hành khách và 15,1% về hàng hóa.

Điểm cuốn hút nhất của T4 chính là đại sảnh trung tâm dài 300 m, rộng 18 m, cao 23 m, phân cách khu công cộng với khu vực quá cảnh. Ý tưởng về tầm nhìn thông suốt này cho phép nhìn rõ từ sảnh làm thủ tục đến khu vực quá cảnh và tại một số điểm còn thấy cả được các các cửa lên máy bay. Hành khách hoàn toàn có thể tạm biệt người thân yêu thật lâu. Ngoài ra, sự đặc sắc của nhà ga T4 còn được thể hiện qua nhiều tác phẩm nghệ thuật như:hình ảnh những chú chim được đan bằng các sợi sắt nhỏ tung cánh trong khu vườn ngay trong nhà ga; ảnh, clip đặc sắc về Singapore và ASEAN, nhiều bức tượng, nghệ thuật sắp đặt...

“Với hành khách, chúng tôi muốn tạo sự vui thích cho họ với những tính năng ấn tượng và thể hiện nền văn hóa bản địa. Chúng tôi mong đợi được chào đón công chúng tới khu nhà mở của T4 vào tháng 8 và chào đón hành khách vào cuối năm nay”, bà Poh Li San, Phó chủ tịch Tập đoàn Cảng hàng không Changi cho biết.

Cùng với T4, tổng năng lực xử lý của sân bay Changi sẽ được tăng lên 82 triệu lượt hành khách mỗi năm, trung bình 90 giây/chuyến bay. Và đây là điểm đến hấp dẫn của các hãng bay.

Được biết, Vietnam Airlines của Việt Nam là một trong 9 ãng hàng không sẽ hoạt động tại T4 cùng với Air Asia Group (gồm 4 hãng bay), Cathay Pacific, Cebu Pacific, Korean Air, Spring Airlines. Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hiện Hãng đang rốt ráo hoàn tất công tác chuẩn bị để có thể sớm đón khách tại nhà mới thay vì T3 như hiện nay.

Là cánh bay chủ lực của Việt Nam kết nối với điểm trung chuyển hàng không lớn nhất châu Á, Vietnam Airlines chính thức khai thác đường bay thẳng TP.HCM – Singapore từ tháng 11/1994 với tần suất 2 chuyến/tuần; Hà Nội – Singapore từ tháng 7/1995 với 2 chuyến/tuần. Đến hết năm 1995, trên các đường bay giữa Việt Nam và Singapore chuyên chở được trên 226.000 lượt khách. Trong đó, Vietnam Airlines chuyên chở được khoảng 95.000 lượt khách, đạt tốc độ tăng trưởng 25%. Từ năm 2013 đến nay, Vietnam Airlines khai thác chặng Hà Nội – Singapore với tần suất 14 chuyến/tuần và TP.HCM – Singapore với tần suất 21 chuyến/tuần bằng máy bay A321 (184 ghế).

“Chúng tôi hy vọng, bằng việc khai thác nhà ga T4 mới, hành khách của Hãng sẽ có sự khởi đầu ấn tượng trước khi đến với các điểm du lịch mới của Việt Nam”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.

Thêm điểm đến mới

Hợp tác trong lĩnh vực hàng không là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa và ngài Khaw Boon Wan, Chủ tịch Đảng Hành động nhân dân Singapore, kiêm Bộ trưởng Bộ GTVT, kiêm Bộ trưởng Điều hành kết cấu hạ tầng.

“Singapore muốn gia tăng sự hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực phát triển cảng hàng không, quản lý  không lưu, đào tạo nhân lực hàng không – những lĩnh vực thế mạnh của chúng tôi”, ngài Khaw Boon Wan cho biết.

Nhấn mạnh tiềm năng lớn trong phát triển vận tải hành khách hàng không giữa hai nước với gần 2,5 triệu lượt khách năm 2016, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị, hai nước tăng cường hợp tác hơn nữa, mở thêm đường bay giữa hai nước, phục vụ khách du lịch, nhất là tới các điểm đến du lịch Việt Nam như sân bay Phú Quốc, Phú Bài (Huế), Liên Khương (Đà Lạt)…

Được biết, tính đến cuối tháng 7/2017, có 7 hãng hàng không hai nước tham gia khai thác thị trường hàng không Việt Nam – Singapore. Trong đó, 4 hãng hàng không của Singapore là Silk Air (MI), Singapore Airlines (SQ), Tiger Airways (TR), Jetstar Asia Airways (3K) khai thác 3 đường bay từ Singapore đến Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng với tổng tần suất đạt 87 chuyến/chiều/tuần. Ba hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air khai thác 2 đường bay từ Hà Nội, TP.HCM đến Singapore với tổng tần suất đạt 56 chuyến/chiều/tuần.

Hiện các cơ quan chức năng hai nước đang đẩy nhanh phê duyệt nội dung sửa đổi, bổ sung Phụ lục Bảng đường bay thường lệ của Hiệp định Vận chuyển hàng không Việt Nam – Singapore được ký ngày 20/4/1992.

Theo quy định tại Bảng đường bay thường lệ hiện tại của Hiệp định, số điểm xuất phát cho các hãng hàng không Việt Nam là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và số điểm đến cho các hãng hàng không Singapore là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Như vậy, các hãng hàng không của Việt Nam chỉ có thể thực hiện các chuyến bay đến Singapore từ  3 điểm nêu trên và tương tự, các hãng hàng không của Singapore cũng chỉ có thể khai thác đến Việt Nam thông qua 3 điểm này.

Thời gian qua, Việt Nam đã công bố thêm các cảng hàng không quốc tế mới gồm Phú Quốc, Phú Bài, Cần Thơ, Cát Bi, Vinh, Cam Ranh. Nhằm thực hiện chính sách thu hút các hãng hàng không Singapore đến các điểm tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và tăng cường giao lưu văn hóa, du lịch giữa hai nước, việc sửa đổi Phụ lục Bảng đường bay thường lệ của Hiệp định Vận chuyển hàng không Việt Nam – Singapore là cần thiết.

Việc sửa đổi, bổ sung Hiệp định nhằm mục đích tạo khung pháp lý cho hoạt động vận chuyển hàng không giữa Singapore và các cảng hàng không quốc tế mới của Việt Nam như đề cập tại Mục 1 cũng như các cảng hàng không quốc tế được công bố sau này. Theo đó, các hãng hàng không của Việt Nam và Singapore có cơ sở để tăng cường và mở rộng mạng đường bay giữa hai nước. Đây cũng là điều kiện để tự do hóa hoạt động vận chuyển hàng không giữa hai nước, cụ thể là không hạn chế khai thác giữa Singapore và các cảng hàng không quốc tế tại Việt Nam.

Nếu việc sửa đổi được hai bên thông qua, các hãng hàng không của Việt Nam sẽ khai thác từ bất kỳ cảng hàng không quốc tế nào của Việt Nam đến Singapore, thay vì chỉ được phép khai thác từ 3 cảng hàng không Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Ở chiều ngược lại, các hãng hàng không của Singapore khai thác tới bất kỳ cảng hàng không quốc tế nào của Việt Nam, thay vì chỉ được khai thác đến 03 cảng hàng không Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM như trước đây.

Vietnam Airlines chính thức chia tay đội bay Boeing 777-200ER
Vietnam Airlines vừa hoàn tất quá trình bán và bàn giao 4 chiếc Boeing 777-200ER sau gần 15 năm phát triển cùng hàng không Việt Nam..
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư