Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thêm một hãng bay gãy cánh, thị trường hàng không chung bị "trói cánh"
Bảo Như - 13/05/2021 16:36
 
Công ty cổ phần Dịch vụ Globaltrans Air (Globaltrans Air) có thể là hãng bay thứ hai tại Việt Nam bị tước giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không chung chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm.
Tàu bay KingAir B200 của Globaltrans Air
Tàu bay KingAir B200 của Globaltrans Air

Vật vã chờ cất cánh

Mặc dù vẫn phải đợi quyết định cuối cùng từ phía Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), nhưng khả năng

Trong 5 doanh nghiệp đang có cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung còn hiệu lực, có 4 đơn vị đang hoạt động và đáp ứng các điều kiện của giấy phép, gồm: Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần Hàng không Hành tinh xanh, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam và Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu.

 Tính đến hết tháng 4/2021, cả nước đang có 237 tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam hoạt động trong 10 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh vận chuyển hàng không chung. Cả nước có 32 trực thăng khai thác dân sự thuộc 3 đơn vị là Công ty Trực thăng Miền Nam; Công ty Trực thăng Miền Bắc; Công ty Hành tinh xanh.

rất cao là Globaltrans Air sẽ bị tước giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không chung.

Đầu tháng 5/2021, Cục Hàng không Việt Nam đã có Công văn số 1885/CHK-VTHK kiến nghị Bộ GTVT xem xét hủy bỏ giấy phép kinh doanh hàng không chung của Globaltrans Air.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, vào tháng 4/2018, Globaltrans Air được Bộ GTVT cấp lại Giấy phép số 01/2018/GP-BGTVT để hoạt động hàng không chung vì mục đích thương mại. Đến cuối tháng 4/2021, Globaltrans Air vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) để chính thức thực hiện các dịch vụ bay hàng không chung.

Ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam xác nhận, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không đã gửi thông báo đến Globaltrans Air về việc giấy phép sẽ bị hủy bỏ trong trường hợp Công ty không được cấp AOC theo quy định. Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam không nhận được phản hồi của Globaltrans Air.

“Căn cứ quy định tại khoản 9, Điều 1, Nghị định số 89/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, Giấy phép kinh doanh hàng không chung số 01 của Globaltrans Air thuộc diện phải thu hồi”, Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Trước đó, tháng 4/2021, Bộ GTVT đã có công văn yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam rà soát đối với giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, giấy phép kinh doanh hàng không chung của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành; đồng thời đề xuất phương án xử lý đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không không còn đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Theo Nghị định số 89/2019/NĐ-CP, giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và giấy phép kinh doanh hàng không chung bị hủy bỏ trong các trường hợp: không duy trì vốn tối thiểu trong thời gian 3 năm liên tục; cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép; ngừng khai thác vận tải hàng không 36 tháng liên tục; không được cấp AOC trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép; AOC bị thu hồi, hủy bỏ quá 36 tháng mà không được cấp lại; hoạt động sai mục đích hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép; vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về an ninh, quốc phòng…

Globaltrans Air có số vốn điều lệ 100 tỷ đồng, có trụ sở tại quận 3 (TP.HCM), là doanh nghiệp 100% vốn trong nước với 4 cổ đông, do ông Nguyễn Trường Giang (nắm 80% vốn điều lệ) là người đại diện pháp luật và Chủ tịch HĐQT.

Chuỗi dịch vụ mà Globaltrans Air dự kiến cung cấp bằng tàu bay KingAir B200 khá đặc thù, gồm: bay hàng không chung nhằm đáp ứng nhiệm vụ đặc biệt của các bộ, ngành như bay chụp ảnh bản đồ cho đơn vị quốc phòng, bay đo địa giới hành chính cho Bộ Nội vụ, bay khảo sát từ phổ gamma, bay đo trọng lực vùng núi và biển đảo, bay lập bản đồ biến đổi khí hậu cho các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, bay kiểm tra hiệu chuẩn thiết bị dẫn đường hàng không hàng tuyến, sân bay và thiết bị giám sát cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam…

Đây là dịch vụ hiện trong nước chưa có hãng hàng không nào cung cấp, nên các đơn vị có nhu cầu vẫn đang buộc phải thuê tàu bay nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ.

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, từ năm 2017 - 2018, Globaltrans Air đã rất vất vả giải trình để được Bộ GTVT cấp lại

giấy phép kinh doanh hàng không chung sau khi liên tục không đạt được 2 điều kiện quan trọng để giữ lại giấy phép bay là thực hiện chuyến bay đầu tiên và nắm trong tay AOC.

Do dịch vụ dự kiến cung cấp có tính đặc thù cao, nên Globaltrans Air đã được Chính phủ, Bộ GTVT “châm chước” cấp lại giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không để hãng bay này có thêm cơ hội chính thức gia nhập thị trường.

“Trói cánh” hàng không chung

Trong trường hợp Globaltrans Air không thể giữ giấy phép, thì thị trường hàng không chung sẽ chứng kiến hãng bay thứ hai mất quyền bay chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm.

Tháng 10/2020, sau một thời gian khá dài “nâng lên, đặt xuống”, Bộ trưởng GTVT đã ký Quyết định số 2019/QĐ-BGTVT về việc hủy bỏ Giấy phép kinh doanh hàng không chung của Công ty Hàng không Bầu trời xanh.

Công ty Hàng không Bầu trời xanh bị hủy bỏ giấy phép kinh doanh hàng không chung, do sau 10 năm kể từ khi được cấp phép, doanh nghiệp này chưa được Cục Hàng không Việt Nam cấp AOC.

Như vậy, tính đến nay, cả nước chỉ còn 5 doanh nghiệp đang có cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung còn hiệu lực, trong đó có 4 đơn vị đang hoạt động và đáp ứng các điều kiện của giấy phép.

Theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, định nghĩa hàng không chung chỉ hoạt động sử dụng tàu bay để thực hiện các chuyến bay trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng và các lĩnh vực kinh tế khác, phục vụ tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu, cứu hộ, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể thao, đào tạo, huấn luyện, bay hiệu chuẩn, đo đạc, chụp ảnh, quay phim, bay phục vụ nhu cầu cá nhân và các hoạt động bay dân dụng khác không nhằm mục đích vận chuyển công cộng hành khách, hành lý, hàng hoá, bưu phẩm...

“Số lượng đơn vị rất nhỏ tồn tại được tại thị trường hàng không chung này rõ ràng không đáp ứng được nhu cầu bay taxi, du lịch không thường lệ, bay y tế, khảo sát địa chất, đang tăng rất cao tại Việt Nam”, một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong những năm qua, mặc dù các hãng hàng không đã có nhiều cố gắng, bỏ nhiều chi phí đầu tư, nhưng hoạt động của các hãng hàng không đều đang gặp phải khó khăn do những bất cập, rào cản liên quan đến hành lang pháp lý, quy trình thủ tục đề nghị cấp phép bay, hạ tầng hàng không cho hoạt động hàng không chung, khu vực hoạt động hàng không chung, điều kiện duy trì giấy phép kinh doanh hàng không chung...

“Đây là thị trường khá chuyên biệt và đang còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xin phép bay tầm thấp từ Bộ Quốc phòng, khiến các đơn vị kinh doanh vận chuyển hàng không chung rất khó khăn triển khai kinh doanh theo đúng kế hoạch”, ông Võ Huy Cường cho biết.

Theo một chuyên gia hàng không, để tạo hành lang pháp lý bền vững cho thị trường hàng không chung phát triển, cần sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không dân dụng Việt Nam theo hướng giao Bộ GTVT quản lý một tỷ lệ đáng kể bầu trời theo các khu vực địa lý và độ cao, đồng thời giao Bộ GTVT quản lý quy hoạch, chủ trì thẩm định, phê duyệt các dự án xây dựng hạ tầng hàng không chung.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện quy hoạch chi tiết bầu trời theo các hạng vùng trời cho mọi khu vực địa lý và độ cao, bổ sung các vùng trời tầng thấp để khép kín và phủ kín lãnh thổ Việt Nam, tổ chức quản lý mọi hoạt động bay hàng không dân dụng (kể cả các hoạt động bay tầm thấp hàng không chung và cung cấp các dịch vụ không lưu tương ứng, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bay dân dụng tầm thấp ngoài hành lang.

“Trước mắt, cho phép các doanh nghiệp hàng không chung nước ta khai thác các tàu bay nhỏ mang đăng ký quốc tịch nước ngoài theo các hợp đồng thuê ướt tàu bay, hợp đồng dùng chung tàu bay hoặc ủy nhiệm khai thác tàu bay”, vị chuyên gia này đề xuất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư