Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Thênh thang cơ hội đấu thầu bảo trì đường bộ
Ngọc Tuấn - 15/05/2018 07:39
 
Hàng loạt gói thầu bảo trì đường bộ giá trị cao được các chủ đầu tư công bố mời thầu trong tuần qua mở ra cơ hội cho các nhà thầu phô diễn năng lực kỹ thuật và kinh nghiệm, nhằm dành “miếng bánh” bảo trì trị giá hàng trăm tỷ đồng.
TIN LIÊN QUAN

Tấp nập mời thầu bảo trì đường bộ 

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV cho biết, cơ quan này vừa phát đi thông báo mời thầu 3 gói thầu bảo trì đường bộ có giá trị lớn. Các gói thầu này đều sử dụng vốn từ Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương, được đấu thầu rộng rãi qua mạng, với phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn AC đóng vai trò tư vấn đấu thầu.

.
.

Cụ thể, Gói thầu quản lý bảo dưỡng thường xuyên cầu Cần Thơ có giá hơn 56,4 tỷ đồng, thực hiện trong 31 tháng. Gói thầu gồm hệ thống cầu chính dài 2.750 m, rộng 23,1 m, bao gồm cầu dẫn phía Bắc dài 520 m, cầu dây văng dài 1.010 m, cầu dẫn phía Nam dài 1.220 m. Ngoài ra, gói thầu này còn có hơn 2.327 m là các cầu trên đường dẫn, hệ thống đường dẫn cấp II đồng bằng với 4 làn xe 2 đầu cầu, hệ thống thảm cỏ cây xanh, hệ thống chiếu sáng và hệ thống quan trắc cầu Cần Thơ.

Gói thầu thứ 2 là Gói quản lý bảo dưỡng thường xuyên hệ thống cầu Mỹ Thuận với giá 47,8 tỷ đồng. Giống như cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận là đầu mối giao thông quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc điểm gói thầu này là quản lý bảo dưỡng hệ thống gồm 1.535 m cầu chính gồm 25 nhịp, trong đó có 3 nhịp chính với tổng chiều dài 650 m dạng kết cấu treo dây văng, 22 nhịp dẫn giản đơn kết cấu dầm Super-T dài 40 m mỗi nhịp…

Theo lãnh đạo Cục Quản lý đường bộ IV, ngoài 2 gói thầu quản lý, bảo dưỡng cầu trên, thì gói thầu quản lý, bảo trì thường xuyên các tuyến quốc lộ cũng khá hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà thầu tại khu vực phía Nam. Khối lượng chính của gói thầu này là 147 km đường Quốc lộ 54 đi qua 3 tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh và 60,9 km đường Quốc lộ 60 đi qua 3 tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng. 

Cơ hội không chỉ mở ra với các nhà thầu bảo trì đường bộ phía Nam, trong tuần qua, hàng loạt gói thầu bảo trì đường bộ khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng được loan tin mời thầu. Chỉ riêng bên mời thầu Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 3 đã mời tới gần 10 gói thầu. Các gói thầu này được đấu thầu qua mạng và sử dụng nguồn vốn bảo trì đường bộ trung ương do Cục Quản lý đường bộ III làm chủ đầu tư.     

Trong số đó, đáng chú ý nhất là các gói thầu có giá trị lớn như Gói thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 1D, Quốc lộ 14, Quốc lộ 14G, Quốc lộ 19, Quốc lộ 26, Quốc lộ 26B, Quốc lộ 27C, đường Hồ Chí Minh, Trường Sơn Đông…, với giá gói thầu 23,4 tỷ đồng; Gói thầu quản lý bảo dưỡng đường và cầu <300m Quốc lộ 1 từ Km1243-Km1525, Quốc lộ 1D Km20+700-Km35, đường Trường Sơn Đông đoạn Km475-Km495+200, Quốc lộ 26B Km0-Km14+320…, với giá 38,2 tỷ đồng… 

Thênh thang cơ hội 

Ông Nguyễn Văn Thành cho biết, tổng vốn ngân sách bố trí cho mục đích chi sửa chữa thường xuyên và sửa chữa định kỳ 23 tuyến quốc lộ do Cục quản lý được phân bổ là 542 tỷ đồng. Hiện tại, ngoài 3 gói thầu đang tiến hành lựa chọn nhà thầu, thì tới ngày 20/5/2018, Cục sẽ mời 8 gói thầu còn lại. 

“Việc thực hiện đấu thầu qua mạng sẽ đạt bước tiến lớn về tính công khai, minh bạch, khắc chế triệt để tình trạng quân xanh, quân đỏ, từ đó mở rộng cơ hội tham gia đấu thầu bảo trì đường bộ cho nhiều nhà thầu có năng lực thực sự về tài chính, kinh nghiệm”, ông Thành nói và nhấn mạnh, 2 điểm mới khác của đợt đấu thầu lần này là: hợp đồng dài hạn (3 năm), hợp đồng theo mục tiêu chất lượng thực hiện (không theo mục tiêu khối lượng như trước). 

Dưới góc độ nhà thầu, một đại diện Công ty Công trình giao thông công chính TP.HCM cho rằng, việc triển khai đấu thầu bảo trì đường bộ qua mạng sẽ minh bạch hơn, nhà thầu nào có năng lực thì sẽ có cơ hội trúng thầu cao hơn. Đây thực sự là cơ hội rộng mở dành cho các nhà thầu trổ tài tìm kiếm việc làm trong giai đoạn tới. Hoạt động đấu thầu này sẽ hạn chế phần lớn tình trạng thông thầu, dàn xếp và đi đêm giữa các nhà thầu so với hình thức đấu thầu trực tiếp. 

Theo ông Thành, Cục Quản lý đường bộ IV cũng thuê tư vấn đấu thầu chuyên nghiệp lập hồ sơ mới thầu. Theo đó, các yêu cầu của hồ sơ mời thầu và các tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu được thiết kế khoa học và bám sát yêu cầu thực tiễn. “Chúng tôi kỳ vọng, với việc đổi mới trong đấu thầu, Cục sẽ lựa chọn được những nhà thầu có năng lực tốt, thực hiện đúng và chất lượng khối lượng công việc yêu cầu”, ông Thành nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư