Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Bán tháo diện rộng, bảng điện "đứng hình"
Thanh Thủy - 08/06/2021 17:42
 
Chứng khoán Việt Nam không ít lần trải qua các phiên rơi sâu trên 3%. Nhưng cơn hoảng loạn lần này còn đi kèm với sự bất lực: lệnh đặt không thông, bảng điện không khớp.
Nhà đầu tư dò dẵm đặt lệnh khhi bảng điện tử sàn HoSE
Nhà đầu tư dò dẫm đặt lệnh khi bảng điện tử sàn HoSE "đứng hình" không hiển thị.

Dò dẫm bán - mua

11h30p sáng vốn là thời điểm thường lệ kết thúc phiên giao dịch sáng. Thông báo trên bảng điện tử sàn HoSE cho biết giá trị giao dịch đứng ở mức 3.000 tỷ đồng. Một con số không hợp lý nếu so sánh với mức 17.000 - 20.000 tỷ đồng các phiên sáng gần đây. Ngạc nhiên hơn, các cổ phiếu tiếp tục nhảy lệnh khớp khi bước sang giờ nghỉ trưa. Giá trị giao dịch cũng vọt lên 15.900 tỷ đồng dù các nhà đầu tư không hề đặt thêm lệnh. Không chỉ bảng điện gấp khúc khó hiểu, giá giao dịch hiển thị tại mỗi cổ phiếu cũng “loạn”. Nhiều lệnh không thể khớp dù vẫn còn dư bán tại mức giá đặt mua trên bảng điện tử.

Bất thường trên bảng điện sàn HoSE đã xuất hiện từ sau sự cố phiên giao dịch ngày 1/6. Cũng từ thời điểm này, nhiều công ty chứng khoán đã đồng loạt dừng tính năng sửa/huỷ  lệnh của các nhà đầu tư và khuyến nghị khách hàng cẩn trọng khi quyết định đặt lệnh. 

Tuy nhiên, tình trạng ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Một số công ty chứng khoán ban đầu chỉ dừng hủy/sửa lệnh trong một số khung giờ nhưng đã buộc phải áp dụng trong toàn bộ phiên chiều. Đến hôm nay, một số công ty chứng khoán còn bị gián đoạn, phải dừng hoạt động hệ thống để sửa lỗi ngay giữa phiên sáng.

Bảng điện sàn HoSe vẫn khúc khuỷu bất thường
Bảng điện sàn HoSe vẫn khúc khuỷu bất thường

Kết thúc phiên, VN-Index đóng cửa giảm 38,9 điểm về mốc 1.319 điểm. Nhỉnh lên trong phiên sáng nhưng áp lực chốt lời và sự bất thường của sàn HoSE lại khiến lực cung tăng mạnh. VN-Index đã có lúc giảm tới hơn 40 điểm, tương đương mức giảm 2,99%. VN-Index đã từng chứng khiến nhiều phiên giảm trên 3%, nhưng việc dò dẫm mua bán trong hoảng loạn của đà giảm lại là thách thức tâm lý khác đối với nhà đầu tư.

Chỉ số sàn HNX tiếp tục có phiên thứ hai liên tiếp giảm trên 3% nhưng giao dịch được thông suốt. Giá trị giao dịch còn xác lập mức kỷ lục mới (5.689 tỷ đồng) cho thấy khả năng hấp thụ của thị trường rất lớn khi các cổ phiếu rơi sâu. Áp lực bán chốt lời sau quãng tăng “nóng” dài hơi thời gian qua là nguyên nhân chính khiến nhiều cổ phiếu trụ cột điều chỉnh, từ đó kéo HNX-Index giảm sâu về mốc 306,39 điểm. Dù vậy, chỉ số này vẫn đang cao gấp rưỡi thời điểm đầu năm. UPCoM-Index cũng giảm 3% nhưng vẫn tăng hơn 16% so với đầu năm, kết phiên hôm nay ở mức 86,4 điểm.

Bạo phát lại bạo tàn

Nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất thời gian này lại là các dòng đã dẫn dắt đà tăng của thị trường thời gian qua. Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép tiếp tục có phiên điều chỉnh mạnh thứ hai. Dòng cổ phiếu dầu khí đến hôm nay cũng không còn trụ lại, lao dốc với hàng loạt cổ phiếu lớn giảm kịch biên độ như PVD, PVC, PVS hay PVB.

Hòa Phát -  doanh nghiệp ngành thép có quy mô vốn hóa lớn nhất đã giảm 5,1% trong phiên và trở thành yếu tố kéo tụt VN-Index sâu nhất. Dòng cổ phiếu ngành này từng tăng trưởng rất mạnh thời gian trước nhờ được hỗ trợ bởi diễn biến giá thép thế giới. Kết phiên hôm nay, HSG, NKG hay SMC đều giảm kịch biên độ (gần 7%). Cổ phiếu Pomina hay Thép Tiến Lên cũng chung cảnh ngộ.

Cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng cũng nằm sàn la liệt. STB, LPB và MSB giảm kịch biên độ cho phép. Nhóm các ngân hàng trên sàn UPCoM từng “làm mưa làm gió” với chuỗi bật tăng mạnh nay cũng điều chỉnh giảm quanh 10%. Với các nhà đầu tư đã nắm giữ cổ phiếu ngân hàng từ một tháng trước, mức giảm hôm nay mới chỉ làm hao hụt phần lãi. Cơn bán tháo trên diện rộng lại càng kịch thích tâm lý bán chốt lời để bảo toàn vốn của các nhà đầu tư.

Khối ngoại tiếp tục có thêm một phiên bán ròng dù giá trị đã thu hẹp còn 290 tỷ đồng trên cả ba sàn. Cổ phiếu của Đất Xanh (DXG) bị khối ngoại bán mạnh nhất hôm nay. Giá cổ phiếu này đã giảm kịch sàn cùng khối lượng giao dịch tăng vọt lên 26,67 triệu cổ phiếu, gấp đôi giá trị giao dịch trung bình thời gian gần đây.

DXG là cổ phiếu bị loại ra khỏi danh mục của FTSE Vietnam ETF trong kỳ đảo danh mục quý II. Theo ước tính của Chứng khoán BIDV, quỹ này sẽ bán ra 4,46 triệu cổ phiếu trong thời gian từ 7/6-18/6. Riêng trong phiên hôm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán tới 8,2 triệu đơn vị, chưa rõ bao nhiêu trong số này đến từ FTSE Vietnam ETF.

Cũng trong hôm nay, Đất Xanh đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Ngoài kế hoạch tăng trưởng mạnh sau năm 2020 kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp địa ốc này còn trình cổ đông kế hoạch tăng vốn, dự kiến phát hành tới 200 triệu cổ phiếu (tuông đương giá trị 2.000 tỷ đồng theo mệnh giá) cho các cổ đông hiện hữu. DXG đã tăng giá mạnh trong hai tháng đầu năm và tháng 5 vừa qua. Giá cổ phiếu vừa xác lập mức đỉnh hôm 3/6 ở mức 28.900 đồng/cổ phiếu. Dù hiện đã điều chỉnh về còn 25.900 đồng/cổ phiếu, DXG vẫn tăng giá tới 58% so với đầu năm.

Cổ phiếu tài chính rơi sâu, nhà đầu tư tập đánh “cờ mù”
Dứt mạch tăng điểm, cả ba sàn chứng khoán đỏ lửa trong phần lớn phiên giao dịch. Thanh khoản vẫn rất lớn dù khả năng hấp thụ lệnh của hệ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư