Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 09 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Đón "trứng vàng"
 
Thị trường chứng khoán trong nước chào đón năm Đinh Dậu bằng phiên tăng điểm ấn tượng, chỉ số VN-Index cán mốc 700 điểm, lên mức cao nhất trong vòng 8 năm qua. Mốc 700 điểm làm nhiều nhà đầu tư kỳ cựu bồi hồi nhớ lại giai đoạn tăng trưởng nóng của thị trường 10 năm trước.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những yếu tố hấp dẫn dòng vốn nước ngoài
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những yếu tố hấp dẫn dòng vốn nước ngoài

Năm đinh dậu, 4 điểm tựa để thị trường chứng khoán hấp dẫn

Mặc dù bối cảnh hiện tại đã khác rất nhiều, nhưng có lẽ không ít nhà đầu tư đặt câu hỏi: Liệu chu kỳ tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán đã và đang lặp lại? Chúng tôi cho rằng, chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn trong năm mới Đinh Dậu 2017.

Cơ hội chọn lựa đầu tư vào các “quả trứng vàng” trên thị trường chứng khoán đang hiện hữu, dựa trên những nền tảng và xu hướng lớn như sau:

Thứ nhất, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2017 hứa hẹn nhiều yếu tố khởi sắc. Về tổng thể, nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng ổn định trong một chu kỳ bắt đầu từ năm 2012 với tăng trưởng GDP cao và môi trường vĩ mô tương đối ổn định nhờ lạm phát được kìm chế, tỷ giá ít biến động và lãi suất trong xu hướng giảm.

Câu chuyện năm nay sẽ ít xuất hiện những đợt tăng trưởng theo ngành mà sẽ đi vào hướng chọn lọc cổ phiếu cụ thể, trong đó nhà đầu tư nên chú ý tới những câu chuyện như cổ phiếu mới niêm yết, thoái vốn của chính phủ và M&A.

Tăng trưởng GDP kỳ vọng ở mức 6,5 - 6,7%, trong khi lạm phát nhiều khả năng dao động quanh mức 5%, tỷ giá và mặt bằng lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2017.

Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, thể hiện qua nguồn vốn FDI tăng trưởng mạnh mẽ.

Kết thúc năm 2016, vốn FDI đăng ký đạt 20,9 tỷ USD, giải ngân đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015. Lĩnh vực sản xuất vẫn thu hút nhiều vốn FDI nhất và đây cũng là mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Việt Nam vẫn duy trì các lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ nhờ lực lượng lao động trẻ và được đào tạo ngày càng tốt.

Bất chấp việc Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị đình hoãn, tiến trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu của Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Hiện tại, Việt Nam đã hoàn tất hoặc đang tiếp tục triển khai đàm phán 16 hiệp định thương mại tự do, qua đó hội nhập sâu vào hệ thống thương mại tự do toàn cầu, bao gồm 60 quốc gia, chiếm 90% GDP và 80% kim ngạch thương mại của thế giới.

Ngân hàng Nhà nước cũng thể hiện quan điểm điều hành thận trọng khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nêu rõ mục tiêu kiên quyết của chính sách tiền tệ năm nay là kiểm soát lạm phát để hỗ trợ ổn định vĩ mô.

Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước xác định mục tiêu phấn đấu giữ ổn định được lãi suất như năm 2016 và với điều kiện cho phép có thể giảm được lãi suất cho vay trung, dài hạn. Tăng trưởng tín dụng và cung tiền năm 2017 được định hướng giữ ổn định như năm 2016, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai là triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết. Những định hướng và mục tiêu điều hành nêu trên sẽ góp phần duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, là môi trường tốt để hệ thống doanh nghiệp tiếp tục cải thiện hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Năm 2016, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết đạt mức trung bình trên 10%. Với yếu tố vĩ mô tiếp tục được cải thiện và củng cố, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết dự báo tiếp tục tăng trưởng 11 - 12% trong năm 2017.

Thứ ba, quy mô thị trường dự kiến sẽ tăng mạnh. Cùng với lộ trình đẩy mạnh cổ phần hóa gắn với niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn lên niêm yết trên sàn HOSE, HNX và đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM, đưa tổng quy mô thị trường niêm yết lên gần 50% GDP.

Với chính sách mới, hàng loạt doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn sẽ chuẩn bị IPO (Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Mobifone, PV Power…) và niêm yết mới (Vietjet Air, VEAM, Petrolimex…), cùng hoạt động thoái vốn lớn (VNM, SAB, HVN…) sẽ tiếp tục diễn ra, giúp thị trường dự kiến tăng thêm khoảng 25 - 30 tỷ USD vốn hóa và tạo sự thay đổi lớn trong cơ cấu của chỉ số.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ cho thị trường chứng khoán như chứng khoán phái sinh, rút ngắn thời gian thanh toán, giao dịch trong ngày…; hoàn thiện chính sách nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài (mở room các ngành nghề không có điều kiện, mở rộng các lĩnh vực không giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, giảm thiểu thủ tục mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam…) tiếp tục được thực hiện trong năm 2017.
Đây là những bước đi quan trọng trong tiến trình thu hút thêm dòng vốn ngoại, tiến tới mục tiêu xa hơn là nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Thực hiện thành công mục tiêu lớn này thì thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội đón dòng vốn lớn từ nước ngoài trong giai đoạn 2017 - 2020 và là yếu tố quan trọng giúp thị trường tăng trưởng mạnh trong dài hạn.

Thứ tư, dòng vốn ngoại dự báo sẽ tăng mạnh trở lại. Động thái khối ngoại bán ròng mạnh cuối năm 2016 trên thị trường chứng khoán châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng là hành động mang tính cục bộ trước những biến động từ chính sách tăng lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và ảnh hưởng của các chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các biến động ngắn hạn của dòng vốn như trên tại thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ kết thúc vào đầu năm 2017, bởi thực tế giai đoạn trước, thị trường chứng khoán trong nước không thực sự được hưởng lợi từ việc dòng vốn quốc tế nhiều như các thị trường khu vực.

Đồng thời, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những yếu tố hấp dẫn dòng vốn nước ngoài như: (1) Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và hứa hẹn duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2017 – 2020; (2) Quá trình cổ phần hóa đang được thúc đẩy mạnh tạo ra nhiều cơ hội đầu tư mới hấp dẫn, (3) Chính sách mở rộng điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài đang được thực hiên quyết liệt, (4) Tiềm năng được nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai gần là rất lớn khi quy mô thị trường tăng mạnh, sản phẩm dịch vụ ngày càng hoàn thiện và điều kiện giao dịch ngày càng thông thoáng.

Với những yếu tố thuận lợi nêu trên, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2017 và theo quy luật nhiều năm qua, giao dịch của khối ngoại ghi nhận giá trị mua ròng lớn trong 2 quý đầu năm.

Cơ hội đầu tư nhiều, nhưng sẽ rất chọn lọc

Với sự gia tăng nhanh chóng về quy mô thị trường trong khi tăng trưởng tín dụng tiếp tục duy trì ổn định, thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh trong bản thân từng ngành. Trong bối cảnh đó, chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư nên hướng tới chiến lực đầu tư trung và dài hạn, thay vì lướt sóng ngắn hạn.

Chúng tôi chú ý đến cổ phiếu những ngành đang có định giá thấp hoặc có câu chuyện tăng trưởng rõ nét, khai thác tốt thị trường nội địa hoặc được hưởng lợi từ chính sách như ngành ngân hàng, ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, thực phẩm đồ uống, hóa chất…

Ngoài ra, cũng cần chú ý đến nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ xu thế tăng của giá hàng hóa thế giới; trong đó nổi bật là nhóm ngành có yếu tố chu kỳ cao như dầu khí khi giá dầu đã tạo đáy và hồi phục trở lại.

Tuy vậy, câu chuyện năm nay sẽ ít xuất hiện những đợt tăng trưởng theo ngành mà sẽ đi vào hướng chọn lọc cổ phiếu cụ thể, trong đó nhà đầu tư nên chú ý tới những câu chuyện như cổ phiếu mới niêm yết, thoái vốn của chính phủ và M&A của các doanh nghiệp kết hợp với nâng room sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài và quá trình tái cơ cấu của những công ty đã gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh của những năm trước.

Cụ thể, với nhóm ngành ngân hàng, chúng tôi nhận thấy VCB và MBB là hai cổ phiếu "về đích" trạng thái bình thường sớm nhất khi đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro trong những năm qua cùng chất lượng tài sản và chất lượng lợi nhuận tốt nhất trong ngành.

Trong nhóm ngành thép, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị đầu tư với hai cổ phiếu HPG và HSG, với triển vọng lạc quan về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, cổ tức tốt và hưởng lợi từ chính sách bảo hộ ngành.

Trong ngành xây dựng, chúng tôi khuyến nghị đầu tư vào CTD với giá mục tiêu với tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sẽ duy trì ở mức cao, vị thế đầu ngành và hưởng lợi từ chu kỳ tăng trưởng của bất động sản trong những năm tới.

Với nhóm ngành gạch, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị đầu tư vào cổ phiếu CVT, với khả năng tăng trưởng cao từ nhà máy mới và sản phẩm mới.

Với ngành ô tô, mặc dù toàn ngành không hẳn khả quan, nhưng chúng tôi nhìn thấy cơ hội đầu tư ở HAX. Đây là doanh nghiệp có lợi thế là nhà phân phối ủy quyền uy tín đầu tiên của Mercedes tại thị trường Việt Nam, với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong năm vừa qua.

Ngành hóa chất và phân bón, chúng tôi chọn BFC và VFG với lợi thế đầu ngành và duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm vừa qua.

Với ngành dầu khí, chúng tôi dự báo giá dầu sẽ hồi phục khả quan trong năm 2017 nhờ dư cung giảm dần, triển vọng hồi phục trên 60 USD/thùng. Trong đó, cổ phiếu đáng lưu ý đầu ngành có dòng tiền tốt và khả năng hồi phục sớm là GAS và PVS.

Nhà đầu tư cũng nên quan tâm đến các nhóm cổ phiếu thuộc các ngành ưu tiên, có quy mô vốn vừa phải và có các chỉ tiêu tài chính cơ bản tốt (tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khá, EPS cao, P/E dưới 10 và có tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt ở mức khá…). Thông thường, những cổ phiếu này sẽ có tiềm năng tăng trưởng tốt và qua đó giá cổ phiếu sẽ có xu hướng tăng bền vững hơn so với thị trường chung.

Thị trường chứng khoán: Những nhóm ngành có PE thấp
Hai phiên giao dịch vừa qua, nhóm cổ phiếu ngành thép đã thay thế nhóm ngân hàng thu hút dòng tiền trên thị trường.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư