Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Lạc quan với cổ phiếu bất động sản
CTCK VNDirect - 29/05/2017 09:09
 
Thị trường tài chính thế giới tuần qua tiếp tục chứng kiến dòng vốn chảy vào tài sản rủi ro như cổ phiếu, hầu hết các thị trường cổ phiếu đều giao dịch trong tâm lý lạc quan.

Giá chứng chỉ quỹ đầu tư chỉ số vào các thị trường phát triển, iShares MSCI EAFA đạt lợi suất đầu tư 14,03%, trong khi EEM của các thị trường mới nổi tăng giá tới 18,79% và FM của các thị trường cận biên tăng 18,59%. Mức tăng này đều vượt trội so với mức 8% của chỉ số trung bình S&P 500. Dòng vốn đổ vào cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận cao, thay vì tìm nơi trú ẩn.

Trong số các thị trường phát triển, Mỹ là thị trường tăng giá mạnh mẽ, với sức kéo của cổ phiếu lĩnh vực công nghệ (XLK +2,39%), bất động sản (IYR +1,48%), công nghiệp (XLI +1,78%), tiêu dùng thiết yếu (XLP +1,86%), dịch vụ (XLU +2,8%). Trong khi đó, cổ phiếu năng lượng bị bán mạnh (XLE -2%).

Khi cổ phiếu công nghệ và những lĩnh vực phòng thủ như hàng tiêu dùng và dịch vụ lên ngôi, thị trường hàm ý rằng, giới đầu tư đang ưa chuộng những nhóm ngành có thể cho sự an toàn. Phiên giao dịch cuối tuần 26/5, thị trường Mỹ chờ đợi thông tin về chỉ số sản xuất công nghiệp PMI và chỉ số tâm lý người tiêu dùng trước kỳ nghỉ lễ kéo dài 3 ngày.

Thị trường châu Âu tuần qua biến động nhẹ sau khi điều chỉnh trong tuần trước đó. Diễn biến này được nhìn nhận là tích cực, vì tâm lý đang bình ổn trở lại và giới đầu tư vẫn tin tưởng vào sự đi lên của nền kinh tế khu vực.

Chứng khoán Anh tuần qua bứt phá tăng gần 1% lên mức cao nhất lịch sử, cùng lúc với việc đồng Bảng yếu đi rõ rệt so với đồng euro. Cặp tiền tệ GBP-EUR chạm mức thấp nhất của 2 tuần sau khi khảo sát cho thấy, vị thế dẫn trước của Đảng Bảo thủ do bà Theresa May lãnh đạo đã bị rút ngắn so với Đảng Lao động.

Cuộc bầu cử chính thức diễn ra ngày 8/6 tới sẽ ảnh hưởng đến quá trình đàm phán rời Liên minh châu Âu. Thị trường cổ phiếu phản ứng tích cực vì đồng Bảng yếu được nhìn nhận là tin vui cho các tập đoàn đa quốc gia của Anh.

Thị trường mới nổi có lẽ là khối bùng nổ nhất trong tuần qua, đặc biệt là chỉ số SENSEX Ấn Độ tăng  2,13%, KOSPI của Hàn Quốc tăng 2,57%. Thị trường Trung Quốc phục hồi nhẹ sau nhịp giảm giá liên quan đến việc Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s hạ bậc tín nhiệm của quốc gia này từ A1 xuống Aa3 và đánh giá triển vọng từ “tiêu cực” sang “ổn định”.

Moody’s quan ngại tính trạng nợ công và tổng nợ của nền kinh tế Trung Quốc sẽ gia tăng trong những năm tới, đồng thời quá trình tái cấu trúc sẽ làm giảm tăng trưởng. Thực tế, thị trường cổ phiếu cũng thể hiện những quan ngại như vậy, chỉ số Shanghai Composite đang mất 3,28% giá trị kể từ đầu năm.

Chứng khoán Việt Nam tuần có kết quả tăng tốt nhất trong nhóm các thị trường cận biên. Chỉ số VN-Index tăng 1,3% và thanh khoản cả tuần là 1,6 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng. Cổ phiếu mía đường đạt mức tăng (+) 12,66%, khoáng sản +6,89%, ngân hàng +4,52%, xây dựng +3,75%, vận tải +3,71%, bảo hiểm +3,63%, chứng khoán +2,92%, thép +2,68%, dệt may +2,17%, dầu khí +1,76%. Trong khi đó, bất động sản giảm (-) 0,61%, phân bón -1,37% và điện -2,21%.

Chúng tôi nhận thấy cổ phiếu vốn hóa lớn đang tăng chậm lại và không hút thêm dòng tiền mới, trong khi cổ phiếu vốn hóa nhỏ đang tranh thủ cơ hội để xác lập mặt bằng giá mới. Xu hướng tăng của thị trường đang thể hiện sự ổn định, nhưng trong tuần tới, thị trường hoàn toàn có thể điều chỉnh để củng cố xu hướng đó.

Chiến lược giao dịch ngắn hạn nên theo hướng đưa đòn bẩy tài chính về mức thấp trong đầu tuần và chờ mua giá thấp khi xảy ra chốt lời. Chúng tôi tiếp tục lạc quan về cổ phiếu bất động sản trong tuần tới.

Diễn biến các cổ phiếu cần quan tâm tuần qua: DVN 5 phiên chạm trần, giá trị thị trường tăng 72%
Dòng tiền chảy mạnh và lan tỏa giúp các cổ phiếu trên 3 sàn đua nhau tăng mạnh. Cùng Đầu tư nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư