-
Kỷ lục bán ròng 85.000 tỷ đồng của khối ngoại: Tỷ giá và câu chuyện thiếu hàng hóa -
Vinhomes đã mua lại 190 triệu cổ phiếu, mới được quá nửa số đăng ký -
Khối ngoại bán ròng hơn 1.650 tỷ đồng khiến VN-Index mất gần 12 điểm -
F88 được gì khi triển khai xác thực khách hàng số? -
Bổ sung quy định về xử lý chứng khoán để bảo đảm thi hành án dân sự -
Sửa Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt: Quan trọng là nuôi dưỡng được nguồn thu
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
VHG tăng giá gấp 3 lần sau báo lỗ khủng
Cổ phiếu VHG của Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư Cao su Quảng Nam vừa có 20 phiên tăng trần liên tiếp (từ 19/3 - 16/4/2019), giúp thị giá tăng vọt gấp 3,4 lần trong chưa đầy 1 tháng và đứng đầu danh sách những cổ phiếu có tỷ suất sinh lợi cao nhất Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhiều tuần qua. Cùng với đó, thanh khoản cũng tăng vọt, khối lượng giao dịch bình quân hiện lên đến trên dưới 1 triệu đơn vị/phiên, đột biến lên đến gần 5 triệu đơn vị.
Bên cạnh giao dịch khớp lệnh, có 37,5 triệu cổ phiếu VHG được giao dịch thỏa thuận dẫn đến những đồn đoán trên các diễn đàn chứng khoán về việc đổi chủ tại doanh nghiệp này. Tuy nhiên, khi chưa có thông tin chính thức mới về cơ cấu cổ đông hay lãnh đạo doanh nghiệp thì báo cáo tài chính kiểm toán 2018 được công bố của VHG đã gây những bất ngờ nhất định cho nhà đầu tư khi lỗ trên báo cáo kết quả kinh doanh công ty mẹ tăng gần 100 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Trên báo cáo hợp nhất, số lỗ tăng thêm gần 21 tỷ đồng.
Theo VHG, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả này là do đơn vị kiểm toán - Công ty TNHH Kiểm toán Chuẩn Việt yêu cầu VHG trích lập dự phòng thêm tại một loạt khoản đầu tư và phải thu khó đòi như Công ty Thương mại và dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu (VMG), CTCP Khoáng sản Quảng Nam, CTCP Công nghiệp Cao su Quảng Nam, CTCP Sản xuất, ứng dụng công nghệ Cao Thái Sơn…
Đáng chú ý, việc đầu tư vào CTCP Sản xuất, ứng dụng công nghệ cao Thái Sơn được Hội đồng quản trị thông qua cuối tháng 12/2017 và giao dịch đã được ghi nhận với giá trị 151,9 tỷ đồng trong quý I/2018. Như vậy, chưa đầy 1 năm, khoản đầu tư tương đương gần 1/4 tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2017 của VHG đã bị đơn vị kiểm toán yêu cầu trích lập dự phòng gần 50% giá trị (73,5 tỷ đồng).
Với kết quả này, thời gian hủy niêm yết trên HOSE với cổ phiếu VHG chỉ còn là vấn đề thời gian bởi Công ty đã thua lỗ trong 2 năm 2016 và 2017. Thực tế, từ ngay sau khi báo cáo tài chính tự lập của doanh nghiệp được công bố, HOSE đã gửi công văn cảnh báo nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc với VHG.
Trước thềm hủy niêm yết, PPI, ORS tăng mạnh
Trong bối cảnh VN-Index phập phù quanh ngưỡng 1.000 điểm, thanh khoản giảm mạnh, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn bị áp lực điều chỉnh trong cuối tháng 3 và nửa đầu tháng 4/2019, thị trường lại ghi nhận sự bứt phá của PPI và ORS, dù tương tự VHG, cả 2 doanh nghiệp này đang đối mặt với án hủy niêm yết do làm ăn thua lỗ.
Thị giá cổ phiếu PPI của CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương vừa có chuỗi tăng giá khá tốt kể từ giữa tháng 2/2019, trong đó có 5 phiên tăng trần liên tiếp từ 4/4 đến 10/4. Khối lượng giao dịch cũng tăng đột biến, có phiên lên đến 2,4 triệu đơn vị, tương đương 5% lượng cổ phiếu niêm yết của
doanh nghiệp.
Đáng chú ý là PPI vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2018 với con số lỗ lên đến 153 tỷ đồng, tăng 68 tỷ đồng so với năm 2017 và tăng thêm 61 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Nguyên nhân lỗ tăng mạnh là do đơn vị kiểm toán tiến hành trích lập dự phòng bổ sung các khoản phải thu dựa trên tuổi nợ, trích lập thêm dự phòng từ công ty con và dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác.
Dù Công ty cho biết sẽ tăng cường thu hồi công nợ trong năm 2019 để được hoàn nhập dự phòng các khoản đã trích lập, đồng thời, nâng cao chất lượng của hệ thống kiểm toán nội bộ, giảm thiểu chi phí hoạt động, chi phí tài chính, tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, tái cấu trúc lại tài chính để tiến tới ổn định sản xuất kinh doanh, nhưng với việc đã lỗ liên tiếp 3 năm (2016 - 2018), ngày hủy niêm yết bắt buộc với PPI dự báo không còn xa.
Tương tự, cổ phiếu ORS của CTCP Chứng khoán Phương Đông đã tăng giá đến 67% trong nửa cuối tháng 3/2019 trước thềm hủy niêm yết do thua lỗ trong 3 năm, từ 2016 đến 2018. Riêng năm 2018, ORS lỗ thêm 10,7 tỷ đồng với ảnh hưởng đáng kể từ việc hạch toán xử lý dự phòng tài chính cho khoản phải thu trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như. Lỗ lũy kế đến cuối 2018 ăn mòn 97% vốn điều lệ của Công ty.
Cẩn trọng bỏng tay
Việc thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp đối diện với án hủy niêm yết bắt buộc do làm ăn thua lỗ vẫn tăng “phi mã” như VHG, PPI hay ORS đi kèm với những đồn đoán về câu chuyện thâu tóm, đổi chủ, tái cấu trúc… giúp doanh nghiệp hồi sinh, qua đó thu hút dòng tiền mua vào đầu cơ, đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh.
Hiện tại, tình trạng này càng có điều kiện diễn ra, bởi theo quy định sau khi hủy niêm yết, doanh nghiệp sẽ tự động được đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, giúp giải bài toán thanh khoản. Một khi diễn biến như kỳ vọng, nhà đầu tư mạo hiểm có thể thu về tỷ suất lợi nhuận tính bằng lần, điều không dễ có được khi đầu tư vào các cổ phiếu có cơ bản tốt, nhưng thị giá cao.
Như trong câu chuyện của ORS, ngay trước khi rời sàn, Công ty đã phát hành riêng lẻ thành công 16 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thu về 160 tỷ đồng và tăng vốn điều lệ lên 400 tỷ đồng. Số tiền mới này được kỳ vọng sẽ giúp Công ty tái cấu trúc tài chính, giảm lỗ lũy kế và nâng tỷ lệ an toàn tài chính để tiếp tục hoạt động.
Thực tế sau khi giải quyết dứt điểm rắc rối pháp lý liên quan đến vụ án Huyền Như và tái cấu trúc, triển vọng phục hồi với ORS được đánh giá là không hề nhỏ. Sau khi chính thức hủy niêm yết trên HNX từ ngày 10/4/2019, cổ phiếu ORS cũng đã được chấp thuận giao dịch trên UPCoM từ ngày 17/4, tức nhà đầu tư chỉ bị gián đoạn 1 tuần giao dịch.
Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng có triển vọng “cải tử hoàn sinh” và thực tế trên thị trường những năm qua, số doanh nghiệp thực sự hồi phục là khá hiếm hoi. Sau những con sóng bạo phát, phần lớn sau đó quay lại với vùng giá ban đầu.
Chưa kể, những doanh nghiệp thiếu minh bạch hay kinh doanh bết bát có thể bị đưa vào danh mục tạm ngừng giao dịch ngay khi chuyển xuống UPCoM, khiến những nhà đầu tư vào sóng sau cùng thua lỗ, thậm chí là mất trắng. Đây là câu chuyện đã diễn ra với cổ phiếu KSA của CTCP Khoáng sản Bình Thuận. Theo đó, cổ phiếu KSA đã tăng giá 50% trước thềm bị hủy niêm yết tháng 5/2018, dù được chấp thuận đăng ký giao dịch trên UPCoM nhưng do vi phạm công bố thông tin, cổ phiếu này đã bị đình chỉ giao dịch từ đó đến nay.
Trở lại với VHG, trong vòng 3 năm trở lại đây, VHG đã lỗ sau thuế tổng cộng gần 1.500 tỷ đồng, bù trừ phần lợi nhuận tích lũy giai đoạn trước, lỗ lũy kế đến cuối 2018 vẫn chiếm 85% vốn điều lệ.
Tính đến cuối năm 2018, giá trị tài sản còn lại trên báo cáo tài chính hợp nhất là 456 tỷ đồng thì có đến 62 tỷ đồng các khoản phải thu, 252 tỷ đồng đầu tư góp vốn và 47 tỷ đồng chi phí xây dựng dở dang, số dư tiền vỏn vẹn hơn 720 triệu đồng và toàn bộ giá trị hàng tồn kho đã bị trích lập dự phòng. Ngược lại, VHG đang có đến 154 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phải trả và 34 tỷ đồng phải trả, phải
nộp khác.
Trong bối cảnh khó khăn, đầu tháng 4/2019, Hội đồng quản trị VHG đã ra nghị quyết định hướng tái cấu trúc trong năm 2019 với mục tiêu tiếp tục thoái vốn, thu hồi vốn tại các khoản đầu tư kém hiệu quả bao gồm cả phần vốn góp tại Công ty Tây Hồ Tây, quay trở lại mảng kinh doanh nhựa và ống nhựa, chuyển đổi cơ cấu hoạt động trồng cao su trên diện tích chưa được trồng hoặc trồng không hiệu quả…
Tuy vậy, với việc các khoản phải thu bị đẩy mạnh trích lập dự phòng, các khoản đầu tư bị kiểm toán nhấn mạnh đang thua lỗ, không xác định được giá trị có thể thu hồi, dự án 932 ha trồng cây cao su đã bị đề nghị thu hồi 327,7 ha - chiếm 35% diện tích đất thuê…, chất lượng tài sản của VHG đang bị đặt dấu hỏi lớn.
Chưa kể, với nguy cơ thua lỗ vẫn đang hiển hiện, nguồn lực tài chính của Công ty có thể sẽ không còn đủ để đáp ứng các nghĩa vụ phải trả, chưa nói đến tái đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư đánh cược vào triển vọng phục hồi của VHG sẽ phải đối mặt với rủi ro.
-
Khối ngoại bán ròng hơn 1.650 tỷ đồng khiến VN-Index mất gần 12 điểm -
Công ty kiểm toán liên quan đến Quốc Cường Gia Lai, Sài Gòn Đại Ninh làm ăn thế nào? -
F88 được gì khi triển khai xác thực khách hàng số? -
Tìm cơ hội trong chứng khoán thời khó -
Công ty chứng khoán nhỏ và vừa: Mục tiêu hấp dẫn trong M&A -
Bổ sung quy định về xử lý chứng khoán để bảo đảm thi hành án dân sự -
Sửa Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt: Quan trọng là nuôi dưỡng được nguồn thu
-
1 Làm rõ đề xuất nạo vét luồng đoạn ngã ba sông Hậu - rạch Cần Thơ của Novaland -
2 Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Bấm nút không ngập ngừng -
3 Doanh nghiệp nhà nước phải được làm những việc khác thường - Bài 1: Kỳ vọng trở lại đường ray phát triển -
4 Giải ngân đầu tư công chạy đua với thời gian -
5 Tin vắn Đầu tư Online ngày 20/11
- SeABank thông báo mời thầu
- Huawei Việt Nam chính thức khởi động cuộc thi ICT Competition 2024 - 2025
- Ấm lòng lễ tri ân của CT Group đến các thầy cô giáo
- Tập đoàn Stavian nhận cú đúp giải thưởng trong Bảng xếp hạng Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024
- AZB - Hành trình kiến tạo "Nơi làm việc tốt nhất châu Á 2024"
- Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch tổng thể phát triển du lịch