Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thị trường điện toán đám mây: Doanh nghiệp Việt nhắm thị phần 4 tỷ USD
Hữu Tuấn - 30/08/2021 06:46
 
Nếu giành lại 80% thị phần doanh thu dịch vụ điện toán đám mây (cloud) từ tay đối thủ ngoại, doanh nghiệp Việt Nam sẽ sở hữu không gian phát triển mới với giá trị 4 tỷ USD.
Quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ của các cơ quan, doanh nghiệp đang mở ra cơ hội cho thị trường dịch vụ cloud

Tăng trưởng đột phá nhờ chuyển đổi số

Chỉ mất 10 tháng, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đã ứng dụng thành công dịch vụ cloud vào ứng dụng TNEX để cung cấp dịch vụ ngân hàng số trong các lĩnh vực ẩm thực, giáo dục, du lịch, giải trí, chăm sóc sức khỏe, thời trang, nhắn tin và chat… Người tiêu dùng có thể mua trực tiếp sản phẩm và dịch vụ của các đại lý liên kết bằng ứng dụng TNEX và thanh toán bằng mã QR.

Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng xác định, cloud đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng và phát triển khách hàng mới. Năm 2020, lượng khách hàng đăng ký ngân hàng số qua ứng dụng MyVIB của VIB tăng trưởng đột phá (gần 300%), đưa tổng số khách hàng của VIB vượt trên con số 3 triệu.

Nhờ dịch vụ cloud, trong mùa dịch, start-up Katalon đã tăng trưởng rất mạnh mẽ với đội ngũ nhân sự ở 5 nước (Việt Nam, Mỹ, Ấn Độ, Indonesia, Canada), cung cấp giải pháp cho hơn 65.000 khách hàng doanh nghiệp ở 160 quốc gia.

Dịch vụ cloud phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam thời gian qua nhờ các doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số. Trong giai đoạn dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội, nhiều dịch vụ, hoạt động phải thực hiện trực tuyến, buộc doanh nghiệp phải đưa sản phẩm, dịch vụ, dữ liệu lên “đám mây” để khách hàng truy cập từ xa. Trong đó, các nhóm ngành công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, viễn thông, truyền thông, giải trí… đã sử dụng cloud và chuyển đổi số nhanh nhất.

Đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, nền tảng cloud được xác định là hạ tầng số cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Covid-19 đã tạo “cú huých” thúc đẩy thị trường cloud tăng trưởng tới 40%.

“Cloud sẽ là cấu thành quan trọng nhất của hạ tầng số. Các doanh nghiệp hạ tầng viễn thông phải coi đây là hạ tầng mới của ngành viễn thông. Tăng trưởng của cloud là 60%/năm. Thị trường có thể đạt tới 1% GDP quốc gia, tức là 5 tỷ USD vào năm 2025. Vậy, các doanh nghiệp viễn thông sẽ chọn bao nhiêu, 10% hay 80%? Nếu là 80%, thì không gian mới cho các doanh nghiệp viễn thông sẽ là 4 USD. Vậy thì hãy đầu tư và hãy làm thị trường”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

Nhận định thị trường cloud trong nước rất giàu tiềm năng, song ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Viettel IDC cũng chỉ rõ, doanh nghiệp Việt mới chủ yếu cung cấp dịch vụ hạ tầng cloud, chưa khai thác được nhiều mảng dịch vụ phần mềm trên nền hạ tầng, trong khi mảng này mới đem lại doanh thu và tăng trưởng lớn.

Một cách khách quan, ông Lê Trung Thành, Giám đốc Kỹ thuật số IDG Việt Nam đánh giá, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ cloud có các điểm mạnh như: nhiều giải pháp ứng dụng; có chính sách cho khách hàng dùng thử dịch vụ; thanh toán nhanh chóng, tiện lợi; uy tín lâu năm đã được kiểm chứng… Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế trong việc tiếp cận khách hàng, biết được điểm yếu, điểm mạnh của khách hàng trong nước; sở hữu đội ngũ kỹ sư tại chỗ, hiểu biết về thị trường nội địa để Việt hóa các ứng dụng; có tinh thần đồng hành cùng khách hàng để giải quyết từng phần về công nghệ, không “kén chọn” hợp đồng có giá trị lớn hay nhỏ.

“Trong cuộc chiến cạnh tranh, thì không bao giờ có đối thủ lớn hay nhỏ, mà quan trọng là chúng ta chuyển mình nhanh như thế nào, nắm bắt được nhu cầu ra sao… Đối với dịch vụ cho thuê hạ tầng, kết nối dạng dịch vụ và các ứng dụng cho doanh nghiệp, thì các nhà cung cấp Việt Nam làm tương đối tốt, nhưng đối với khối ứng dụng phần mềm, thì phải cố gắng hơn nữa. Muốn thắng, khối doanh nghiệp Việt phải có người tiên phong, phải có kế hoạch dài hơi, thu hút được nhân tài”, ông Thành khẳng định.

Để giúp doanh nghiệp trong nước nâng cao sức cạnh tranh, ông Lê Quang Hiếu (Tổng công ty ViettelNet) đề xuất, Nhà nước cần ban hành các cơ chế, chính sách để đưa hạ tầng số trở thành hạ tầng thiết yếu; xây dựng chiến lược quy hoạch cấp quốc gia đối với nền tảng lõi của hạ tầng số; sớm ban hành cơ chế, chính sách để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dữ liệu...

Mới đây nhất, ngày 20/8/2021, Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS, trực thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam) đã gửi tới Chính phủ một số khuyến nghị chính sách trong lĩnh vực dịch vụ cloud.

Cụ thể, IPS khuyến nghị, Nhà nước tiếp tục có chiến lược nâng cấp hạ tầng kết nối, viễn thông, chất lượng băng thông; có chính sách cụ thể về việc sử dụng điện toán cloud, trong đó thể hiện rõ việc ưu tiên ứng dụng công nghệ điện toán cloud, lợi thế cạnh tranh của điện toán cloud, các loại mô hình dịch vụ cloud phù hợp để sử dụng. Song hành cùng chính sách ưu tiên, là nguyên tắc phân loại dữ liệu theo mức độ nhạy cảm kết hợp yêu cầu bảo mật tương ứng nhằm chống lại các mối đe doạ hiện hành và tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia nếu dữ liệu đó bị xâm phạm.

IPS cũng cho rằng, Việt Nam cần đánh giá các loại hình dịch vụ công trực tuyến, các cấu thành ưu tiên trong hệ thống dịch vụ đô thị thông minh hiện nay để di chuyển lên cloud dùng chung hoặc cloud của Chính phủ. Do vậy, việc xác định cơ chế tài chính để lựa chọn sử dụng mô hình cloud phù hợp sau khi đã phân loại dữ liệu là cần thiết. Theo đó, hình thức đối tác công - tư trong việc xây dựng hạ tầng cloud là phương án có thể cân nhắc. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đảm bảo dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới và yêu cầu về bản địa hóa dữ liệu.

Theo dự báo của Research And Markets, ngành điện toán đám mây toàn cầu sẽ tăng trưởng từ 371,4 tỷ USD năm 2020 lên 832,1 tỷ USD vào năm 2025.

Báo cáo của Viettel IDC cho thấy, thị trường cloud trong nước cuối năm 2020 mới đạt gần 133 triệu USD - con số khá khiêm tốn so với tiềm năng to lớn của thị trường. Đáng lưu ý là, các nhà cung cấp nước ngoài đang chiếm tới 80,32% thị phần; các nhà cung cấp trong nước chỉ nắm giữ khoảng 19,68%.

Phát triển điện toán đám mây là tiền đề cho phát triển thương mại kỹ thuật số
Các hoạt động thương mại kỹ thuật số ngày càng trở nên phổ biến và phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Và điện toán đám mây chính là tiền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư