Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thị trường máy lọc nước: Bát nháo
Quang Tấn (HQ Online) - 07/06/2016 15:06
 
Trong khi chất lượng nước sinh hoạt tại nhiều nơi chưa được đảm bảo, máy lọc nước đang được nhiều người dân lựa chọn. Tuy nhiên, đứng trước “ma trận” máy lọc nước, người tiêu dùng bị choáng ngợp với những lời quảng cáo thổi phồng sự thật.
 Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua, sử dụng và lắp đặt máy lọc nước. Ảnh: Chí Công.
Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua, sử dụng và lắp đặt máy lọc nước. Ảnh: Chí Công.

Theo khảo sát của phóng viên từ các cửa hàng bán lẻ tới các trung tâm thương mại tại Hà Nội, sản phẩm máy lọc nước hiện đa dạng với nhiều mẫu mã, giá cả, chủng loại, xuất xứ. Tại một cửa hàng trên đường Láng (gần Ngã Tư Sở), phóng viên được người quản lý giới thiệu một số nhãn hiệu như Geyser, Jenpec, Kangaroo, Karofi, Hyundai, AO Smith, Dr Sukida... Trong đó, có cả sản phẩm từ nhập khẩu đến lắp ráp trong nước, với giá từ 4 triệu đến hơn 10 triệu đồng, tùy công suất và số lượng tầng lọc.

Trao đổi với phóng viên về nguyên nhân chênh lệch giá giữa các sản phẩm, anh Xuân Thắng –  thợ lắp đặt máy lọc nước của một thương hiệu uy tín cho biết: Hiện trên thị trường chỉ có một số máy lọc nước có nguồn gốc rõ ràng, còn lại phần nhiều là hàng lắp ráp với linh kiện từ nhiều nguồn khác nhau. Thuế nhập khẩu linh kiện thấp hơn thuế nhập khẩu nguyên máy nên có sự chênh lệch giá giữa các loại máy. Khi lắp ráp, doanh nghiệp có thể bố trí thêm các lõi và tầng lọc theo nhu cầu người dùng. Đây cũng là khâu các linh kiện dễ dàng bị đánh tráo bằng hàng nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Cùng với đó, nhiều cơ sở còn làm nhái nhãn mác gần giống với những thương hiệu nổi tiếng, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn. Phổ biến nhất, người tiêu dùng thường bị đánh lừa bởi các dòng chữ tiếng Anh, kiểu như "Member: Reverse Osmosis Filmtec - USA". Đọc qua dòng chữ này nhiều người tưởng là máy được sản xuất ở Mỹ, nhưng thực chất nó chỉ có nghĩa máy lọc nước do nhà khoa học Mỹ Orirajin phát minh năm 1950. Nhìn chung, máy lọc nước không rõ xuất xứ, nên cũng không có cơ quan nào bảo đảm độ an toàn và kỹ thuật.

Ngoài ra, máy lọc nước giả thường sử dụng lõi lọc thô kém chất lượng. Cụ thể, nếu các lõi lọc của máy chính hãng làm từ sợi polypropylen được nén chặt lại, đảm bảo lọc được cặn bẩn kích thước nhỏ dưới 5 micron hoặc 1 micron thì bên trong lõi lọc nước giả là sợi bông vải không rõ nguồn gốc và quy chuẩn, chỉ lọc được những cặn bẩn có thể quan sát bằng mắt thường. Nguy hại hơn, vật liệu lọc không đảm bảo chất lượng có thể sẽ tan thêm các chất nguy hại vào trong nước, gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng. Nhiều máy lọc nước giả còn sử dụng lõi OCB sử dụng than đá thay cho than hoạt tính. Nguyên nhân là do than hoạt tính có tác dụng hấp thụ màu, mùi, clo dư và các chất độc khác có giá thành đắt hơn than đá. Trong khi đó, than đá hoàn toàn không có tính năng lọc, không những không làm nước sạch hơn mà còn làm cho nước bẩn hơn, có mùi khó chịu. Các máy lọc nước  chính hãng thường sử dụng màng lọc RO nhập khẩu Mỹ, với công nghệ thẩm thấu ngược, loại bỏ gần như hoàn toàn các phân tử có kích thước lớn hơn phân tử nước, cho nước đầu ra tinh khiết. Trong khi đó, màng RO giả không làm được điều này, nước đầu ra vẫn còn các chất độc hại như asen, chì, thủy ngân, vi khuẩn. 

  Dấu hiệu nhận biết màng lọc nước giả bằng mắt thường  Ảnh: Kanofi
Dấu hiệu nhận biết màng lọc nước giả bằng mắt thường Ảnh: Kanofi

Theo khảo sát của phóng viên, trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều máy lọc nước được quảng cáo có khả năng diệt khuẩn, chữa được nhiều bệnh. Những thông tin này, khách hàng đều khó biết được đó là sự thật hay chỉ là... quảng cáo. Sự thực là đã từng có hãng bán máy lọc nước có tiếng bị phạt đến 10 triệu đồng do quảng cáo sai sự thật những thông tin tương tự như trên.

Ở khía cạnh khác, trao đổi với phóng viên, đại diện một tập đoàn chuyên phân phối, nhập khẩu, kinh doanh máy lọc nước cho biết: Quy định hiện nay về chất lượng nước đạt tiêu chuẩn hay không cũng rất mập mờ. Theo quy định của Bộ Y tế, QCVN 01:2009/BYT là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống, áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình khai thác nước ăn uống, bao gồm cả các cơ sở cấp nước tập trung cho mục đích sinh hoạt, có công suất từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên. Còn QCVN 6-1-2010/BYT là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai, đòi hỏi nhiều yếu tố về chất lượng hơn, như phải tách các thành phần không bền vững, các hợp chất có chứa sắt, mangan, sulfid hoặc asen bằng cách gạn hoặc lọc; trong một số trường hợp cần thiết có thể xử lý nhanh bằng phương pháp sục khí trước. Đối với máy lọc nước sử dụng trực tiếp, bắt buộc phải áp dụng tiêu chuẩn QCVN 6-1-2010/BYT nhưng lợi dụng sự thiếu hiểu biết nên nhiều cơ sở đang đánh lận giữa hai quy chuẩn.

Kangaroo nói gì về quảng cáo máy lọc nước ngừa amip ăn não người?
Đại diện Cty CP Tập đoàn điện lạnh, điện máy Việt - Úc (Tập đoàn Kangaroo) cho biết, Cty đã gỡ bỏ quảng cáo máy lọc nước “ngăn ngừa mỡ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư