Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Thị trường tài chính tiền tệ tuần qua: Sức hút các tài sản an toàn
Thanh Thủy - 19/08/2019 09:02
 
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm mạnh. Nền kinh tế lớn nhất thế giới thậm chí còn đang thăm dò phát hành trái phiếu kỳ hạn dài 50 -100 năm. Vàng cũng đứng vững trước ngưỡng 1.500 USD/oz. Các tài sản an toàn đang được giới đầu tư dồn mắt chú ý trước các diễn biến bất định từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Nỗi ám ảnh lúc 9 giờ tối của các nhà đầu tư Mỹ

Trong một chia sẻ với CNBC mới đây, ông Keith Lerner, trưởng phòng chiến lược thị trường tại SunTrust Private Wealth, nhắc đến một nỗi ám ảnh mới của giới đầu tư Mỹ lúc 9 giờ mỗi tối. Đấy là thời điểm, ở bên kia nửa bán cầu, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) công bố tỷ giá trung tâm giữa đồng nhân dân tệ và đôla. “Thông tin này được mọi người đón chờ và chi phối tâm lý thị trường ngày qua ngày cùng các dòng tin tức khác đến từ Trung Quốc”, ông cho hay.

Kể từ sau lệnh áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc, PBoC đã tăng tỷ giá trung tâm USD/CNY thêm  2,13%, nghĩa là số đồng tệ phải bỏ ra nhiều hơn để đổi mỗi đôla. Tỷ lệ này vượt qua ngưỡng 7 hôm 8/8, vốn là một ngưỡng tâm lý quan trọng mà cặp tiền tệ này đã nhiều lần tiệm cận đến nhưng “chinh phục” thất bại.   

Thị trường chứng khoán Mỹ từng có những phiên lạc quan vì tỷ giá được yết thấp hơn dự báo, cũng từng lao đao khi PBoC điều chỉnh tăng mạnh. Và những dòng tin tức này không chỉ nhận được sự quan tâm của riêng giới đầu tư Mỹ. Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến tương lai trở nên bất định, động thái hàng ngày của PBoC trở thành “manh mối” để các nhà đầu tư đưa ra  dự báo bên cạnh những dòng tweet xuất hiện không hẹn trước của Tổng thống Mỹ. 

Nóng kênh trú ẩn an toàn

Chia sẻ về những ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, PGS – T.S Phạm Thế Anh nhận định cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang hạn chế thương mại toàn cầu và ảnh hưởng sức khỏe của nhiều nền kinh tế. Việc Mỹ áp thuế các  mặt hàng của Trung Quốc, tác động đến cả nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của quốc gia này. Khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đi xuống, xuất khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu tại nhiều quốc gia khác cũng ảnh hưởng theo, ở nhiều lĩnh vực có thể tăng nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Cùng đó, các ngân hàng trung ương có xu hướng giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thực tế, 20 ngân hàng trung ương hạ lãi suất điều hành chỉ từ sau sự kiện Fed hạ lãi suất và Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế, riêng ở châu Á đã có Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Hồng Kông, Ma cao. Ngoài ra, khi dự báo tác động thương chiến kéo dài, doanh nghiệp làm ăn kém đi, thị trường tài chính cũng sẽ phản ánh nền kinh tế thực. Các yếu tố này khiến nhà đầu tư có xu hướng chuyển bớt tài sản sang các kênh trú ẩn an toàn.

Thực tế cũng đang cho thấy sản phẩm được đánh giá an toàn và không sợ đổ vỡ là trái phiếu Chính phủ Mỹ đã tăng giá liên tục thời gian qua biểu hiện ở diễn biến lợi suất trái phiếu Mỹ. Lượng cầu nhiều do gia tăng nhu cầu đối với tài sản an toàn này đã khiến lợi suất giảm xuống ở đồng loạt các kỳ hạn. Đến cuối tuần qua, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm còn 1,5623%/năm, trong khi ở mức 2,826%/năm ở thời điểm Mỹ bắt đầu áp khoản thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa đầu tiên lên Trung Quốc (22/3/2018). 

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thời hạn 20 năm tuần qua cũng giảm xuống mức dưới 2%/năm. Mới đây, Mỹ còn thăm dò thị trường để chuẩn bị phát hành trái phiếu kỳ hạn dài tới 50 năm và 100 năm.

Một tín hiệu đáng chú ý cũng xảy ra trong tuần qua. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài giảm nhanh và xuống thấp hơn lợi suất kỳ hạn ngắn. Nhiều lần trong lịch sử, tín hiệu đường cong lợi suất đảo ngược này kéo theo sau đó là các đợt khủng hoảng kinh tế, từ đó, nhu cầu đối với các kênh trú ẩn an toàn càng mạnh lên, đặc biệt là vàng. 

Thời điểm giữa tuần, sau khi đã liên tục tăng nóng, giá vàng giảm 45 USD/oz chỉ trong sáng 13/8 nhờ quyết định xóa một số mặt hàng khỏi danh sách thuế quan và hoãn việc áp dụng mức thuế trên đối với một số mặt hàng đến ngày 15/12. Tuy nhiên, chỉ một hai ngày sau, giá vàng đã hồi phục, quay lại giao dịch quanh vùng 1.510 – 1.520 USD/oz, hiện tăng hơn 6,6% so với hồi cuối tháng 7. Lo ngại về khủng hoảng kinh tế từ chỉ báo đường cong lợi suất đảo ngược khiến giá vàng không giảm được thêm mà vẫn ở trên ngưỡng tâm lý 1.500 USD/oz.

s
Tín hiệu cảnh báo khủng hoảng : Đường cong lợi suất đảo ngược thường xuất hiện trước các cuộc khủng hoảng tài chính

Bám khá sát các diễn biến thị trường vàng quốc tế nhưng tuần qua ghi nhận sự hồi phục mạnh hơn đáng kể của vàng trong nước sau khi giảm vì thông tin hoãn thuế. Chỉ trong hai ngày 13/8 và 14/8, chênh lệch giữa giá bán cao nhất và thấp nhất vàng miếng SJC tại Doji đã lên tới gần 1 triệu đồng. Giá bán vàng miếng SJC nhìn chung ở quang ngưỡng 42 triệu đồng/lượng, cũng tăng tới 6,7% từ cuối tháng 7. So với mức giá bán thấp kỷ lục trong năm hồi tháng 4 ( 36,27 triệu đồng/lượng), vàng miếng SJC đã tăng hơn 15%. 

Khó đoán định về giá vàng ở bối cảnh hiện nay nhưng theo cá nhân PGS – T.S Phạm Thế Anh dư địa cho  giá vàng tăng vẫn nhưng tăng đến bao nhiêu thì cần căn cứ diễn biến các sự kiện diễn ra. Cũng đã có nhiều dự báo về khả năng tăng giá vàng của các chuyên gia quốc tế, thậm chí ngay từ khi Tổng thống Trump bắt đầu đánh thuế Trung Quốc. Ông Ghali, chiến lược gia của TD Securities, cho rằng nhu cầu tài sản an toàn tăng cao sau nhiều năm chính sách tiền tệ nới lỏng và thấy rõ từ việc trái phiếu một số quốc gia giảm hay thậm chí âm. Vàng hưởng lợi khá nhiều từ điều này nên dự báo của ông về giá vàng trong những năm tới có thể lên mức 2.000 USD/oz.

Giá dầu ở mức 60-70 USD/thùng sẽ giúp khai thác thuận lợi
Dự báo ảm đạm về tăng trưởng kinh tế thế giới và nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng trưởng thấp đã tác động xấu tới giá nhiên liệu trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư