Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thiên Nam dè dặt với bất động sản
Chí Tín - 21/09/2017 10:10
 
Dù thành công nhất định trong đầu tư bất động sản năm 2016, nhưng Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (mã TNA, sàn HOSE) không kỳ vọng lĩnh vực này có thể thay thế vai trò trụ cột của kinh doanh thép.

Dấu ấn bất động sản

Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam vốn xuất thân là một doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu sắt thép, với các mặt hàng chủ lực gồm thép dây cán nóng với đủ các size, thép cuộn, thép tấm, thép lá cán nóng, cán nguội dạng cuộn. Tuy nhiên, từ năm 2016, doanh nghiệp này bắt đầu gặt hái một số thành công trong mảng đầu tư kinh doanh bất động sản.

Cụ thể, năm 2015, kinh doanh thép đem về trên 50% tổng lợi nhuận của Thiên Nam, trong khi đầu tư tài chính chỉ đem lại 16,8% lợi nhuận. Nhưng từ năm 2016, đại gia thép này bắt đầu có nguồn thu nhập đáng kể từ lĩnh vực bất động sản, với lợi nhuận hơn 60 tỷ đồng. Đây cũng là yếu tố then chốt đẩy lợi nhuận của Thiên Nam tăng từ mức 71,8 tỷ đồng (trước thuế) trong năm 2015 lên hơn 143 tỷ đồng năm 2016. Bất động sản và đầu tư tài chính đã vọt lên dẫn đầu trong cơ cấu lợi nhuận của Thiên Nam, chiếm 42% tổng lợi nhuận; còn kinh doanh thép lùi xuống vị trí thứ hai với mức đóng góp 40%.

Đầu năm 2017, Thiên Nam tiếp tục tiến sâu hơn vào lĩnh vực bất động sản khi hợp tác với đối tác đầu tư một dự án tại Cà Mau. Dự án này có tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng, quỹ đất được giao là 178 ha thuộc Khu đô thị cửa ngõ Đông Bắc TP. Cà Mau. Dự kiến, khi hoàn tất, dự án này sẽ cung cấp ra thị trường 2.500 nền nhà. Thiên Nam cho biết, dự án tại Cà Mau đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng, sẽ đảm bảo tiến độ thực hiện và dự kiến đem lại doanh thu trong các năm tới.

Mặc dù có một số thành công nhất định trong đầu tư bất động sản năm 2016, nhưng đại gia Thiên Nam cũng không đặt nhiều kỳ vọng rằng, lĩnh vực bất động sản có thể thay thế vai trò trụ cột của kinh doanh thép trong hoạt động kinh doanh của Công ty. Riêng dự án tại Cà Mau mới đầu tư năm 2017, sẽ phải chờ thêm vài năm nữa mới có thể có nguồn thu.

Đại gia thép vẫn chịu áp lực tài chính lớn

Về tình hình tài chính, vốn chủ sở hữu của Thiên Nam đang ở mức 387 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả cao gần gấp 3 lần với hơn 1.000 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2017, Thiên Nam ghi nhận doanh thu tăng khá tốt so với năm ngoái, nhưng cũng đang vất vả hơn nhiều để cân đối dòng tiền.

Kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm:

Doanh thu 2.664,5 tỷ đồng, hoàn thành 83,3% kế hoạch năm, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Lợi nhuận trước thuế đạt 85,9 tỷ đồng, bằng 81,8% kế hoạch năm, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Cơ cấu nợ so với vốn chủ sở hữu còn khá cao và nguồn tài chính hiện tại chưa đủ lực khiến Thiên Nam chưa thể dốc nguồn lực lớn cho đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Do vậy, kế hoạch kinh doanh năm 2017 của Công ty cũng khá thận trọng, với mức doanh thu 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 105 tỷ đồng, cổ tức 20 - 30%.

Mục tiêu trên được đánh giá là khá vừa sức với Thiên Nam trong bối cảnh hiện nay và khả năng đạt được lợi nhuận tương đối khả thi. “Trong các tháng cuối năm, Thiên Nam sẽ cố gắng hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2017”, bà Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch HĐQT Thiên Nam cho biết.

Trong nửa đầu năm 2017, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Thiên Nam âm tới hơn 105 tỷ đồng (trong khi năm ngoái chỉ âm 20 tỷ đồng). Nguyên nhân chính là do Công ty phải trích khoản tiền lớn để chi các khoản phải trả, với số tiền lên tới gần 90 tỷ đồng. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư khá lớn, khoản chi cho đầu tư mua sắm xây dựng tài sản cố định riêng nửa đầu năm 2017 là 43,5 tỷ đồng. Những  động thái này tiếp tục gây áp lực lên cơ cấu vay nợ của Thiên Nam.

Thiên Nam và cuộc lột xác từ khủng hoảng
Bắt tay nhầm với một đối tác “cá lớn”, Thiên Nam đã thoát khỏi vòng kiềm tỏa của đối tác bằng chiến lược tự đi trên chân của mình.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư