Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thiết bị dệt may Đức tìm đường đến Việt Nam
Thế Hải - 18/07/2016 15:09
 
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, dự kiến có hiệu lực vào giữa năm 2018 với nhiều cơ hội thị trường mở ra cho ngành dệt may. Theo tính toán, ngành này sẽ cần tới hàng tỷ USD để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị đáp ứng nhu cầu phát triển.

Nắm bắt được nhu cầu đầu tư phát triển, mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất của ngành, thời gian gần đây, các nhà sản xuất, chế tạo thiết bị châu Âu như Bỉ, Đức, Italia… liên tục tới Việt Nam để tiếp thị máy móc, thiết bị, giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất cho ngành dệt may.

Ngay đầu tháng 7/2016, Diễn đàn Công nghệ Đức gặp gỡ ngành dệt may Việt Nam, với sự hiện diện của hơn 30 nhà sản xuất hàng đầu của Hiệp hội Máy móc dệt may Đức (VDMA) như Andritz Assenlin-Thibeau, Bruckner, Erhardt + Leimer, Fong's Europe, Groz-Beckert... đã được tổ chức ở Hà Nội và TP.HCM.

.
Diễn đàn Công nghệ Đức gặp gỡ ngành dệt may Việt Nam sẽ được tổ chức vào đầu tháng 7/2016

Theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), hiện nay các doanh nghiệp trong ngành may mặc quan tâm đến việc đầu tư máy móc, công nghệ mới, nhưng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, họ đều tính toán để làm sao vẫn cải tiến năng suất, hiện đại hoá, nhưng với chi phí vừa phải.

“Máy móc và trang thiết bị của Đức luôn được đánh giá là những sản phẩm có chất lượng cao, cũng như đảm bảo được tính thân thiện với môi trường, nhưng chi phí đầu tư thường cao hơn hẳn so với những máy móc đến từ các thương hiệu khác. Do đó, trừ doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp vừa và nhỏ thường đầu tư từng bước, để đảm bảo tăng năng suất và vẫn đảm bảo về thu nhập để giữ lao động”, ông Cẩm nhận định.

VDMA hiện có 130 nhà sản xuất máy dệt và phụ kiện. Phần lớn các công ty trong hiệp hội này là công ty vừa và nhỏ, chiếm khoảng 90% toàn bộ khối lượng của ngành. Trong năm 2015, các ngành sản xuất máy móc thiết bị dệt may trong hiệp hội đạt trị giá khoảng 3,1 tỷ euro.

Lượng máy móc ngành dệt may Việt Nam nhập khẩu từ Đức trong những năm qua tăng đáng kể. Thống kê chưa đầy đủ, năm 2014-2015, giá trị nhập khẩu máy móc, thiết bị từ thị trường này đạt khoảng 140 triệu USD, trong đó chủ yếu là máy kéo sợi (spinning), máy dệt (weaving) và máy dệt kim (knitting and hosiery).

Ông Trần Ngọc Lanh, đại diện Công ty C. Melchers & Co của Đức tại Việt Nam cho biết, xu hướng đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam ngày càng gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Theo đó, các giải pháp mới nhất trong lĩnh vực dệt may của Đức vừa được giới thiệu sẽ hỗ trợ phát triển công nghiệp sản xuất dệt may tại Việt Nam.

Trên thực tế, không ít doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã đầu tư trang thiết bị máy móc của Đức như Phong Phú, Việt Thắng, Hanosimex… Mặc dù chi phí cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với máy móc của Trung Quốc và các nước châu Á, nhưng hiệu quả mang lại rất lớn, bởi máy móc của Đức rất tiết kiệm năng lượng, tự động hóa cao, hỗ trợ đáng kể cho các doanh nghiệp trong bối cảnh giá nhân công ngày càng gia tăng.

Là đơn vị có tốc độ đầu tư mở rộng năng lực sản xuất cao trong những năm gần đây, với khoản vốn chi đầu tư cho năm 2015 - 2016 hơn 9.000 tỷ đồng, 32 dự án của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) hầu như đều chọn các thiết bị công nghệ từ các nước G7, trong đó rất nhiều thiết bị từ Đức.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Cao Hữu Hiếu, Trưởng ban Đầu tư của Vinatex cho biết, Tập đoàn luôn đặt mục tiêu đầu tư và phát triển bền vững, bởi vậy, thiết bị của các nhà sản xuất tại châu Âu như Đức, Bỉ… luôn được Tập đoàn ưu tiên cho các dự án đang triển khai.

Công nghệ máy móc dệt may của Đức được đánh giá có chất lượng tốt, nhưng giá thường đắt gấp đôi so với máy móc nhập từ một số nơi khác như Đài Loan, nên giải pháp của Vinatex là thông qua các triển lãm thiết bị dệt may quốc tế, tìm nhà cung cấp và đặt hàng cho vài dự án cùng lúc để giảm tối đa chi phí.

“Nếu mua nhiều, thì nhà cung cấp sẽ có chính sách giá mềm hơn, đồng thời, lợi thế từ mua số lượng máy móc thiết bị lớn cũng tạo điều kiện để Tập đoàn đàm phán trước với nhà cung cấp, chưa kể nhà cung cấp sẽ có những đợt giảm giá, nếu doanh nghiệp cam kết mua đúng đợt sẽ giảm được nhiều chi phí. Khi đó, Tập đoàn không chỉ mua cho 1 dự án, mà mua cho cả các dự án khác có tính chất tương đồng nhau”, ông Hiếu cho biết thêm.

Nút thắt nguyên phụ liệu làm khó ngành dệt may
Thiếu tự chủ về các nguyên phụ liệu quan trọng, đặc biệt là nguồn cung vải, bông xợi…tiếp tục là điểm nghẽn, kéo tụt hiệu quả hoạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư