Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Thiếu dự án lớn, vốn FDI vào Bình Dương chưa đạt kỳ vọng
Hồng Sơn - 31/07/2018 22:50
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online – Baodautu.vn, ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho biết, từ đầu năm đến nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Bình Dương đạt hơn 853 triệu USD, đạt 61% kế hoạch năm.

Một cách thẳng thắn, con số này là chưa đạt so với kỳ vọng của Bình Dương. Bởi, cùng thời điểm này của năm trước, số vốn FDI vào Bình Dương là gần gấp đôi. Trong cả năm 2017, Bình Dương thu hút được hơn 2 tỷ 808 triệu USD, gấp gần 2 lần so với kế hoạch năm. Đây cũng là cơ sở để Bình Dương đề ra kế hoạch của năm nay là thu hút vốn FDI là 1,4 tỷ USD.

Có một lý do khá dễ để thuyết phục, đó là, cùng thời điểm này của năm trước, Bình Dương đã thu hút được khá nhiều dự án FDI có quy mô vốn lớn.

Đáng chú ý nhất là Dự án của Tập đoàn Far Eastern (Đài Loan) đã đầu tư tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm 485,8 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may này tại Bình Dương là 760 triệu USD.

Ngoài ra, còn một số dự án lớn khác như, Dự án nhà máy sản xuất sợi lốp xe ô tô của Tập đoàn  Kolon (Hàn Quốc) có vốn đầu tư 220 triệu USD; Dự án nhà máy sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm dạng lỏng của Tập đoàn Tetra Pak (Singapore) có vốn đầu tư đăng ký 124 triệu USD…

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, các dự án FDI vốn lớn vào Bình Dương là không nhiều. Có quy mô vốn lớn, có thể kể đến 2 dự án kinh doanh dịch vụ logistics, bất động sản công nghiệp do Tập đoàn Tài chính Warburg Pincus (Hoa Kỳ) liên doanh cùng Becaxex Bình Dương đầu tư tại các khu công nghiệp Bàu Bàng và Mỹ Phước 3 có tổng vốn đăng ký là 135,2 triệu USD.

Sản xuất cà phê của Công ty Massimo (Italia) tại Bình Dương
Sản xuất cà phê của Công ty Massimo (Italia) tại Bình Dương

Cũng theo ông Trúc, lũy kế đến nay, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước (sau TP.HCM và Hà Nội) về thu hút vốn FDI với 3.397 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 30,95 tỷ USD.

Các ngành, lĩnh vực tỉnh Bình Dương có lợi thế được ưu tiên thu hút đầu tư như công nghiệp điện, điện tử, cơ khí, dược phẩm, hóa chất, thương mại dịch vụ,... tiếp tục được nhiều nhà đầu tư quan tâm, số lượt đoàn nhà đầu tư nước ngoài đến tỉnh tìm hiểu cơ hội đầu tư tăng cao so với các năm trước.

Một trong những vấn đề “nóng” được nhiều doanh nghiệp FDI chia sẻ tại buổi đối thoại với lãnh đạo tỉnh Bình Dương vừa được tổ chức, đó là quy định về thời gian làm thêm tối đa trong năm của người lao động.

Cụ thể, theo quy định của Bộ luật Lao động thì số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm.

Nhiều ý kiến của doanh nghiệp FDI cho rằng, quy định thời gian làm thêm hiện nay đã gây áp lực cho doanh nghiệp khi nhu cầu sản xuất ngày càng cao. Do đó, họ đề nghị tăng thời gian làm thêm tối đa nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp và một bộ phận không nhỏ người lao động có nguyện vọng tăng ca để tăng thu nhập.

Một vấn đề cũng được doanh nghiệp FDI tại Bình Dương quan tâm là thực hiện bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế với lao động người nước ngoài. Theo Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn chi tiết nên quy định này vẫn chưa được áp dụng. Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, không nên bắt buộc đóng loại bảo hiểm này với người nước ngoài…

Chia sẻ với các doanh nghiệp FDI, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, nhiều vấn đề mà doanh nghiệp nêu đã được luật hóa và không thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh. Tuy nhiên, các vấn đề này sẽ được Bình Dưng ghi nhận và tổng hợp, báo cáo kịp thời lên cấp có thẩm quyền.

“Bình Dương cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp FDI”, ông Liêm nhấn mạnh và cho biết, nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài tiếp tục chọn lựa Bình Dương để đầu tư là tín hiệu tốt trong thu hút đầu tư, chứng tỏ môi trường đầu tư của tỉnh là điểm đến hấp dẫn.

Cũng theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, Bình Dương đã thu hút 5 tỷ 781 tỷ USD vốn FDI, đạt 82,6% kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2016-2020, Bình Dương đề ra thu hút 7 tỷ USD). Với đà thu hút vốn đầu tư nước ngoài như hiện nay, kỳ vọng sẽ sớm đạt và vượt chỉ tiêu thu hút vốn FDI mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X đã đề ra.

Kết quả chấm thầu gói thầu cầu Bến Tăng (tỉnh Bình Dương): Chấm dứt những lình xình
UBND huyện Phú Giáo (Bình Dương), chủ đầu tư Dự án Xây dựng cầu mới Bến Tăng, vừa chính thức có văn khẳng định việc chấm thầu tại đây là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư