Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thiếu khung pháp lý, fintech cho vay đứng trước nguy cơ phá sản
T.L - 18/07/2023 07:56
 
Trong khi nhiều nước trên thế giới đã có khung pháp lý để điều chỉnh hoạt động của fintech, trong đó có mảng cho vay, thì tại Việt Nam, các fintech vẫn dài cổ ngóng đợi khung chính sách. Cũng vì vậy, thị trường rơi vào cảnh vàng thau lẫn lộn, phát sinh nhiều hệ lụy xấu.
f
Nhu cầu vay vốn ngắn hạn rất lớn trong xã hội.

Nhu cầu vốn luôn nóng

Chị Nguyễn Xuân (30 tuổi), chủ một cửa hàng kinh doanh buôn bán nhỏ tại quận 3 (TP.HCM) cho hay, mỗi lần nhập hàng mới chị đều cần một khoản tiền 20-30 triệu đồng. Trong khi đó, em trai chị Xuân đang là sinh viên, muốn mua điện thoại cũng cần một vay trả góp khoảng 10 triệu đồng. Nhu cầu vay vốn để đầu tư hay tiêu dùng như hai chị em Xuân rất phổ biến trong xã hội và đều đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP. Tuy vậy, những người như chị Xuân và em trai không dễ vay vốn ngân hàng, dù nhu cầu vay vốn là có thật.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đến ngày 30/6/2023 tăng 4,73%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Tín dụng tăng chậm, ngoài nguyên nhân do cầu tín dụng giảm mạnh bởi doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng là còn do nhiều khách vay không đáp ứng được điều kiện vay vốn ngân hàng.

Vì vậy, để thúc đẩy tăng trưởng GDP, bên cạnh kênh cung ứng vốn truyền thống là ngân hàng thì cần thêm các kênh cung ứng vốn khác phục vụ khách hàng “dưới chuẩn”, trong đó có các công ty tài chính, các công ty P2P lending, cầm đồ, fintech cho vay… Mặc dù lãi suất cho vay của các công ty này cao hơn nhiều so với lãi suất của ngân hàng thương mại, song lại thấp hơn nhiều lãi suất tín dụng đen.

Điều này cũng lý giải vì sao dù fintech xuất hiện chưa lâu tại thị trường Việt Nam, nhưng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Chưa có các số liệu cập nhật, song theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2020, đã có 4,8 triệu người đăng ký vay vốn qua các nền tảng P2P lending, doanh số giải ngân lên tới 93.000 tỷ đồng.

Lý giải lãi suất cao của fintech

Thời gian gần đây, Bộ Công an ra quân trấn áp các đường dây cá nhân cho vay nặng lãi lẫn các tổ chức cho vay có lãi suất cao. Tâm lý chây ỳ trả nợ của người vay cũng lan rộng, kể cả vay vốn của công ty tài chính lẫn fintech. Nợ xấu gia tăng, nhiều nhân viên công ty fintech bị quy vào hành vi khủng bố khách hàng. Từ đây, lãi vay và phí của các công ty cho vay được mang ra mổ xẻ, làm dư luận xôn xao.

Vậy đâu là lý do khiến lãi vay của các fintech cao hơn nhiều lãi vay của ngân hàng thương mại? Trao đổi với phóng viên, đại diện một fintech cho hay, các công ty fintech thường giải ngân các món vay nhỏ (từ 1 triệu đến 15 triệu đồng), do giá trị khoản vay nhỏ nên tỷ lệ của chi phí vận hành cố định so với số tiền vay, có thể lên tới 35%, khiến lãi vay bị đội lên.

Đơn cử, để giải ngân cho khách hàng một khoản vay có nợ gốc 5 triệu đồng, dù cho vay trong vài ngày hay 3 tháng, thì fintech cũng phải chi trả chi phí cố định sau: Chi phí giải ngân và trả nợ mỗi khoản vay tối thiểu khoảng 30.000 đồng, chi phí kiểm tra thông tin tín dụng và KYC ít nhất 60.000 đồng (gói thấp nhất), chi phí thẩm định đầu vào 100.000 đồng, chi phí tiếp thị - bán hàng khoảng 300.000 đồng, chi phí quản lý rủi ro sản phẩm tín chấp cũng cao hơn thế chấp, ở mức 8-12% giá trị khoản vay. Chưa kể các chi phí quản lý chung như kế toán, thuế, quản lý chưa phân bổ thì trên kỳ hạn 1 tháng chi phí vận hành trên khoản vay chiếm từ 25-35% giá trị của nợ gốc.

Do đó, để có lợi nhuận cho các kỳ hạn càng ngắn và kinh doanh hiệu quả các đơn vị thường có mức lãi và phí cao hơn so với chi phí vận hành. Nếu khách hàng trả đúng hạn thì con số tiền phải đóng, theo tỷ lệ của khoản vay (có giá trị nhỏ, từ vài triệu đến tối đa 20 triệu) sẽ không cao, phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng. Trong trường hợp, khách hàng chây ỳ trả nợ, để thời hạn vay kéo dài qua nhiều tháng thậm chí nhiều năm thì phí phạt trễ hạn, lãi suất cộng dồn có thể lên tới hàng trăm phần trăm.

Thực tế, ngay tại ngân hàng thương mại, mức lãi suất nếu khách hàng rút tiền mặt, vay tín chấp bằng thẻ tín dụng cũng rất lớn (mức phí, lãi này do các tổ chức thẻ quốc tế như Visa, Masercard quy định). Cụ thể, hiện nay, phí rút tiền mặt thông qua thẻ tín dụng quốc tế (không có tài sản thế chấp), các ngân hàng đang áp dụng ở mức 4%, tương đương mức xấp xỉ 50%/năm. Ngoài ra, lãi suất vay qua thẻ tín dụng cũng lên tới 45-50%/ năm.

Rõ ràng, với mức độ rủi ro của loại hình cho vay tín chấp và với đặc thù chi phí vận hành cao của fintech, việc đòi hỏi có mức lãi suất cho vay ngang ngửa lãi suất ngân hàng thương mại là rất khó xảy ra. Đây cũng là lý do nhiều fintech phải cộng thêm nhiều loại phí như phí thẩm định hồ sơ, phí tư vấn, phí bảo hiểm khoản vay… để bù vào chi phí rủi ro và để giữ mức lãi suất theo đúng quy định không vượt quá 20%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Cần sớm ban hành khung pháp lý cho fintech

Hiện nay, Cơ quan Giám sát tài chính Vương quốc Anh (FCA) đưa ra quy định mức trần lãi suất cho các khoản vay theo ngày không được vượt quá 0.8%/ ngày (tương đương 292%/năm) và giới hạn mức lãi và phí người vay phải trả không được vượt quá 100%, tức là không cao hơn số tiền vay ban đầu.

Tại Mỹ, hầu hết các bang không khống chế về lãi suất mà do sự điều tiết của thị trường, phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế cũng như điều kiện tín dụng của cá nhân người vay. Lãi suất của một số khoản vay có thể lên tới 600%. Kèm theo đó, Đạo luật Trung thực trong cho vay (Truth in Lending Act) của Mỹ yêu cầu các công ty tài chính phải cung cấp đầy đủ và minh bạch thông tin về lãi suất, các khoản phí và điều kiện vay cho khách hàng.

Hiện trên thế giới, nhiều quốc gia đã ban hành hành lang pháp lý để điều chỉnh với thị trường fintech, trong đó quy định rõ về các mức lãi suất tối đa và có những yêu cầu nghiêm ngặt về điều kiện tham gia thị trường.

Tại Việt Nam, hiện nay các fintech cho vay trên thị trường đang trong cảnh vàng thau lẫn lộn, các fintech cho vay được cấp phép bị đánh đồng với một số ứng dụng cho vay tín dụng đen biến tướng. Trong khi đó, khung pháp lý thử nghiệm về fintech (sandbox) được Ngân hàng Nhà nước dự thảo từ lâu song vẫn chưa được ban hành khiến cả bên vay lẫn bên cho vay đứng trước nhiều rủi ro. Năm 2022, nhiều doanh nghiệp P2P lending đã rơi vào tình cảnh phá sản, gây hệ lụy xấu trong xã hội. Năm 2021, Tập đoàn công nghệ NextTech cũng đã phải dừng hoạt động dự án cho vay ngang hàng (cho vay cá nhân) bởi không chờ được hành lang pháp lý ra đời.

"Doanh nghiệp trong nước không dám hoạt động khi không có hành lang pháp lý bảo vệ hoạt động cho vay ngang hàng", ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech khi đó lý giải. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên sớm nghiên cứu bài học kinh nghiệm của nhiều quốc gia để ban hành sandbox về fintech, bởi nhu cầu xã hội đối với những khoản vay nhỏ rất lớn.

Với 70% dân số sử dụng internet, tỷ lệ lớn dân số dùng điện thoại thông minh, điểm Fintech xếp hạng 70 thế giới (tính ở thời điểm năm 2021), giá trị giao dịch trên thị trường fintech tăng nhanh từ 4,4 tỷ USD năm 2017 lên tới 12,9 tỷ USD năm 2021…  Việt Nam đang là thị trường rất tiềm năng cho các doanh nghiệp Fintech hợp pháp, nếu hành lang pháp lý trở nên rõ ràng hơn. 

Khung khổ pháp lý mới chỉ đáp ứng một phần cho fintech
Thị trường công nghệ tài chính (fintech) Việt tăng trưởng nóng, song nút thắt về chính sách trong bối cảnh tài chính căng thẳng vẫn chưa được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư