Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thiếu lao động, doanh nghiệp khó hồi phục
Hồng Phúc - 17/10/2021 10:23
 
Lao động, vốn, sự năng động, linh hoạt của chính quyền địa phương là 3 yếu tố then chốt quyết định kế hoạch và tốc độ phục hồi của doanh nghiệp. Vấn đề lo nhất là lao động thiếu hụt.
Công nhân may tại Công ty cổ phần Quốc tế Dony
Công nhân may tại Công ty cổ phần Quốc tế Dony.

Sẵn sàng thích ứng linh hoạt

Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” vừa được Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết 128/2021/NQ-CP đã xác định rõ chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021. Các chỉ thị 15/2020/CT-TTg, 16/2020/CT-TTg, 19/2020/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid-19… tạm thời sẽ không áp dụng.

Tất nhiên, Bộ Y tế sẽ còn việc cần làm ngay là hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch, làm cơ sở cho các địa phương quyết định chuyển cấp độ, nhưng nguyên tắc là áp dụng thống nhất trong toàn quốc được xác định rõ. Với nguyên tắc này, các địa phương có thể linh hoạt áp dụng những biện pháp bổ sung cụ thể, nhưng không trái với quy định của Trung ương và đặc biệt là không được gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân.

Như vậy, lo ngại lớn nhất của doanh nghiệp khi cân nhắc việc mở cửa trở lại đã có lời giải.

Song, ông Trần Anh Vương, Chủ tịch Tập đoàn Bắc Việt vẫn nhắc lại tình hình của “vài ngày trước”, khi đi làm việc ở các địa phương, nhiều nơi vẫn chốt chặn, vẫn theo chính sách “zero Covid-19”. “Doanh nghiệp vào trạng thái bình thường mới ngay hay không, phụ thuộc rất lớn vào thực thi chính sách của các cấp chính quyền địa phương”, ông Vương thẳng thắn.

Trong buổi tiếp xúc cử tri mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM thừa nhận, Thành phố đón một lượng lớn người lao động đến góp phần xây dựng, phát triển thành phố, nhưng việc chăm lo cho họ chưa có sự đầu tư đúng mức. Không còn là những chủ trương “sẽ thực hiện tốt hơn trong thời gian tới”, mà cụ thể trong tuần này, Thường trực UBND Thành phố sẽ nghe các ngành chức năng trình kế hoạch phát triển 1 triệu căn nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp.

Đặc biệt, vì là quy định tạm thời, các doanh nghiệp cho rằng, có thể họ cũng phải chờ đợi, tiến hành mở cửa từng bước một.

Đây là lý do bà Cao Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) liên tục đề xuất về một chiến lược dài hạn ở tầm vĩ mô và đồng bộ trong công tác phòng chống dịch.

“Đã đến lúc phải có chiến lược dài hạn và tầm quốc gia với nhiều kịch bản ứng phó ở các cấp độ khác nhau, mang tính đồng bộ”, bà Dung nói trong nhiều cuộc làm việc với lãnh đạo TP.HCM, cũng như với lãnh đạo Nhà nước.

Cùng với đó, bà Dung đề nghị, triển khai xuyên suốt đến các địa phương, nhằm giúp địa phương, người dân và doanh nghiệp bình tĩnh, chủ động trong ứng phó, tạo thành một thể thống nhất, tránh cát cứ, lúng túng như thời gian vừa qua.

“Trên cơ sở hướng dẫn chung, doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm trong việc phòng chống dịch. Chính phủ cần tung nhanh các gói kích thích kinh tế để tăng tổng cầu, giúp doanh nghiệp phục hồi, nhất là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ”, bà Dung đề xuất.

Thậm chí, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đề nghị dồn nguồn hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp này. Các doanh nghiệp quy mô lớn, nếu cân đối được tài chính sẽ đăng ký không giãn thuế, miễn thuế.

“Vì ngân sách khiêm tốn, không thể hỗ trợ theo kiểu đại trà được”, ông Thành lý giải.

Khó giải bài toán thiếu lao động

Trong khi vốn không phải là bài toán khó nhất với các doanh nghiệp quy mô lớn khi bàn về kế hoạch mở cửa, phục hồi, thì ông Đặng Văn Thành và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đang lo lắng việc thiếu hụt nhân lực.

Sau làn sóng dịch bệnh lần thứ tư, tỷ lệ lao động về quê tăng mạnh. Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, có hơn 2 triệu trong tổng số 3,5 triệu người từ các tỉnh, thành phố trong cả nước đang làm việc tại TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai có nguyện vọng về quê. Đó là chưa tính đến hàng vạn người đã về quê trong đợt dịch vừa qua.

Nếu tình trạng này tiếp diễn, không có giải pháp kịp thời, nhiều doanh nghiệp cho biết, máy móc, nhà xưởng đều trở nên vô nghĩa vì doanh nghiệp như một động cơ không đủ nhiên liệu.

“Hơn 3 tháng trời, chúng tôi duy trì nhà máy đường Biên Hòa, không để đứt gãy sản phẩm thiết yếu. Doanh nhân chúng tôi là lực lượng gián tiếp, còn công nhân lao động mới là người trực tiếp tạo ra của cải trong xã hội. Nếu thiếu lực lượng này, sẽ rất khó phục hồi hoạt động doanh nghiệp”, ông Đặng Văn Thành lo ngại.

Theo ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch U&I, nhiều người lao động không thấy được nơi họ kiếm sống là quê hương thứ hai. Thành quả từ nguồn lao động giá rẻ này chưa được tái phân bổ hợp lý cho các phúc lợi tối thiểu, từ nơi ăn chốn ở đến chế độ y tế, trường học cho con cái.

Như vậy, "an cư lạc nghiệp" là việc phải giải quyết, không thể tiếp tục né tránh. Ông Tín hoàn toàn đồng ý với đề xuất sửa Luật Đất đai để có cơ chế thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, phát triển nhà ở cho công nhân. Nhưng có chỗ ở vẫn chưa đủ.

“Chúng ta có thể làm gì để những người nghèo nhất và con em của họ được học hành miễn phí nhằm có cơ hội kiếm sống tốt hơn? Liệu chúng ta có thể dạy cho họ các kỹ năng cần thiết, thậm chí là dạy ngoại ngữ miễn phí hay không? Làm sao để họ có thể học bất kỳ lúc nào, ở đâu, chỉ bằng điện thoại và Internet miễn phí, có thi cử và được cấp chứng chỉ, để vươn lên không?”, ông Tín trăn trở vì giáo dục là chìa khóa thoát nghèo bền vững nhất.

Khi con em người lao động có cơ hội sáng sủa hơn, những bậc cha mẹ sẽ có lý do để cố gắng trụ được ở quê mới, mà không phải đau đớn bỏ về quê hương với gần như là hai bàn tay trắng.

Tất nhiên, đây là bài toán dài hạn. Nhiều doanh nghiệp đang lo, khả năng sẽ thiếu hụt lao động từ nay cho đến Tết Nguyên đán 2022. Trước mắt, để mời gọi người lao động trở lại Thành phố, ông Đặng Văn Thành nghĩ đến giải pháp hợp tác giữa doanh nghiệp và Nhà nước, đó là làm việc với các nhà trọ, hỗ trợ miễn hoặc giảm chi phí thuê trọ (khoảng 50%) trong 3 tháng tới.

Tỷ lệ thất nghiệp chưa lột tả hết bức tranh thị trường lao động
Ở nhiều nước trên thế giới, thất nghiệp không phải là vấn đề quá quan trọng mà vấn đề quan trọng nằm ở chỗ thiếu việc và tỷ lệ lao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư