Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thời COVID-19, kích hoạt chế độ sinh tồn nhưng không đánh mất tầm nhìn dài hạn
Hải Yến - 04/04/2020 11:41
 
Ẩn mình sống chậm lại trong cơn bão đại dịch nhưng cũng luôn quan sát để nắm bắt sự thay đổi về thói quen tiêu dùng của khách hàng. “Càng nhanh nhạy thích nghi, doanh nghiệp càng có cơ hội chuyển mình sau cơn khủng hoảng", bà Nguyễn Diệu Cầm, Tổng giám đốc Công ty T&A Ogilvy nhận định.
.
Nguyễn Diệu Cầm - Tổng giám đốc Công ty T&A Ogilvy.

Virus tấn công, doanh nghiệp khởi động “chế độ sinh tồn"

Với gần 100 triệu dân, tăng trưởng GDP ổn định nhiều năm liền và dân số trẻ chiếm phần lớn, Việt Nam vươn lên trở thành một trong những thị trường tiềm năng hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Nền kinh tế vốn đang nhiều triển vọng thì “cơn bão” mang tên Covid-19 ập tới. 

Theo ước tính, do ảnh hưởng của Covid-19, doanh thu từ lĩnh vực du lịch có thể thiệt hại 2,5-3 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,5 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Các ứng phó của Chính phủ để ngăn chặn dịch bệnh như dừng xuất nhập cảnh hay “cách ly toàn xã hội” 15 ngày từ 1/4… là sẽ có những tác động vào các hoạt động kinh tế. Ở góc nhìn vi mô, chỉ việc người dân hạn chế di chuyển cũng đã khiến từ doanh nghiệp lớn đến gánh hàng rong “nghẹt thở”. Tất cả buộc phải bật lên “chế độ sinh tồn" - đóng cửa văn phòng, cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô...

Tại hội thảo trực tuyến với chủ đề về thách thức cho đầu tư tại Việt Nam - “Set in Vietnam”, tổ chức bởi WeWork gần đây, bà Nguyễn Diệu Cầm - Tổng Giám đốc Công ty T&A Ogilvy chia sẻ, bóng đen vẫn đang phủ lên nền kinh tế toàn cầu, ngay cả lĩnh vực công nghệ, truyền thông - các ngành được cho là ít chịu tác động nhất bởi Covid-19 cũng tổn hại đáng kể. Hàng loạt sự kiện và diễn đàn công nghệ quy mô lớn như Triển lãm Di động Toàn cầu, Hội nghị Tiếp thị Toàn cầu... bị huỷ, đình trệ hàng trăm cơ hội hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Ngân sách tiếp thị bị thu hẹp kéo theo sự giảm tốc của tăng trưởng chi tiêu quảng cáo. Theo Cục Quảng cáo Tương tác Úc (IAB Australia), 70% doanh nghiệp đã quyết định dừng hoặc điều chỉnh ngân sách tiếp thị.

“Bão
“Bão" Covid-19 khiến doanh nghiệp phải kích hoạt chế độ làm việc từ xa

Giữ tầm nhìn xa trong cơn bão, doanh nghiệp có thể hoá nguy thành cơ

Trong thập kỷ vừa qua, bức tranh tổng thể về kỹ thuật số, phương tiện truyền thông ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Với hơn 150 triệu kết nối di động cho 100 triệu dân, tỷ lệ kết nối Internet hơn 70% và sự trỗi dậy của các nền tảng trực tuyến, Việt Nam luôn sẵn sàng cho việc thích ứng với sự thay đổi. 

“Với sự bùng nổ của các dịch vụ trên ứng dụng di động và thương mại điện tử, chúng ta có thể thấy sự chuyển mình mạnh mẽ từ offline sang online tại Việt Nam. Người Việt giờ đây có thể thoả mãn mọi nhu cầu mà không cần di chuyển, từ giao hàng, đặt món, thanh toán đến giải trí và tìm kiếm bạn bè... Không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, các nền tảng trực tuyến còn trở thành kênh mới cho việc hợp tác thương hiệu, ra mắt các gói sản phẩm, dịch vụ đa dạng, độc đáo”, bà Diệu Cầm cho biết. “Và đây chính là nơi mở ra cơ hội, vì nền tảng trực tuyến và số hoá là tương lai của nền kinh tế trong thời đại 4.0. Giữa tâm bão, doanh nghiệp với tốc độ xoay chuyển nhanh, đưa ra những chiến lược thật sự phù hợp với bối cảnh thị trường, đều sẽ sớm nhìn thấy những kịch bản tươi sáng”, bà nhận định.

Trong Covid-19, đã xuất hiện làn sóng các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động trực tuyến. Vốn tự tin có thể sống khỏe nhờ các hoạt động bán lẻ trực tiếp, nhiều đơn vị nay không ngừng sáng tạo các phương thức kinh doanh online. Theo Nielsen, về phía khách hàng, hơn 50% người tiêu dùng giảm tần suất ghé siêu thị, chợ, cửa hàng tạp hoá và 25% tăng các hoạt động mua sắm trực tuyến. Theo đó, kết nối doanh nghiệp với người dùng, nhiều sự kiện, hoạt động truyền thông đã hoàn toàn được số hoá qua các phương thức phát sóng trực tiếp, tương tác online. Ví dụ, Covid-19 ‘ép buộc' một cách tự nhiên các gia đình và con trẻ trải nghiệm học online toàn phần, nhờ vậy một trong những nền tảng học - họp trực tuyến như Zoom tăng trưởng phi mã 100% chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020. Thánh địa thuật cổ điển hàng đầu thế giới như nhà hát Bolshoi (Nga) đã ‘đưa nhà hát đến nhà bạn' bằng việc công diễn các show diễn kinh điển trên nền tảng Youtube, như một cách cổ vũ cộng đồng thời đại dịch và cũng đo mức độ quan tâm của khán giả toàn cầu khi theo dõi trực tuyến các vở opera, ballet nổi tiếng thế giới, trước giờ luôn kín khách xem trực tiếp dù mức giá luôn ở mức 15,000-20,000 Ruble (US$200-300) mỗi vé. Các chương trình công diễn online này đều thu hút hàng triệu views. Thử nghiệm mới mẻ này có thể là một gợi ý cho sự ra đời của các nền tảng ‘đi concert online', khán giả ngồi ở Việt Nam có thể theo dõi ballet tận Moscow hay Vienna chỉ với 1 chiếc laptop hoặc 1 chiếc kính 3D với mức giá dễ thở hơn nhiều so với xem trực tiếp.

Trước bối cảnh hiện tại, T&A Ogilvy cũng đã triển khai các hoạt động thúc đẩy kinh doanh liên tục, nhằm giúp các thương hiệu đối tác tiếp nối các hoạt động truyền thông, quảng cáo. Qua đó, đối tác có thể duy trì hoạt động kinh doanh một cách suôn sẻ, hạn chế tối đa tổn thất trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh. 

Cụ thể, một đội ngũ lãnh đạo đã được lập để đảm bảo vận hành công ty, tuân thủ các quy chuẩn toàn cầu. Nhân viên công ty sớm ứng dụng các phương tiện công nghệ để làm việc, giao tiếp từ xa.

Là một công ty dịch vụ truyền thông hướng về đối tác, T&A Ogilvy cũng ưu tiên hỗ trợ các thương hiệu đối phó các quyết định dừng, hoãn kế hoạch hoặc bổ sung, chỉnh sửa kế hoạch tiếp thị của họ. Đội ngũ chuyên gia của công ty đang trong giai đoạn hoàn thiện một giải pháp thiết kế riêng cho các khách hàng quy mô lớn. Hơn hết, công ty chú trọng tính linh hoạt và thích nghi để đương đầu với những tình huống chưa thể lường trước.

“Trong thời Covid-19, chúng ta kích hoạt chế độ sinh tồn nhưng không thể đánh mất tầm nhìn dài hạn. Chúng tôi phải quan tâm sâu sát hơn tới khách hàng, ở bên họ trong cả những thời điểm khó khăn. Đồng thời, chúng tôi cũng cần hiểu những thay đổi trong nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng để đưa ra các giải pháp thích ứng sáng tạo và nhanh chóng. Bên cạnh đó, công ty sẽ cùng tạo ra những điều ‘bình thường mới’, như là các dịch vụ phát trực tiếp, những sự kiện trực tuyến… và không quên sẵn sàng cho các thách thức có thể đến bất kỳ lúc nào”, bà Diệu Cầm nói về những bài học của doanh nghiệp sau dịch bệnh.

Trong một kịch bản lạc quan nhất, Việt Nam có thể kỳ vọng vào việc tình hình dịch bệnh sẽ được kiểm soát sớm, kinh doanh trong nước sẽ bắt nhịp trở lại trong nửa cuối năm. 

Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng giãn thanh tra các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19
Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng sẽ giãn thanh tra theo kế hoạch đối với các đơn vị bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; cũng như sẽ hỗ trợ,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư