Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
Thời của “bác sỹ AI”
Tú Ân - 07/11/2023 08:22
 
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực y tế là trợ thủ đắc lực cho các bác sỹ và bệnh viện trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe.

 

Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong y tế

Vô vàn ứng dụng AI trong khám chữa bệnh

Trong Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023) tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), những ứng dụng AI lĩnh vực y tế giới thiệu tại đây đã cho thấy xu hướng này ngày càng lan rộng.

Chẳng hạn, robot mổ não Modus V Synaptive - ứng dụng AI trong phẫu thuật các bệnh lý thần kinh, sọ não, cột sống của hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cùng Viện nghiên cứu Tâm Anh đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Chỉ trong thời gian ngắn, Bệnh viện Tâm Anh đã phẫu thuật thành công cho 90 ca bệnh u não, u cột sống, đột quỵ, xuất huyết não nguy hiểm bằng Robot Modus V Synaptive. Hay như mô hình “Shape-Based Algorithm- SBA” ứng dụng AI tự động chẩn đoán gãy xương đốt sống đạt độ chính xác 92-98%.

Bệnh viện Tâm Anh còn kiến tạo phương pháp “xBMD”, dựa vào AI để tiên lượng mật độ xương từ phim X-quang. Phương pháp xBMD có thể chẩn đoán loãng xương chính xác đến 95%.

Tại VIIE 2023, VinBrain cũng trình làng ứng dụng của AI và thị giác máy tính trong chẩn đoán và điều trị. DrAid™ AI là một giải pháp đột phá, giúp rút ngắn khoảng cách giữa các bác sỹ, giảm khả năng mắc sai lầm trong chẩn đoán, cải thiện tính chính xác và tăng cường hiệu suất tổng thể. Nền tảng AI này đã tiếp sức cho cuộc chiến chống lại 10 loại ung thư dễ mắc và gây tử vong hàng đầu, với chức năng sàng lọc để phát hiện sớm và phân đoạn tự động các khối u có kích thước dưới 5mm, mà trong thực tế thường bị bỏ sót bởi mắt thường. Với 6 giải pháp về chẩn đoán và điều trị, nền tảng DrAid™ AI đã được triển khai tại 175 bệnh viện và có hơn 350.000 hình ảnh y tế được tải lên hàng tuần. 

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng giới thiệu tới diễn đàn ứng dụng AI trong sàng lọc và chẩn đoán các bệnh liên quan tới gene như Thalassamia, hội chứng Down, 5 bệnh ung thư thường gặp tại Việt Nam. Phần mềm AI tự động này phân tích dữ liệu giải mã gene ứng dụng trong chẩn đoán và tiên lượng điều trị ung thư. Phần mềm được xây dựng cho 5 bệnh ung thư thường gặp là ung thư phổi, gan, vú, tuyến giáp và đại trực tràng. Giao diện phần mềm phân loại từng bệnh ung thư với các tính năng giới thiệu bệnh học dịch tễ dữ liệu gen, thuốc điều trị đích, các phương pháp điều trị. 

Hay như phần mềm ứng dụng AI trong phát hiện tổn thương đường tiêu hóa. Việt Nam có dân số đông, gánh nặng bệnh về tiêu hóa nhiều, số lượng bác sỹ nội soi mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của 5 - 10% dân số. Trong khi số ca nội soi tại những trung tâm lớn có thể lên tới 400 - 500 ca mỗi ngày.

Nguy cơ bỏ sót tổn thương, chất lượng nội soi không đảm bảo và nguy cơ nhiễm khuẩn rất lớn. Theo ghi nhận, đối với tổn thương đường tiêu hóa trên như ung thư thực quản, dạ dày… tỷ lệ bỏ sót là 11,3%. Ung thư đại tràng, tỷ lệ bỏ sót polyp/adenoma (tổn thương tiền ung thư) là 20 - 47%... Khi sử dụng AI trong nội soi, khả năng phát hiện polyp đạt tới trên 95%.

Theo Residence Research, năm 2022, thị trường AI trong chăm sóc sức khỏe toàn cầu đạt 15,1 tỷ USD, dự kiến ​​đạt 20,65 tỷ USD trong năm 2023 và lên hơn 100 tỷ USD vào năm 2028. Tính đến tháng 8/2023, có hơn 21.510 sáng chế ứng dụng công nghệ AI phục vụ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã đăng ký bảo hộ trên thế giới.

Tại Việt Nam, theo cơ sở dữ liệu WIPO Publish của Cục Sở hữu trí tuệ, có 33 sáng chế, giải pháp hữu ích đề cập đến ứng dụng công nghệ AI trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe được đăng ký bảo hộ. Phần lớn sáng chế, giải pháp hữu ích ứng dụng AI trong hệ thống hỗ trợ phân tích và chẩn đoán bệnh, robot y tế, thiết bị thông minh hỗ trợ theo dõi sức khỏe, hệ thống hỗ trợ chăm sóc và trị liệu cho bệnh nhân...

Cần nhiều hơn “bác sỹ AI”

Có thể thấy, ứng dụng AI trong việc khám, chữa bệnh đang là xu thế chung của thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ngành y tế đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ AI giúp cải thiện và nâng cấp các hoạt động chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Những cải tiến mới của các thiết bị AI sẽ bổ sung và hoàn thiện cơ sở vật chất cho bệnh viện, giảm đáng kể khối lượng công việc cho bác sỹ, đồng thời tăng số lượng bệnh nhân được chữa trị.

Theo PGS-TS. Trần Quang Bính, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, các bệnh viện ở Việt Nam thường quá tải, bác sỹ phải làm việc với cường độ cao, có thể ảnh hưởng tới chất lượng công việc. AI giúp giảm áp lực cho bác sỹ, hạn chế tối đa sai sót. Tuy nhiên, AI không thay thế bác sỹ, mà là công cụ đắc lực, làm tăng độ chính xác của chẩn đoán, đánh giá toàn diện, không bỏ sót và rút ngắn thời gian.

 

Theo ông Trương Quốc Hùng, Tổng giám đốc VinBrain, trong 5-10 năm tới, AI sẽ thay thế con người trong các công việc lặp lại, hỗ trợ trong công việc cần sự đồng cảm và thể hiện vai trò tích cực hơn trong các nhóm công việc yêu cầu tối ưu và sáng tạo cao.

CEO của VinBrain cũng đề xuất lộ trình chuyển đổi số toàn diện trong quản lý y tế, đặc biệt là quản lý bệnh viện. Mục tiêu là biến đổi dữ liệu y tế thô thành tri thức có giá trị và tận dụng chúng để đưa ra những hiểu biết và phân tích dự đoán.

Còn  PGS-TS. Phạm Thị Thu Hiền, khoa kỹ thuật y sinh (Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, AI đang dần thay đổi bức tranh toàn cảnh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và các nghiên cứu trong y sinh học. Với những tiến bộ gần đây trong việc thu thập dữ liệu số hóa, hạ tầng máy học và máy tính, AI đang mở rộng sang các lĩnh vực mà trước đây chỉ dành cho chuyên gia y tế như chuẩn đoán những bệnh hiếm gặp, tìm ra lỗ hổng trong chăm sóc y tế, giảm chi phí cho bệnh nhân. Trong tương lai, sử dụng AI trong ngành y tế sẽ phổ biến, tương tự công nghệ thông tin đang thay bệnh án giấy.

Ở góc độ khác, PGS-TS. Nguyễn Thị Trang, Phó tổng thư ký Hội Di truyền y học Việt Nam cho rằng, nước ta mới có 8 bác sỹ/10.000 dân - thấp nhất tại Đông Nam Á. Với tốc độ đào tạo hiện nay, cần 75 năm mới có thể bắt kịp Singapore, hiện có 23 bác sỹ/10.000 dân. Ngoài ra, tại Việt Nam, sự mất cân bằng về trình độ giữa các bệnh viện địa phương, tuyến xã, huyện, tỉnh so với bệnh viện trung ương vẫn còn lớn, nên sử dụng công nghệ số với nòng cốt là dữ liệu và AI để xây dựng y tế thông minh được coi là chiến lược quốc gia trong phát triển y tế. Các công nghệ số phân tích dữ liệu được ứng dụng phát triển các giải đáp, chẩn đoán bệnh sớm, chi phí thấp và dễ dàng tiếp cận người dùng với quy mô lớn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư