Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 22 tháng 01 năm 2025,
Thời của tổng sản phẩm dữ liệu - Gross Data Product
Hoàng Phi (NCĐT) - 22/09/2019 13:39
 
Harvard Business Review (HBR) đưa ra một nhận định “Tổng sản phẩm dữ liệu - Gross Data Product - sẽ trở thành GDP mới”.
Dữ liệu có trở thành mỏ vàng mới của nền kinh tế số.
Dữ liệu trở thành mỏ vàng mới của nền kinh tế số

Mới đây, Harvard Business Review (HBR) vừa công bố Chỉ Dễ dàng kinh doanh số (Ease of Doing Digital Business - EDDB) 2019, xếp hạng 42 quốc gia về mức độ dễ dàng khi thực hiện việc kinh doanh công nghệ số tại đây. Tuy rằng mọi doanh nghiệp hiện nay đều ít nhiều áp dụng công nghệ, nhưng thuật ngữ “kinh doanh số” ở đây chỉ nhắm đến những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh cốt lõi dựa trên một nền tảng công nghệ trực tuyến.

Theo định nghĩa sẽ có 4 loại nền tảng: Các nền tảng thương mại trực tuyến Amazon, eBay; Các nền tảng truyền thông số YouTube, Netflix; Các nền tảng kinh tế chia sẻ Grab, Airbnb; Các nền tảng freelancer trực tuyến Upwork, Toptal. Sau đây là những điểm quan trọng rút ra được từ báo cáo của HBR.

Việt Nam không được xếp hạng

Trong 42 quốc gia được xếp hạng, có Singapore (hạng 13), Thái Lan (hạng 33), Philippines (hạng 34), Malaysia (hạng 36), Indonesia (hạng 41) - 5 nước nằm trong khu vực Đông Nam Á, nhưng lại không có Việt Nam. Theo mô tả của HBR, 42 quốc gia được xếp hạng phải thỏa mãn đủ 2 điều kiện: là thành phần quan trọng của kinh tế số toàn cầu; và thu thập được một bộ dữ liệu nhất quán về các chỉ số.

Về tiêu chí thứ nhất, quy mô nền kinh tế Việt Nam (xét bằng chỉ số GDP) hiện tại không bằng 5 quốc gia trên, Việt Nam cũng chưa có startup tỷ USD nào trong khi Indonesia có 4, Singapore có 2. Tuy nhiên, xét về giá trị thị trường kinh tế số, Việt Nam hiện đứng thứ 4 Đông Nam Á - hơn Malaysia và Philippines, tương lai có thể đứng thứ 3 - chỉ thua Indonesia và Thái Lan. Việt Nam cũng hội tụ đầy đủ các ông lớn kinh tế số toàn cầu như Google, Microsoft, Amazon, nên không thể nói Việt Nam không có tầm ảnh hưởng đối với kinh tế số toàn cầu.

Vấn đề nằm nhiều ở tiêu chí thứ hai. Từ trước đến nay, vấn đề thống kê và minh bạch số liệu luôn là điểm yếu của Việt Nam.Trong 4 loại nền tảng được xét, HBR đặt trọng số cao nhất cho Thương mại trực tuyến (20%), tiếp theo là Truyền thông trực tuyến (15%) và Kinh tế chia sẻ (10%), các nền tảng freelance chỉ chiếm trọng số nhỏ (5%).

Cách phân bổ này của HBR có liên quan đến quy mô thị trường. Thương mại trực tuyến đang là ngành công nghiệp cực kỳ phát triển với giá trị toàn cầu khoảng 29.000 tỷ USD, trong khi giá trị toàn cầu của freelance mới chỉ khoảng 1.500 tỷ USD. Những chỉ số trên gọi là tiêu chí thực trạng, khảo sát thực trạng hoạt động kinh doanh số ở quốc gia và chiếm 50% Chỉ số EDDB.

50% còn lại HBR dành cho các chỉ số nền tảng, trong đó trọng số cao nhất là: Khả năng truy cập dữ liệu (mức độ chính phủ kiểm duyệt và kiểm soát dữ liệu của doanh nghiệp - 25%); Nền tảng kỹ thuật số (tỷ lệ người dân tiếp cận 3G, cơ sở hạ tầng để phát triền nền tảng số - 15%) và Chỉ số Dễ dàng kinh doanh 2019 của World Bank (10%). Những tiêu chí trên đều được xét trên bình diện liên quốc gia. Điều này làm giảm đáng kể điểm số cho những quốc gia đang hạn chế ngoại giao với nước ngoài.

Khả năng truy cập dữ liệu

Năm quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng là Anh, Mỹ, Hà Lan, Na Uy và Nhật. Năm quốc gia xếp cuối bảng xếp hạng là Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Nga. Khác biệt dễ thấy nhất của các quốc gia này nằm ở chỉ số Khả năng truy cập dữ liệu. Ngoài lý do chiếm trọng số 25%, chỉ số Khả năng truy cập dữ liệu cũng thể hiện thái độ của chính phủ nước đó đối với hoạt động kinh doanh số và ảnh hưởng đến các tiêu chí khác.

Những quốc gia có chỉ số Khả năng truy cập dữ liệu cao đều có điểm chung như: thị trường đa dạng, các thể chế hỗ trợ kinh tế số và kết quả là thực trạng tốt trong cả 4 loại nền tảng. Trong các quốc gia xếp cuối, đáng lưu ý nhất là Trung Quốc.

Có một nghịch lý đang diễn ra tại Trung Quốc - là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất thế giới, nhưng cũng là quốc gia có Chỉ số Dễ dàng kinh doanh số chót bảng. Lý do là bởi những điều luật Trung Quốc đặt ra để bảo hộ các doanh nghiệp số trong nước và những điều luật bắt buộc nội địa hóa và kiểm soát dữ liệu chặt chẽ.

HBR cho Chỉ số Dễ dàng kinh doanh số trọng số khá khiêm tốn 10%, có thể thấy ngay từ đầu họ đã dự đoán chỉ số này không tương quan nhiều với kinh doanh số. Có những quốc gia đã thi hành những chính sách thúc đẩy kinh doanh mạnh mẽ, nhưng lại chưa để ý đến kinh doanh số, như Thái Lan, Nga và Malaysia.

Cũng có những quốc gia đột phá trong thể chế kinh doanh số, nhưng nền kinh tế truyền thống đang dần tụt hậu như Hà Lan, Nhật và Thụy Sĩ. Ví dụ, Malaysia đứng thứ 15 trong Chỉ số Dễ dàng kinh doanh nhưng nền tảng kỹ thuật số và khả năng truy cập dữ liệu khá yếu, khi tỉ lệ dân cư sử dụng 3G rất thấp, chính phủ quản lý các công ty như Google, Facebook và kiểm duyệt thông tin trực tuyến rất chặt chẽ.

Tổng sản phẩm dữ liệu sẽ trở thành GDP mới

HBR đưa ra một nhận định “Tổng sản phẩm dữ liệu - Gross Data Product - sẽ trở thành GDP mới”. Dữ liệu có thể được sử dụng để làm mọi thứ trong thời đại này, từ phân tích khách hàng tiềm năng để phát triển sản phẩm, phân tích thói quen tiêu dùng để kích cầu, xác thực thông tin để đảm bảo an ninh cho người mua và freelancer, đến cả những lý do nhạy cảm hơn như tuyên truyền và chính trị.

Nếu quốc gia quản lý dữ liệu quá chặt, doanh nghiệp số sẽ gặp rất nhiều khó khăn để phát triển bền vững. Nhưng nếu quản lý dữ liệu quá lỏng, an ninh quốc gia có thể bị đe dọa. Thế nên, nhiệm vụ của quốc gia là phải lập được những quy định quản lý dữ liệu hợp lý, quan tâm và luôn luôn điều chỉnh chúng không khác gì chỉ số GDP truyền thống.

Cạnh tranh trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh: Tập đoàn lớn “chơi” dữ liệu lớn
Các tập đoàn hàng tiêu dùng đang nhờ đến Big Data để vực dậy tăng trưởng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư