Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thời điểm tốt để tậu xe hơi
Thế Hải - 30/11/2021 16:28
 
Việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được đánh giá sẽ tạo lực kích cầu, kích thích người Việt “rút ví” tậu ô tô.
Ảnh minh họa.
Các mẫu xe nhập khẩu cũng phải tính toán để thực hiện các chính sách giảm giá, tăng thêm ưu đãi cho khách hàng mua xe.

Cú hích cho tiêu dùng

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2021/NĐ-CP, ngày 26/11/2021 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp rắp trong nước, theo đó, giảm 50% lệ phí trước bạ hiện hành, áp dụng từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022.

Đánh giá tác động của chính sách này, Bộ Tài chính cho biết, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nhằm kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản; thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nối lại chuỗi cung ứng, mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban chính sách của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Phó trưởng ban Kinh tế và Chiến lược Công ty Ô tô Toyota Việt Nam cho biết, quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ từ đầu tháng 12/2021 đáp ứng được sự mong đợi của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hiện ô tô con từ 9 chỗ ngồi trở xuống chịu 2 mức thu lệ phí trước bạ (tùy từng địa phương) là 10% và 12% trên giá bán xe. Theo tính toán, khi mua những mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước, được giảm 50% lệ phí trước bạ, khách hàng sẽ tiết kiệm được từ 15 đến 90 triệu đồng.

Chẳng hạn, chiếc Toyota Fortuner Legender 2.8 AT 4x4 sản xuất, lắp ráp trong nước có giá bán 1,42 tỷ đồng. Nếu không được giảm lệ phí trước bạ, khách hàng mua xe sẽ phải nộp từ 142 đến 170 triệu đồng lệ phí trước bạ. Khi lệ phí trước bạ giảm 50%, khách hàng sẽ giảm được khoảng 71 đến 85,2 triệu đồng.

“Chúng tôi đã chờ đợi từ lâu, quyết định này được ban hành đã giải tỏa được mong đợi về chính sách, khách hàng cá nhân hoặc tổ chức có thể lên kế hoạch mua xe rõ ràng hơn”, ông Hiếu chia sẻ.

Trên thực tế, sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, nhiều khách hàng đã mạnh tay chi tiền tậu xe, giúp doanh số bán ô tô tại Việt Nam phục hồi. Số liệu từ VAMA cho thấy, tháng 10/2021, khi nhiều địa phương trên cả nước bước sang giai đoạn “bình thường mới”, tiêu thụ ô tô của các hãng xe đạt 39.324 chiếc, tăng 97% so với tháng 9.

Tuy nhiên, do đà sụt giảm doanh số bán xe đã kéo dài nhiều tháng (liên tiếp từ tháng 5/2021), lũy kế 10 tháng, lượng bán hàng của các thành viên VAMA đạt 197.222 xe, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2020.

Thời điểm mua xe hợp lý

Trong gần 2 năm chịu tác động tiêu cực của Covid-19, đây là lần thứ hai, lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm một nửa.

Năm 2020, khi áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ, lượng ô tô tiêu thụ đã tăng gấp đôi so với cùng giai đoạn trước khi giảm. Các hãng xe được hưởng lợi nhiều nhất từ quyết định giảm lệ phí trước bạ nửa cuối năm 2020 là Hyundai, Toyota, Kia, Mazda, Honda, Ford và VinFast. Theo số liệu của VAMA, doanh số bán ô tô sản xuất, lắp ráp của các doanh nghiệp thành viên trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 67.516 xe, nhưng từ tháng 7 đến hết tháng 12/2020 đạt 120.957 xe, tăng gần gấp đôi so với nửa đầu năm.

Tương tự, với TC Motor (doanh nghiệp ngoài VAMA), trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp này chỉ đạt doanh số 28.014 xe, còn 6 tháng cuối năm đạt 53.354 xe, tăng gần gấp đôi so với nửa đầu năm.

Đại diện VAMA cho biết, các doanh nghiệp rất chờ đợi quyết định giảm lệ phí trước bạ lần này của Chính phủ. Đây là cơ hội để ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bứt phá và thị trường ô tô bước vào giai đoạn sôi động mới.

Tuy nhiên, do thời điểm áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ lần này có những đặc điểm không như năm trước, nên dù vui mừng với chính sách mới, nhưng các doanh nghiệp cũng khá thận trọng và cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường.

Theo đại diện Toyota, tác động của đợt dịch Covid-19 năm 2020 chưa nghiêm trọng như năm nay và đợt giảm phí trước bạ năm 2020 rơi vào nửa cuối năm, nên hiệu quả kích cầu tiêu thụ khá tốt, thị trường bật lên mạnh mẽ trong quý IV.

Còn năm nay, kinh tế khó khăn hơn, đợt giảm lệ phí trước bạ bắt đầu từ tháng cuối năm và kéo dài sang sang 2022, nên khách hàng có thể sẽ lùi thời điểm mua xe sang năm sau. Chưa kể, đối tượng khách hàng kỳ vọng với các hãng xe là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải chưa thể kinh doanh bình thường trở lại, do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Dù vậy, về tổng thể thị trường nói chung, tác động của chính sách là rất đáng kể. Đại diện Vama cho rằng, giai đoạn 6 tháng tới sẽ là thời điểm tốt để mua ô tô với số tiền bỏ ra thấp nhất, dù là mua xe nhập khẩu hay xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Bởi, một khi ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng lượng tiêu thụ, các mẫu xe nhập khẩu cũng phải tính toán để thực hiện các chính sách giảm giá, tăng thêm ưu đãi cho khách hàng mua xe nhằm bù đắp vào khoản chi phí được giảm tương đương với các mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Ô tô Hàng Xanh huy động 180 tỷ đồng từ trái phiếu, mở thêm showroom
Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, HoSE: HAX) vừa công bố thông tin về phương án chào bán 1,8 triệu trái phiếu chuyển đổi dưới hình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư