Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thời điểm tốt để vốn FDI đổ vào chế biến thực phẩm
Hồng Sơn - 20/11/2016 13:20
 
Ông Claudio Dordi, chuyên gia Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (MUTRAP) cho rằng, hiện là thời điểm thích hợp để đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm tại Việt Nam. Theo ông, hơn 90% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam là xuất thô, nên giá trị gia tăng còn rất thấp.

Trong khi đó, với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thời gian để các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được giảm, miễn thuế đang tới gần. Hơn nữa, so với nhiều nước khác trong khu vực, Việt Nam là quốc gia sớm tham gia các hiệp định thương mại này, nên tính cạnh tranh của sản phẩm sẽ lớn hơn.

“Những lợi thế này là khá rõ ràng, nên việc đầu tư vào công nghiệp chế biến thực phẩm sẽ có lợi cho cả doanh nghiệp, nhà đầu tư và ngành nông sản của Việt Nam”, chuyên gia MUTRAP nói và cho rằng, đây là thời điểm đúng đắn để quyết định đầu tư.

.
Lũy kế đến nay, cả nước thu hút được 521 dự án FDI trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,6 tỷ USD

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, trong vấn đề thuế quan, Việt Nam còn có lợi thế về yếu tố hàng rào kỹ thuật. Do tham gia sớm các hiệp định thương mại tự do, nên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là hàng nông, lâm, thủy sản, sẽ ít bị các nước nhập khẩu  dựng hàng rào kỹ thuật.

Cũng theo ông Thiên, tỷ trọng của nông, thủy sản trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta hiện nay không nhỏ. Do đó, nếu tổng hợp các lợi thế này thì sẽ đóng góp rất lớn cho xuất khẩu. Tất nhiên, với điều kiện là phải phát triển được ngành công nghiệp chế biến để giảm thiểu xuất thô.

Liên quan hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện nay, ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, các dự án FDI trong lĩnh vực chế biến - chế tạo nắm vai trò chủ đạo trong cơ cấu đầu tư, đóng góp lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, song xét riêng trong lĩnh vực chế biến thực phẩm thì vốn FDI còn khá khiêm tốn.

Cụ thể, lũy kế đến nay, cả nước thu hút được 521 dự án FDI trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,6 tỷ USD. Đáng chú ý, nhiều quốc gia có thế mạnh về lĩnh vực này như Nhật Bản, Hàn Quốc… lại có số dự án đầu tư và vốn cam kết không nhiều.

Cũng theo ông Quang, dù hiện nay, Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích đầu tư riêng cho các dự án trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, nhưng với các chính sách hiện có, nếu xét 2 tiêu chí về ngành nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư, thì các dự án chế biến thực phẩm đang được hưởng những ưu đãi lớn nhất. Lý do là, phần lớn các dự án chế biến thực phẩm nằm gần vùng nguyên liệu và thuộc địa bàn được ưu đãi đầu tư. Bên cạnh đó, các dự án chế biến nông, lâm, thủy sản… cũng thuộc diện được ưu đãi đầu tư cao nhất.

Về xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, ông Nam Sang Kun, chuyên gia Hàn Quốc tại Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) nhìn nhận, đang có dòng vốn đầu tư trong lĩnh vực này từ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam. Do môi trường đầu tư tại Trung Quốc đã giảm sức hấp dẫn, trong khi Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, nên  Việt Nam sẽ là “tâm điểm” thu hút vốn đầu tư.

FDI với tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế
Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua chiều 8/11, với sự đồng thuận cao.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư