Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thống đốc Bình ném chuột... không vỡ bình
Hà Tâm - 01/02/2014 19:41
 
Nhậm chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi tất cả những ung nhọt tích tụ bấy lâu của hệ thống ngân hàng nhất loạt bung ra, không ít người đòi “xử trảm” những ngân hàng yếu kém, nhưng bất chấp sự đả kích của dư luận, Thống đốc Nguyễn Văn Bình vẫn kiên quyết bắt các ngân hàng “phải sống”. Thống đốc: Nghiêm cấm thu phí của khách vay tiền >Điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ phải ở tầm nghệ thuật >“Không thiếu một đồng, không chậm một ngày”

Không để ngân hàng nào đổ vỡ

Xuyên suốt hai năm ngồi ghế Thống đốc, câu hỏi, cũng là bài toán đặt ra cho ông Bình là xử lý thế nào đối với ngân hàng yếu kém. Câu trả lời được Thống đốc đưa ra năm 2011 là “ném chuột không vỡ bình”. Gần 1 năm sau đó, khi sự kiện bầu Kiên xảy ra làm chấn động cả nền kinh tế, Thống đốc lại khẳng định: “Không để ngân hàng nào đổ vỡ”. Tuyên bố này khiến tâm lý hoang mang, lo lắng, làn sóng rút tiền khỏi ngân hàng được chặn đứng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

Thế nhưng, khi sự kiện bầu Kiên trôi qua, thanh khoản của hệ thống “hồng hào” trở lại, người ta lại đặt câu hỏi, tại sao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cứ khăng khăng không để ngân hàng phá sản? Có phải NHNN đang bảo vệ lợi ích nhóm, bảo vệ mấy cổ đông lớn của ngân hàng. Đây đó, nhiều chuyên gia trong ngành, nhiều vị đại biểu quốc hội đã lên tiếng đề nghị NHNN sớm “khai tử” những ngân hàng yếu kém.

Những chê bai, nghi ngờ, đặc biệt là cú sốc bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội giữa năm 2013 (với kết quả phiếu tín nhiệm thấp cao nhất trong 47 chức danh) không làm Thống đốc nao núng, mà càng âm thầm, quyết liệt hơn nữa trong tái cấu trúc, đảm bảo không xảy ra đổ vỡ. Kết thúc năm 2013, đã không có ngân hàng nào bị NHNN đóng cửa. Dù đã có 4 ngân hàng biến mất, song đó là do tự nguyện sáp nhập, hợp nhất với ngân hàng khác.

Đáng nói là, trong quá trình này, ngân sách đã không phải chi ra một đồng để xử lý ngân hàng yếu kém. Chính các cổ đông lớn đã phải cắn răng chịu lỗ, nhiều cổ đông đã phải bán hết cổ phần, bước chân ra khỏi hệ thống ngân hàng, nhường chỗ cho các cổ đông mới.

Sau 2 năm nhìn lại, ngay cả những người từng chỉ trích NHNN cũng phải tâm phục rằng, NHNN đã rất có lý khi bắt các ngân hàng phải sống. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chia sẻ, ép ngân hàng phải đóng cửa, buộc các cổ đông lớn chịu trách nhiệm hình sự vì để thất thoát vốn không phải khó, nhưng “cục nợ” mà các ngân hàng để lại quá lớn, ai sẽ đứng ra khắc phục? Không thể lấy tiền ngân sách, tiền thuế của dân đề bù đắp thua lỗ của các ngân hàng. Vì vậy, không có cách gì tốt hơn là bắt các ngân hàng phải sống, sống để khắc phục hậu quả, để trả giá cho những sai lầm của mình và cũng là để tạo cho họ một cơ hội mới.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, hai năm qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã “chơi” vào hệ thống ngân hàng ở những điểm quan trọng nhất để nền kinh tế có thể quay trở lại bình thường. Cụ thể, NHNN giải cứu các ngân hàng trước rồi bắt họ khắc phục, thậm chí trả giá cho những hậu quả do mình gây ra. Tiếp đó là “chơi” các ngân hàng yếu kém bằng yêu cầu tái cơ cấu, hạn chế những nhân tố gây hỗn loạn trước đây.

Một trong những nhân tố gây hỗn loạn là sở hữu chéo. Khi tuyên bố tái cơ cấu cũng có nghĩa là tuyên chiến với sở hữu chéo, Thống đốc đã chấp nhận đương đầu với những thế lực trong hệ thống ngân hàng, thậm chí, đã từng bị bắn tin đòi “xử lý”.

Dẫu rằng, cuộc chiến với lợi ích nhóm, như sở hữu chéo trong ngành chưa thể sớm chấm dứt, ngay cả Thống đốc cũng nhìn nhận, đây là cuộc chiến “khủng khiếp” và dai dẳng, song quả ngọt với người điều hành là hai năm qua, hệ thống ngân hàng đã lành mạnh dần lên, nhiều ngân hàng yếu đã hồi sinh bên cửa tử, tiền gửi của người dân, doanh nghiệp được bảo đảm, nợ xấu từng bước được giải quyết.

Ngay cả những cổ đông chống đối nhất cũng phải thừa nhận rằng, với phong cách điều hành quyết liệt dưới thời Thống đốc Nguyễn Văn Bình, càng chây ỳ càng thiệt thân. Khi 9 ngân hàng yếu kém đầu tiên cơ bản được xử lý xong, Thống đốc lập tức lôi ra 8 tổ chức tín dụng yếu kém khác cần xử lý.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2014 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá rất cao sự quyết liệt của thanh tra cũng như cá nhân Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đồng thời khẳng định: “Thống đốc đã nắm được tình hình sức khỏe thực tế của tất cả các ngân hàng”.

Dĩ nhiên, những kết quả tái cơ cấu ngành ngân hàng mà NHNN đạt được mới chỉ là thành công bước đầu. Những thách thức trước mắt, nhất là xử lý nợ xấu, hiện đại hóa hệ thống, dẹp loạn sở hữu chéo vẫn đang đè nặng lên vai Tổng tư lệnh ngành ngân hàng. Nhưng khi bệnh đã được chẩn, phác đồ điều trị đã được xây dựng đúng hướng, thì chữa bệnh, dù lâu dài, nhưng ắt sẽ thành công.

Lỳ lợm trong điều hành

Xử lý ngân hàng yếu kém chỉ là một ví dụ trong vô vàn ví dụ sống động về lối điều hành nhất quán mà quyết liệt, không bị dư luận tác động của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình.

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP chia sẻ: “Có thời, khi Thống đốc triệu tập họp lãnh đạo các ngân hàng, có người đi, có người không, thậm chí đi họp chỉ để cho vui, trên bàn vừa ký công văn đồng thuận thì dưới gầm bàn, các ngân hàng đã đua nhau lách trần. Nhưng dưới thời Thống đốc Nguyễn Văn Bình, mỗi lần có “trát” mời họp, lãnh đạo các ngân hàng đều nghiêm chỉnh tham dự, họp xong lại răm rắp chấp hành, bởi với Thống đốc Bình, sự đồng thuận lãi suất không phải là nói cho vui, thực hiện không nghiêm có thể mất chức”.

Trong một câu chuyện khác, một cựu lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng kể lại, trước đây, cứ bắt đầu một năm, NHNN lại phải xin Chính phủ thông qua chỉ tiêu cung tiền hàng năm. Nhưng dù chỉ tiêu đã thông qua, hầu như năm nào, Chính phủ cũng yêu cầu NHNN cho Chính phủ vay thêm. Ít có Thống đốc nào đủ bản lĩnh từ chối Chính phủ. Từng có vị Thống đốc, vì không muốn tăng cung tiền do lo ngại lạm phát, nhưng vì bị các bộ, ngành “dọa”, nên lại phải nhắm mắt bơm tiền.

Còn với Thống đốc Nguyễn Văn Bình, việc đầu tiên là đề nghị Chính phủ bỏ chỉ tiêu cung tiền hàng năm. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực ngân hàng nhận xét: “Thống đốc đã xác định rõ, nhiệm vụ chính của Ngân hàng Trung ương không phải là chính sách đa mục tiêu hay phục vụ tăng trưởng mà nhiệm vụ chính là chống lạm phát. Cho nên, dù chưa có đầy đủ các công cụ, nhưng với ý chí sắt đá, điều hành nghệ thuật, NHNN đã nhanh chóng đảo ngược tình thế, kiềm chế lạm phát phi mã và ổn định được tỷ giá, cứu nền kinh tế khỏi sụp xuống hố sâu”.

Nói về phong thái điều hành của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, TS. Nghĩa tổng kết bằng mấy chữ: lỳ lợm, quyết liệt, bản lĩnh, nghệ thuật, nhất quán giữa nói và làm.

Quả thực, nếu không có đủ các yếu tố trên, trong 2 năm “cầm quân” ngắn ngủi vừa qua, Thống đốc khó lòng mà làm được một khối lượng công việc gần như không tưởng: ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại tệ gấp 3 lần; lạm phát từ mức gần 20% giảm còn 7%; thị trường vàng ổn định, giá vàng ít biến động, chấm dứt tình trạng vàng hóa trong hệ thống ngân hàng; thanh khoản hệ thống được giữ vững, nợ xấu đang được xử lý tích cực…

Sự nhất quán và quyết liệt của NHNN không chỉ thiết lập lại trật tự kỷ cương cho thị trường, mà quan trọng hơn, đã đem lại niềm tin cho thị trường. Qua đó, vai trò của NHNN với tư cách là ngân hàng trung ương cũng dần được định hình rõ nét.

Dĩ nhiên, bản lĩnh đó không phải tự nhiên mà có. Hơn 30 năm cống hiến cho ngành ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã được trui rèn qua nhiều cương vị, trong đó, theo Thống đốc, không ít lần “lên bờ xuống ruộng”. Ông đầu quân cho NHNN từ năm 1986 tại Vụ Hợp tác quốc tế, sau đó là Chánh văn phòng Thống đốc, Phó giám đốc Chi nhánh NHNN TP. Hà Nội, quyền Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư quốc tế tại Nga, Chánh thanh tra NHNN và 3 năm giữ chức Phó thống đốc NHNN. Kinh nghiệm dày dạn ở nhiều vị trí trả lời câu hỏi tại sao Thống đốc nắm tình hình sức khỏe của hệ thống rõ như trong lòng bàn tay.

Những thách thức đặt ra với Thống đốc NHNN, với ngân hàng trung ương còn rất lớn, song như Thống đốc từng chia sẻ với báo chí, đoạn đường gập ghềnh nhất đã đi qua, hiệu quả chính sách đang dần được thể hiện. Điều này tạo niềm tin cho nhà điều hành và cả hệ thống ngân hàng về con đường đã lựa chọn. Con đường này, dù vẫn gian nan vất vả, nhưng đã thuận lợi hơn trước rất nhiều. Chí ít, Thống đốc cũng không còn “cô đơn” ra trận như trước nữa, mà đã có thêm rất nhiều bạn đồng hành, rất nhiều người ủng hộ.

Tái cơ cấu ngân hàng để vực dậy niềm tin thị trường
Ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, là nhiệm vụ trọng tâm của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư