Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 12 năm 2024,
Thống nhất đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tại Luật Đầu tư công sửa đổi
Nguyễn Lê - 14/11/2024 17:57
 
Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 sẽ tạo căn cứ pháp lý đồng bộ để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai kịp thời những quy định mới trong chuẩn bị xây dựng và thực hiện kế hoạch mới.
.
Phiên họp chiều 14/11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Tiếp tục phiên họp thứ 39, chiều 14/11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi (Dự thảo).

Đây là Dự thảo đã được Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường tại Kỳ họp thứ tám này.

Báo cáo một số vấn đề lớn, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Dự thảo sau khi tiếp thu ý kiến ĐBQH gồm 103 điều, giảm 6 điều so với dự thảo Chính phủ trình Quốc hội.

Về nhóm nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ông Mạnh khái quát, nhiều ý kiến kiến nghị chỉ nâng mức dự án quan trọng quốc gia lên gấp 2 lần như các nhóm dự án A, B, C. Quy định HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án, UBND cùng cấp quyết định đầu tư dự án và giữ thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn như luật hiện hành.

Ông Mạnh nói, ý kiến của các đại biểu tương đồng với ý kiến của Ủy ban Tài chính -  Ngân sách được thể hiện trong báo cáo thẩm tra, chưa thống nhất với ý kiến Chính phủ trình do băn khoăn về ảnh hưởng đến phân công kiểm soát quyền lực giữa cơ quan dân cử (HĐND) và cơ quan quản lý nhà nước (UBND). Tuy nhiên, từ ý kiến ĐBQH và báo cáo thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền và đã được lãnh đạo chủ chốt kết luận thống nhất với nội dung trình của Chính phủ về 3 nội dung này.

“Từ những vấn đề nêu trên, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã thảo luận và thống nhất  giải trình, tiếp thu theo hướng thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, báo cáo Quốc hội đồng thuận với phương án Chính phủ trình”, ông Mạnh cho hay.

Như vậy, các quy định được giữ như Chính phủ trình là nâng quy mô vốn đầu tư công đối với dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng (gấp 3 lần). Phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý.

Về phân cấp thẩm quyền điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn, ông Mạnh cho hay, một số ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc quy định phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ.

Theo Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đúng như ý kiến ĐBQH đã nêu, Dự thảo sửa đổi về nội dung thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giữa các bộ, cơ quan trung ương (thay vì thẩm quyền này là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như quy định của Luật Luật Đầu tư công hiện hành), điều này dẫn đến chưa thống nhất giữa cấp quyết định và cấp quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Tuy nhiên, với tinh thần đổi mới, nhằm tăng cường tính linh hoạt trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, quy định này cũng phù hợp với việc quy định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ là “danh mục dự án dự kiến” tại khoản 6 Điều 52 của dự thảo Luật chỉnh lý, theo đó, việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ được thực hiện thường xuyên hơn để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh này thực hiện trong “khung”: “không vượt tổng mức vốn trung hạn đã được Quốc hội quyết định, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất” nên cũng sẽ bảo đảm tính chặt chẽ, gắn với chức năng, thẩm quyền của cơ quan tổ chức thực hiện và thẩm quyền giám sát của Quốc hội, Ủy ban TVQH. Vì vậy, xin được giữ như quy định tại khoản 3 Điều 71 của Dự thảo luật chỉnh lý.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong các trường hợp sau đây:

a) Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong trường hợp không vượt tổng mức vốn trung hạn đã được Quốc hội quyết định, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất;

b) Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong nội bộ và giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được Quốc hội quyết định.

Về thời gian thông qua luật, Chính phủ đề nghị thông qua Luật tại Kỳ họp thứ 8, Thường trực Ủy ban Tài chính -  Ngân sách thấy rằng, Dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý đảm bảo chất lượng theo yêu cầu và mong muốn của ĐBQH. Quá trình thảo luận tại Quốc hội cho thấy các nội dung đã rõ, bám sát tinh thần đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật. Việc ban hành Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 sẽ tạo căn cứ pháp lý đồng bộ để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai kịp thời, áp dụng ngay trong năm 2025 để triển khai những quy định mới trong chuẩn bị xây dựng và  thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Thảo luận, các ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành với đề xuất của Chính phủ, lưu ý rà soát thêm để đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật và không để vướng mắc khi thực hiện.

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Phó thủ tướng Lê Thành Long nói, khi phân cấp phân quyền thì nơi được phân cấp cũng phải có năng lực thực hiện và Chính phủ sẽ chú ý điều đó khi triển khai.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phạm vi sửa đổi luật, cơ bản thống nhất với những vấn đề lớn được cơ quan thẩm tra báo cáo. Ông Hải đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện Dự thảo, trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Sửa Luật Đầu tư công: Quy trình, thủ tục thực hiện dự án cần rút ngắn hơn nữa
Tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư công, song đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục chỉnh lý các quy định về trình tự, thủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư