Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thống nhất trình Quốc hội quyết định tăng lương cơ sở
Nguyễn Lê - 11/10/2022 15:05
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định việc chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, nhưng sẽ thực hiện tăng lương cơ sở
.
Phiên thảo luận sáng 11/10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định việc chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, nhưng sẽ thực hiện tăng lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề, lĩnh vực y tế, lương hưu cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, ưu đãi đối với người có công.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận như trên sau phiên thảo luận sáng 11/10 về kinh tế, xã hội, ngân sách của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 như Chính phủ đã trình.

Theo đó, Chính phủ đã dự kiến 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.

Trong đó: Tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD;  Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5 - 6%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%;  Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1 - 1,5%...

Với chỉ tiêu GDP, Chính phủ giải thích, trên cơ sở ước thực hiện năm 2022 đạt khoảng 8% là nền tăng trưởng cao và dự báo bối cảnh thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động đến nền kinh tế nước ta, sức ép lạm phát và suy giảm tăng trưởng và suy thoái kinh tế ở một số nước, dự kiến mức tăng trưởng GDP năm 2023 đạt khoảng 6,5% là hợp lý.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thuyết minh rõ hơn căn cứ xác định chỉ số CPI là 4,5% chỉ tiêu bác sĩ giường bệnh trên dân số, chỉ tiêu bảo hiểm xã hội chưa đạt.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, năm 2023 dự báo có nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, cần phân tích cụ thể và có giải pháp đột phá để ứng phó như tình hình kinh tế chính trị thế giới có biến động nhanh, phức tạp, bất định.

Sản xuất, kinh doanh, sức khỏe của doanh nghiệp bị bào mòn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và đang gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt dòng tiền. Giá xăng dầu, vật tư đầu vào tăng cao, đã có tình trạng người dân hạn chế đầu tư, mở rộng sản xuất, tái đàn, tái vụ sản xuất nông nghiệp; sản lượng khai thác thủy sản giảm; du lịch đối diện với nhiều thách thức, lượng khách quốc tế giảm; chất lượng lao động hạn chế.

"Tình hình xung đột Nga - Ukraine, đà suy giảm kinh tế, nguy cơ suy thoái tại Mỹ, EU, Trung Quốc và nhiều nước phát triển trở nên rõ ràng hơn. Lạm phát tăng cao kỷ lục ở một số nước. Rủi ro thu hẹp thị trường, đảo chiều của dòng vốn gia tăng, nguy cơ bất ổn định an ninh năng lượng, lương thực sẽ tác động tiêu cực đến nước ta do độ mở của nền kinh tế lớn. Nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn khó khăn. Diễn biến dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh là những vấn đề cần hết sức lưu ý", ông Hải nói.

Phó chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ lưu theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn. Các đối tượng thương mại đầu tư chính, tình hình giá cả lạm phát để chủ động có giải pháp phù hợp. Xây dựng kịch bản để ứng phó với nguy cơ đình trệ về lạm phát của kinh tế thế giới, đảm bảo ổn định trong các điều kiện bất định.

Những vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý còn là thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chủ động để ứng phó với tình hình thế giới. Sự gia tăng của lạm phát và việc mở rộng chính sách tài khóa để tạo nguồn hỗ trợ chương trình phục hồi. Tính toán kỹ tác động hiệu quả khi điều hành lãi suất, tỷ giá, điều tiết tiền tệ, thanh khoản thị trường phù hợp, ổn định hệ thống tín dụng, cung cấp đủ tín dụng cho nền kinh tế, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nợ xấu, đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả, đúng pháp luật của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Kiểm soát chặt chẽ lạm phát, lưu ý rủi ro lạm phát đến từ phía cầu do nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ và đến cả từ phía cung do đứt gãy nguồn cung, giá năng lượng cao, có giải pháp ổn định giá cả hàng hóa, đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện và xăng dầu.

Khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực khác, có giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, quan tâm đến y tế, văn hóa, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, phòng, chống tội phạm, tham nhũng, phòng, chống thiên tai diễn biến phức tạp.

Đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, chú trọng kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, phân cấp, phân quyền ủy quyền, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, nghiên cứu kỷ cương, kỷ luật và tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Triển khai hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá lại một số chính sách cho phù hợp với tình hình mới, ứng phó kịp thời với dịch bệnh, tháo gỡ các vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nâng cao năng lực hệ thống y tế, tăng cường khả năng điều trị bệnh.

Tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số, nâng cao chất lượng lao động, năng suất lao động xã hội, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia, hệ thống các quy hoạch, sớm phê duyệt Quy hoạch Điện VIII, Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý. 

Cần chỉ tiêu thống kê về tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức
Theo Ủy ban Kinh tế, danh mục chỉ tiêu thống kê cần có chỉ tiêu về tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức để đánh giá tổng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư