Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Thu hút nhà đầu tư chiến lược cho TP.HCM, điều kiện phải đặc biệt, không thể đại trà
Khánh Linh - 08/06/2023 10:35
 
TP.HCM đã lỡ nhiều cơ hội thu hút đầu tư dự án công nghệ cao có quy mô lớn do không có cơ sở và thẩm quyền áp dụng cơ chế ưu đãi do nhà đầu tư đề xuất.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sẽ được thảo luận tại Hội trường Quốc hội chiều nay, ngày 8/6.

Trong các cuộc thảo luận tại tổ trước đó, một số đại biểu Quốc hội vẫn băn khăn, để nghị làm rõ điều kiện trở thành nhà đầu  tư chiến lược. Báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình chi tiết từng vấn đề.

Mục tiêu thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nên quy mô không thể đại trà

Quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo rất rõ, đó là do xác định mục tiêu thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nên quy mô vốn đầu tư vào các ngành đặc biệt khuyến khích thu hút nhà đầu tư chiến lược cũng phải đặc biệt, không theo mức đại trà.

Trong đó, tiêu chí xác định “có tổng tài sản từ 25.000 tỷ đồng trở lên” trong điều kiện lựa chọn nhà đầu tư chiến lược mà một số đại biểu vẫn băn khoăn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình, đây là tiêu chí để đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư trong quá trình thẩm định. Nội dung này cũng đã có quy định trong Luật Đầu tư và cũng đang quy định tại Nghị quyết về cơ chế chính sách thí điểm phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Hơn thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình rõ, Dự thảo Nghị quyết được thiết kế theo nguyên tắc và căn cứ tại Điều 20 Luật Đầu tư về các quy mô dự án thuộc diện ưu đãi đầu tư đặc biệt. Đó là, các dự án nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo... phải có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên; các dự án có hoạt động sản xuất bán dẫn, chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch phải có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên.

Riêng dự án đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được đề xuất phải có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 50.000 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD) là căn cứ vào thực tế triển khai dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (riêng hợp phần A là 25.000 tỷ đồng).

“Thực tế, hiện nay, đã có nhà đầu tư đề xuất đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo.

Một số tập đoàn lớn đang quan sát phản ứng chính sách để quyết định đầu tư

Căn cứ dùng chi thường xuyên để hỗ trợ một phần chi phí cho dự án của nhà đầu tư chiến lược cũng là nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội. Đây cũng là chính sách được quy định tại Điều 18 Luật Đầu tư, gồm nhiều hình thức hỗ trợ.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc hỗ trợ không thể thực hiện được khi đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài về các chính sách hỗ trợ để thu hút các dự án công nghệ cao, chủ yếu do đối tượng này chưa được quy định trong pháp luật về đầu tư, đầu tư công...

Mặc dù Thành phố đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút các dự án FDI công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp nội địa, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu và nhu cầu của quá trình phát triển kinh tế xã hội của Thành phố.

Trong khi đó, các nhà đầu tư chiến lược thường cân nhắc nhiều địa điểm tại nhiều quốc gia khác nhau để triển khai dự án và tổ chức đàm phán các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, thời gian triển khai và địa điểm triển khai.

“Xu hướng hiện nay các các nhà đầu tư khi đàm phán lựa chọn địa điểm đầu tư thường yêu cầu được hỗ trợ một phần chi phí đầu tư thông qua việc hỗ trợ bằng tiền, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, chi phí đào tạo nhân lực”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình.

Thành phố nhận thấy, việc thu hút nhà đầu tư chiến lược cần được xem xét và quy định để đảm bảo quyền lợi cũng như trách nhiệm của các bên, trên tinh thần lợi ích hài hòa, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp.

Thời gian qua, Thành phố đã lỡ nhiều cơ hội thu hút đầu tư dự án công nghệ cao có quy mô lớn do không có cơ sở và thẩm quyền áp dụng cơ chế ưu đãi do nhà đầu tư đề xuất, nhất là các lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên thu hút như chất bán dẫn, sản xuất chip, vật liệu mới, công nghệ pin mới.

Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nếu theo quy trình thông thường thì các tập đoàn lớn khó tham gia do không xác định được lộ trình triển khai, thời gian thực hiện dài, nguy cơ ảnh hưởng đến thương hiệu và giá trị doanh nghiệp nếu không được lựa chọn.

Một số tập đoàn lớn khác, cũng đang quan sát phản ứng chính sách của Việt Nam để quyết định việc đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư tại TP.HCM.

Nhằm tạo hành lang pháp lý mạnh mẽ, vượt trội so với mặt bằng chung của cả nước, đủ cạnh tranh với các nhà đầu tư trong khu vực, dự thảo Nghị quyết quy định việc hỗ trợ một phần chi phí của dự án đầu tư từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Thành phố.-Thành phố chủ động trong việc đàm phán với các nhà đầu tư, cân nhắc kỹ chi phí bỏ ra và lợi ích kinh tế, xã hội mà Thành phố thu được.

Bên cạnh đó, tại Khoản 4 Điều 7 dự thảo Nghị quyết, đã bổ sung điều kiện về việc nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Do đó dự thảo quy định “được hỗ trợ một phần chi phí của dự án đầu tư từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Thành phố. Tiêu chí, điều kiện, mức hỗ trợ, nội dung, hình thức hỗ trợ và thời điểm hỗ trợ cụ thể do HĐND Thành phố quyết định”.

Quy định như dự thảo sẽ đảm bảo công khai, minh bạch các tiêu chí, điều kiện hỗ trợ và bảo đảm hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Việc quy định rõ hỗ trợ từ nguồn chi thường xuyên sẽ giảm thủ tục, không phải lập dự án theo pháp luật về đầu tư công nếu sử dụng nguồn chi đầu tư công.

Về nội dung, mức hỗ trợ cho nhà đầu tư chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình, Dự thảo Nghị quyết quy định HĐND Thành phố ban hành tiêu chí, điều kiện, mức hỗ trợ, nội dung, hình thức hỗ trợ.

Sau khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua, Thành phố dự kiến ban hành một số nội dung để thực hiện.

Trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, nhóm cơ chế chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược được quy định rõ.

Cụ thể, quy định ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực như sản xuất chip, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới...
Các điều kiện mà nhà đầu tư chiến lược cần đáp ứng, Trình tự thủ tục đăng ký thực hiện dự án và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cũng đã được quy định trong Dự thảo.
Liên quan đến các ưu đãi nhà đầu tư chiến lược, Dự thảo đang quy địnhngân sách Thành phố hỗ trợ một phần chi phí, ưu tiên thủ tục hải quan, khấu trừ 150% chi phí thực tế chi phí R&D để tính thu nhập chịu thuế. Cùng với đó, các điều kiện để kiểm soát việc nhà đầu tư thực hiện các cam kết, tiến độ thực hiện dự án cũng đã có.

Nhà máy Intel Việt Nam là nhà máy lắp ráp và kiểm định chip lớn nhất của Intel trên toàn thế giới. Ảnh: Lê Toàn

Cứ cơ chế, chính sách gì để TP.HCM thực sự là đầu tàu đều được ủng hộ
Cơ chế, chính sách gì để TP.HCM thực sự là động lực, là đầu tàu phát triển kinh tế đều được ủng hộ, các vị đại biểu Quốc hội chia sẻ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư