Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 09 tháng 09 năm 2024,
Thu hút vốn khủng từ các dự án FDI
Nguyên Đức - 29/06/2016 07:48
 
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục mang lại sự hứng khởi, khi tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm.
TIN LIÊN QUAN

Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến ngày 20/6/2016, cả nước có 1.145 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký là 7,497 tỷ USD, tăng 95,3% so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, còn có 535 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,787 tỷ USD, tăng tới 129% so với cùng kỳ năm 2015.

Như vậy, tính chung trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 11,284 tỷ USD, tăng 105,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Các Dự án đầu tư nước ngoài đang đóng góp ngày càng  lớn trong phát triển kinh tế Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh
Các dự án đầu tư nước ngoài đang đóng góp ngày càng lớn trong phát triển kinh tế Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Trong khi đó, cũng tính đến ngày 20/6, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 7,25 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Đó là những mức tăng trưởng rất ấn tượng, cho thấy Việt Nam tiếp tục được các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn và tin tưởng là điểm đến đầu tư hàng đầu. Điều này là sự thực và được chứng minh qua hàng loạt dự án lớn được đổ vào Việt Nam từ đầu năm tới nay, như dự án 1,5 tỷ USD của LG Display ở Hải Phòng, hay Dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung (vốn đăng ký 300 triệu USD), rồi Dự án Điện gió Trà Vinh giai đoạn II (vốn đăng ký 247,6 triệu USD), Dự án Midtown (225,6 triệu USD ở TP.HCM)…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, các con số này nếu chỉ so với cùng kỳ năm trước thì không phản ánh hết được xu hướng của cả năm.

“6 tháng đầu năm ngoái, FDI sụt giảm khiến dư luận không khỏi quan ngại, nhưng thực tế cả năm, vốn FDI vào Việt Nam vẫn đạt khoảng 24 tỷ USD. Do vậy, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng FDI tới 105% không có nghĩa là tăng trưởng FDI cả năm sẽ gấp đôi, gấp rưỡi năm ngoái”, ông Nguyễn Nội bình luận.

Thực tế, 6 tháng đầu năm ngoái, chỉ có 5,5 tỷ USD vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2014. Khi con số này được công bố, không ít quan điểm đã vội lo lắng và đặt câu hỏi về sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 8/2015, sau khi có dự án mở rộng đầu tư 3 tỷ USD của Samsung Display, vốn FDI vào Việt Nam đã có sự đảo chiều ngoạn mục. Kể từ tháng 8, dồn dập các dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư, từ Dự án Thành phố Đế Vương (vốn đầu tư 1,2 tỷ USD ở TP.HCM), Nhà máy Điện Duyên Hải 2 (vốn đầu tư 2,4 tỷ USD tại Trà Vinh), đến Dự án Nhà máy Sản xuất giấy bao bì Cheng Loong (vốn đầu tư 1 tỷ USD ở Bình Dương) và cuối năm là Dự án Samsung TP.HCM (SEHC) tăng vốn thêm 600 triệu USD, nên tính chung cả năm, FDI đã tăng trưởng ấn tượng.

Điều này có thể cũng đồng nghĩa, kể từ tháng 8/2016, nếu như không có các dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư, thì so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu thống kê về FDI vào Việt Nam sẽ khó đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh như ở thời điểm hiện tại.

“Chúng tôi dự báo, khả năng đến cuối năm, vốn FDI đăng ký chỉ tăng 10 - 15% so với năm ngoái, chứ không cao hơn được”, ông Nguyễn Nội nói và cho biết, điều đáng mừng là mới đây, đã có một dự án điện BOT nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, từ nay tới cuối năm có thể có thêm 1 - 2 dự án nữa. Nếu cả 2 - 3 dự án BOT điện này, với bình quân vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD/dự án, được cấp chứng nhận đầu tư, thì cả năm, vốn FDI có thể tăng 15 - 20% so với năm ngoái.

Theo dự báo của Cục Đầu tư nước ngoài, năm nay, Việt Nam có thể thu hút được 25 tỷ USD vốn FDI. Trong khi đó, vốn FDI giải ngân hiện tại là 7,25 tỷ USD, 6 tháng cuối năm dự kiến giải ngân thêm được khoảng 8 tỷ USD nữa. Như vậy, theo ông Nội, giải ngân vốn FDI năm 2016 cũng sẽ chỉ khoảng 15 tỷ USD, chứ khó có thể tăng đột biến.

Dẫu vậy, việc vốn FDI vào Việt Nam vẫn đang diễn biến tích cực. “FDI tăng cao như vậy có thể chính là xu hướng các nhà đầu tư đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam để đón đầu cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như các hiệp định thương mại tự do khác. Tuy nhiên, thu hút thêm vốn FDI thì cũng cần phải có sự chuẩn bị của các doanh nghiệp trong nước, làm sao vào được chuỗi giá trị của họ, nếu không, doanh nghiệp nội sẽ tụt hậu trước doanh nghiệp FDI”, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư