Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thu ngoài lãi đóng góp tỷ trọng lớn vào lợi nhuận ngân hàng
Thùy Vinh - 08/02/2022 10:25
 
Ngoài phần lớn nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận đến từ tín dụng thì nguồn thu ngoài lãi (dịch vụ, kinh doanh bảo hiểm) của ngân hàng ngày càng tăng mạnh.

Thu từ dịch vụ tăng mạnh

Trong các khoản thu ngoài lãi của Vietcombank năm 2021, mảng dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 7.407 tỷ đồng (tương đương tăng 12,1% so cùng kỳ) vào tổng lợi nhuận 27.000 tỷ đồng của ngân hàng này, với động lực chính vẫn từ hoạt động thanh toán. Còn mảng kinh doanh ngoại hối thu về 4.375 tỷ đồng (tương đương tăng 12% so cùng kỳ).

Tương tự, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của Vietinbank trong năm rồi cũng tăng 13,5%, đạt gần 5.000 tỷ đồng.

Các nguồn thu ngoài lãi của BIDV năm 2021 cũng tăng trưởng so với năm trước đó như: lãi từ dịch vụ tăng 26%, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 9%, lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 22% và lãi từ hoạt động khác tăng 19%.

Lãi từ hoạt động dịch vụ của MBBank cũng tăng 22% trong năm 2021, ghi nhận 4,367 tỷ đồng nhờ tăng thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, thu từ hoạt động môi giới chứng khoán, thu từ xử lý nợ.

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ của MSB trong quý IV/2021 cũng tăng trên 2.000 tỷ đồng (tương đương tăng 1250% so với năm 2020), phần lớn từ phí dịch vụ đại lý bảo hiểm; thu từ góp vốn, mua cổ phần tăng...

Tính chung cả năm 2021, nguồn thu ngoài lãi của MSB tăng trưởng 92% so với năm 2020 với sự đóng góp mạnh mẽ từ tăng trưởng từ doanh thu hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và góp vốn mua cổ phần.

Tiền gửi khách hàng tăng hơn 8% đạt 94.616 tỷ đồng trong đó CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn) chiếm tỷ trọng khoảng 36%, nằm trong top của thị trường các ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB, một trong những yếu tố khiến lợi nhuận tăng là do chi phí vốn được cải thiện nhờ số hóa.

Sau khi ngân hàng số Tnex đi vào động được gần hai năm, MSB đã đạt được môt số kết quả ban đầu khá tích cực, kỳ vọng đạt mục tiêu 3 triệu người dùng sau 3 năm đầu và góp phần giảm CIR của ngân hàng xuống dưới 45% vào năm 2023.

Hoạt động dịch vụ năm qua của OCB cũng khởi sắc mang về 316 tỷ đồng. Với OCB nhờ sớm đẩy mạnh hoạt động số hóa, tăng thu ngoài lãi nên theo ông Nguyễn Đình Tùng, lợi nhuận không chỉ đến từ tín dụng mà còn gia tăng mạnh từ mảng dịch vụ như: tài trợ thương mại và thu từ phí dịch vụ.

Trong đó, phải kể đến với nguồn thu từ bảo hiểm tính đến tháng 10/2021 đạt 271 tỷ đồng. Trong thời gian qua thị trường cũng có những ý kiến trái chiều về việc ngân hàng ép mua, ép bán bảo hiểm khi bắt khách hàng tiền vay mua bảo hiểm.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, điều đó còn tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng và thấy được lợi ích của sản phẩm. Tại OCB hiện nay, khách hàng tiền gửi mua bảo hiểm gia tăng so với trước, và dĩ nhiên, điều này xuất phát từ việc mong muốn mua bảo hiểm của khách hàng.

Đến kinh doanh bảo hiểm

Không những duy trì đà tăng trưởng tín dụng ổn định, thu nhập từ các mảng dịch vụ của Techcombank cũng là một trong những động lực giúp ngân hàng ghi nhận kết quả khả quan trong năm 2021.

Thu nhập từ dịch vụ của Techcombank trong năm qua cũng tăng gấp đôi. Ghi nhận trong quý IV/2021, lợi nhuận thuần từ hoạt động dịch vụ của Techcombank đạt 2.103 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ.

Mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ diễn ra trên nhiều mảng như: bancassurance  tăng 196%, môi giới tăng 289% và dịch vụ thẻ tăng 23,3%.

Tính cả năm 2021, thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 42,4%, đạt 7,8 nghìn tỷ đồng với sự đóng góp từ tất cả các loại phí chủ chốt.

Trong đó, thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB), cấu phần lớn nhất trong thu nhập từ hoạt động dịch vụ, đạt 3,6 nghìn tỷ và tăng trưởng 32,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phí từ hoạt động phân phối trái phiếu tăng 57,4% và phí từ các dịch vụ IB khác tăng 66,7% trong năm 2021, do công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities) tiếp tục cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ mới để phục vụ với tập khách hàng lớn hơn (tăng 30%).

Phí dịch vụ bảo hiểm của Techcombank vẫn tiếp tục tăng 88,4% trong năm 2021, nâng mức phí này lên 1,6 nghìn tỷ đồng.

Doanh thu khai thác mới (APE) trong quý 4 tăng 39,5% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 104,5% so với quý 3, sau khi các biện pháp giãn cách xã hội dần được nới lỏng, và nhờ đẩy mạnh mối quan hệ đối tác giữa Techcombank và Manulife Việt Nam. 

Báo cáo phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết trong năm qua, Techcombank đã đàm phán lại về những điều khoản triển khai dịch vụ với Manulife từ đó đã thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Techcombank và Manulife.

Theo khảo sát của BVSC, Techcombank là ngân hàng bán bảo hiểm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà hầu như không có hiện tượng ép khách hàng mua bảo hiểm theo khoản vay như truyền thông có đề cập gần đây.

Với những yếu tố này, nhóm chuyên gia kỳ vọng doanh thu phí từ bảo hiểm của Techcombank sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong những năm tới.

Với ACB, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ quý IV/2021 của ngân hàng đạt 746,8 tỷ đồng, tăng 84% so với quý cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm, lãi thuần từ dịch vụ ACB đạt 2.894 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với năm 2020.

Lãnh đạo ACB cũng cho hay, mảng kinh doanh bảo hiểm trong năm qua đóng góp trên 1.300 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận gần 12.000 tỷ đồng của Ngân hàng năm 2021.

Năm 2022, mảng dịch vụ và đầu tư được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại lợi nhuận cho các ngân hàng, nhất là khi các ngân hàng đẩy mạnh ký kết các hợp đồng bán chéo bảo hiểm.

Thu nhập phí ACB được kỳ vọng đạt 3.400 tỷ đồng vào năm 2022, tăng 27% so với cùng kỳ. Doanh thu từ bancassurance và khoản phí trả trước (được phân bổ trong vòng 15 năm và bắt đầu từ năm 2021) sẽ là động lực chính giúp thúc đẩy thu nhập phí của ACB trong 2022 và các năm sau.

Trước đó, lãnh đạo của ACB cũng cho biết, khoản phí trả trước cho hợp đồng này là 370 triệu USD (khoảng 8,5 nghìn tỷ đồng) cho tệp 3,6 triệu khách hàng của ngân hàng, sẽ được chi trả toàn bộ bằng tiền mặt, cùng với các khoản thanh toán khác trong suốt quá trình hợp tác.

HDB thì ghi nhận tăng trưởng thu dịch vụ gấp 2 lần cùng kỳ 2020, mạnh nhất trong các NH top đầu.

Với VietinBank, Chủ tịch HĐQT Trần Minh Bình cho biết, kế hoạch hợp tác với Manulife triển khai từ giai đoạn 2019 - 2020, nhưng do có sự thay đổi về tiến độ nên từ quý I/2022 mới bắt đầu ghi nhận phí trả trước từ hợp đồng bán chéo bảo hiểm.

Theo phân tích của Chứng khoán Bảo Việt, nếu VietinBank phân bổ phí trả trước bảo hiểm trong 4 năm thì con số ghi nhận trong năm 2022 có thể đạt gần 1.400 tỷ đồng.

Còn theo tính toán của SSI, mức phí trả trước mà Vietinbank nhận được từ thỏa thuận bancassurance độc quyền với Manulife vào khoảng 350 triệu USD. Theo đó, trong 5 năm tới, thu nhập từ kênh bán chéo bảo hiểm của VietinBank sẽ tăng 30 - 50% so với cùng kỳ.

Năm 2022: Lợi nhuận ngân hàng vẫn tốt, nhưng sóng cổ phiếu khó quay lại
Theo các chuyên gia phân tích, việc tăng vốn, nới room ngoại, chuyển sàn có thể dẫn dắt cổ phiếu ngân hàng, song năm 2022, cổ phiếu ngân hàng khó có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư