Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng: M&A là kênh quan trọng để thu hút vốn đầu tư
Hà Nguyễn - 06/08/2019 14:44
 
Coi M&A là kênh quan trọng để thu hút vốn đầu tư trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ có nhiều sửa đổi, bổ sung về chính sách để thúc đẩy thị trường M&A phát triển.
.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, có rất nhiều yếu tố tích cực đang góp phần quan trọng “mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam”, đưa M&A trở thành kênh quan trọng để thu hút đầu tư trong thời gian tới. 

Chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2019, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, có rất nhiều yếu tố tích cực đang góp phần quan trọng “mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam”, đưa M&A trở thành kênh quan trọng để thu hút đầu tư trong thời gian tới. 

Yếu tố tích cực này, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, trước hết đến từ các yếu tố nội tại nền kinh tế, cũng như các cơ hội từ bên ngoài mà quá trình hội nhập quốc tế của đất nước đang mở ra. 

Chẳng hạn, tốc độ tăng trưởng GDP những năm gần đây được duy trì ở mức cao, 7%/năm; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả tích cực; số lượng doanh nghiệp trong nước mới được thành lập tiếp tục gia tăng, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước tiếp tục lớn mạnh… 

.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu chào mừng Diễn đàn.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu thông qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó có các Hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, đã góp phần quan trọng mở ra thị trường rộng lớn về xuất nhập khẩu, vốn đầu tư..., góp phần thúc đẩy nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của quốc gia.   

Một yếu tố quan trọng khác, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, Chính phủ Việt Nam cũng đã tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó tập trung cao độ cho tái cơ cấu đầu tư công, hệ thống tài chính ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. 

“Riêng đối với doanh nghiệp nhà nước, đã có nhiều giải pháp đẩy thúc đẩy cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.

10 năm qua, hoạt động M&A đã có bước tăng trưởng không ngừng, dần trở thành bộ phận quan trọng trong hệ sinh thái đầu tư - kinh doanh của Việt Nam.

Nếu như năm 2009, tổng giá trị thương vụ M&A mới chỉ đạt 1,1 tỷ USD thì đến năm 2018, con số này đã đạt mốc 10,2 tỷ USD, đưa tổng giá trị thương vụ trong thập kỷ qua đạt khoảng 55 tỷ USD.

Không chỉ đạt kỷ lục về tổng giá trị, số lượng các thương vụ cũng tăng lên rất nhanh chóng, diễn ra trên mọi khu vực doanh nghiệp: tư nhân, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn nhà nước; thu hút sự tham gia không chỉ các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp trong và ngoài nước mà còn có sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp công nghệ....

Những điều này đã chứng minh sự trưởng thành cũng như tiềm năng to lớn của thị trường M&A Việt Nam.

Thông tin cho biết, trong giai đoạn từ 2016 đến nay, Việt Nam đã thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước trên 200.000 tỷ đồng, gấp đôi giai đoạn 5 năm trước. Thông qua hoạt động này, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã mua và sở hữu được cổ phần của các doanh nghiệp có vốn của nhà nước như Vinamilk, Sabeco...

“Việc thúc đẩy thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn gắn liền với việc công khai, minh bạch lộ trình cổ phần hoá, thoái vốn sẽ tạo ra các sản phẩm ngày càng hấp dẫn hơn nữa cho thị trường M&A; mở rộng cơ hội cho các nhà đầu tư quan tâm và nghiên cứu cơ hội đầu tư, mua lại cổ phần tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước…”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định.

Phát biểu tại Diễn đàn M&A Việt Nam, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng cho biết, xác định khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam cũng đã đẩy nhanh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia đầy đủ vào tất cả các khu vực của nền kinh tế (trừ những khu vực liên quan đến an ninh - quốc phòng). 

Và do đó, các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Xây dựng... sẽ sớm đươc sửa đổi để tháo gỡ các vướng mắc, xoá bỏ chồng chéo, cắt giảm chi phí thủ tục tham gia thị trường, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. 

Thậm chí, một số luật mới đã và sẽ được xây dựng, ban hành, như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Đầu tư theo hình thức công tư PPP…  

Tất cả những điều này, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, sẽ tạo khung pháp lý vững chắc hơn nữa cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong các lĩnh vực đầu tư kinh doanh. 

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, trong thời gian sắp tới, trên cơ sở tổng kết 30 năm thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Chính trị sẽ ban hành Nghị quyết về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. 

Trong đó, khẳng định đầu tư nước ngoài là một bộ phần hợp thành quan trọng, bình đẳng, phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Đồng thời, đưa ra những định hướng chiến lược mới như chuyển thu hút đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao; chủ động thu hút có chọn lọc đầu tư nước ngoài, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu…

Bên cạnh đó, cũng sẽ có một số định hướng quan trọng cụ thể để hoàn thiện pháp luật về đầu tư nước ngoài, nâng cao tính minh bạch, công khai, dễ dự báo và có tính giải trình cho nhà đầu tư nước ngoài, như xây dựng danh mục hạn chế đầu tư, đầu tư có điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài; các chính sách liên quan đến bảo hộ đầu tư...

Ngoài ra, cũng sẽ cho thí điểm một số mô hình quản lý mới đối với các ngành đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0; cho phép thí điểm cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cao hơn mức quy định nhưng quyền biểu quyết bị giới hạn trong tỷ lệ quy định trong một số ngành ngân hàng, viễn thông, vận tải…

“Tất cả những yếu tố tích cực trên đang mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam với nhiều cơ hội bứt phá, đưa M&A trở thành kênh thu hút đầu tư quan trọng trong thời gian tới”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng một lần nữa nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, để có thể thực sự bứt phá, thị trường M&A Việt Nam còn trông đợi những thay đổi mạnh mẽ từ quá trình ban hành và thực thi chính sách đến các hoạt động kết nối, thực thi thương vụ và sự đổi mới, sáng tạo trong các bên mua và bên bán.

Những điều này phần nào sẽ được nhìn thấy tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2019.

Thị trường M&A 2019 - 2020: Nhận diện lĩnh vực đột phá
Tài chính - ngân hàng, bất động sản, hàng tiêu dùng… là những thỏi nam châm thu hút vốn thông qua M&A trong năm 2019 - 2020.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư