Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cam kết không còn chính sách "sáng nắng chiều mưa"
Gia Huy - 29/04/2016 15:51
 
Sau 6 tiếng đối thoại với sự góp mặt của lãnh đạo 63 tỉnh, thành cùng các vị tâm Bộ trưởng và hàng trăm doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu kết thúc buổi gặp gỡ, nhấn mạnh Chính phủ sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo môi trường tốt nhất để doanh nghiệp phát triển và cam kết không còn chính sách "sáng nắng chiều mưa” đối với doanh nghiệp.
TIN LIÊN QUAN

Nhấn mạnh về ý nghĩa của Hội nghị, Thủ tướng cho hay, chưa cuộc họp nào lại kéo dài như cuộc họp này.

Thủ tướng cho rằng, tinh thần của doanh nhân nước ta từ trước tới nay luôn hừng hực khí thế, xã hội Việt Nam đã có truyền thống tôn trọng kinh doanh.

Thủ tướng nhắc lại, ngay sau ngày Độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ giới doanh nhân để lắng nghe doanh nhân chia sẻ và một điều hết sức quan trọng, đó là đội ngũ doanh nhân trong lúc hội nhập quốc tế, hay lúc đất nước khó khăn luôn sẵn sàng có mặt và chia sẻ với Chính phủ. Đó là truyền thống quý báu và sự đoàn kết đáng trân trọng.

.
.

Việt Nam đã chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang một nền kinh tế thị trường là bước tiến lớn. Đảng, Nhà nước chúng ta trong thời gian qua đã tạo môi trường kinh doanh cơ bản là tốt; đã chuyển từ nến kinh tế bao cấp sang cạnh tranh; Chính phủ phục vụ doanh nghiệp; doanh nghiệp, doanh nhân đã lớn mạnh, góp phần hội nhập quốc tế...

Tuy nhiên, bước vào giai đoạn phát triển mới, với tư cách một Đảng lãnh đạo, một Nhà nước pháp quyền do dân, vì dân, chúng ta đã hành động nhiều, nhưng phải thừa nhận nhiều mặt chưa thực sự thuận lợi. Khi bước vào một giai đoạn mới, chúng ta phải thừa nhận rằng môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn chưa thuận lợi cho doanh nghiệp. Các nghị định, thông tư ban hành còn quá chậm, gây cản trở, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm do cơ chế chính sách, chi phí thủ tục tăng. Chúng ta đạt 93% doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá, nhưng vốn hoá ra thị trường lại chưa tới 10% là quá thấp. Hiện nay, tình trạng liên kết chưa cao, phí chồng phí, cán bộ, đảng viên ở nhiều cấp, ngành còn gây cản trở phiền hà cho doanh nghiệp.

Trong hai năm qua, dù Nghị quyết 19 2014 đi vào triển khai nhưng nhiều bộ ngành, các cấp chính quyền vẫn chưa hiểu rõ tinh thần nghị quyết. Bên cạnh đó, kinh tế thị trường chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo khiến môi trường kinh doanh méo mó, chưa thuận lợi nhất để phát triển kinh tế.

Trong đó, có nhiều điểm tồn tại trong doanh nghiệp Việt Nam đó là:

Các luật ban hành và chính sửa còn chậm so với yêu cầu thực tế, có luật nhưng nghị định, thông tư chậm.

Có trường hợp không rõ ràng, tính thương thích không cao, không thống nhất. Có những nghị định không rõ ràng dẫn đến khó hiểu.

Chưa có cơ chế hiệu quả để có đột phá; khoa học công nghệ còn hạn chế, sản phẩm của chúng ta, "Made in của Việt Nam" ra nước ngoài chưa nhiều.

Sức cạnh tranh còn chưa lớn, do thủ tục, cơ chế chính sách góp phần làm cho chi phí cao. Giải pháp đột phá, áp dụng khoa học kỹ thuật chưa tốt.

Quy mô doanh nghiệp mỗi ngày một nhỏ đi, thiếu sức hút và sức phát triển thành các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn. Hiệu quả kinh doanh thấp, khả năng kết nối với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI còn hạn chế. Chúng ta vẫn còn một mình một cõi, khác các nước trong khu vực. FDI thì làm tốt, nhưng vẫn không kết nối được đồng đều.  

“Phí chồng phí, gây nặng nề cho doanh nghiệp. Một bộ phận gây phiền hà cho doanh nghiệp ở nhiều cấp, nhiều ngành, hôm nay tôi phải nói rõ điều này ra. Có nhiều cải cách nhưng chưa có nhiều kết quả. Kêt quả thực hiện Nghị quyết 19 của Chính Phủ sau 2 năm chưa có thay đổi rõ nét, bởi nhiều địa phương chưa có hiểu biết đẩy đủ về Nghị quyết này", Thủ tướng nói.

Khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp, người ta hay gọi là doanh nghiệp Việt Nam hụt hơi, đã phản ánh tốc độ phát triển Việt Nam thời gian qua có hồi phục nhưng vẫn dựa vào vốn, chiều rộng, ... thể chế kinh tế chưa thực sự thông suốt, chưa đột phá cho phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Song song đó, khi đưa ra một chính sách mới thì phải rõ ràng, không được theo kiểu hiểu sao cũng được... Muốn làm được những điều này, cần phải đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp. Việt Nam coi FDI là doanh nghiệp đồng hành để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Không thanh tra chồng chéo, đặc biệt thanh tra, kiểm toán thuế phải minh bạch.

Cuối cùng, Thủ tướng cho rằng, tiếp cận vốn tín dụng, thuế và hải quan, cùng một số vấn đề khác sẽ được tổng hợp phân loại ra. Ngay trong chiều nay, các Phó thủ tướng và Thủ tướng họp với các Bộ trưởng để giải quyết các đề xuất, kiến nghị nêu trong buổi sáng.

Thủ Tướng cho rằng, cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn chưa tạo dựng được môi trường bình đẳng trong kinh tế. Chúng ta còn nhiều vấn đề cần được Chính phủ và doanh nghiệp nhìn nhận thẳng thắn để có giải pháp phát triển.

Thủ Tướng cho biết, trước khi Chính Phủ nói về giải pháp phát triển, Chính Phủ muốn nói doanh nghiệp cũng phải thay đổi để phát triển, cần liêm chính để phát triển. Phải tự cứu mình trước.

“Ở đây có nhiều doanh nhân thành đạt, các đồng chí có đẩy đủ phẩm chất để sáng tạo và lớn lên trong thời gian qua. Nhưng cũng có nhiều doanh nhân chưa tự cứu mình khi hội nhập”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng cũng đặt ra câu hỏi, bản thân doanh nghiệp phải làm gì? Đó là cần phải xây dựng văn hoá doanh nhân, tăng cao năng lực, tức là bản thân doanh nghiệp trước hết cần phải tự cứu mình.

Doanh nghiệp được thực hiện kinh doanh tất cả các loại hình mà luật không cấm. Các cơ quan tuyệt đối không được thực hiện theo kiểu "sáng nắng chiều mưa" mà phải nhất quán.

Nhà nước bảo vệ quyền kinh doanh chính đáng của doanh nghiệp, được kinh doanh mọi loại hình, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Trừ một số lĩnh vực đặc thù được quy định rõ ràng, các doanh nghiệp bình đẳng trong tiếp cận các nguồn vốn, nguồn lực, cơ hội kinh doanh.

Nhà nước bảo đảm sự ổn định lâu dài của chính sách, đừng "sáng nắng chiều mưa". Chính phủ cũng đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh, an toàn.

“Các cơ quan khi ban hành chính sách phải hướng tới thuận lợi cho doanh nghiệp và hướng tới người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Các quy định phải dễ hiểu, rõ ràng, đảm bảo người kinh doanh tuân thủ được dễ dàng, thuận lợi, chi phí hợp lý, chứ không thể quy định mà hiểu thế nào cũng được, như vậy doanh nghiệp sẽ lo lắm”, Thủ tướng nói với các thành viên Chính phủ.

Đồng thời Thủ tướng cũng đưa ra giải pháp kiến tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, đó là tiếp tục đẩy mạnh tạo thể chế, môi trường kinh doanh lành mạnh, tập trung xây dựng luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Thủ tướng cho rằng, Nhà nước, các địa phương phải quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp dưới nhiều hình thức.

"Đà nẵng đã đưa ông Phó chủ tịch trực tiếp nghiên cứu về vấn đề khởi nghiệp. Các địa phương phải ủng hộ khởi nghiệp, các doanh nghiệp thành công cũng tiêp tục khởi nghiệp", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn câu chuyện của Đà Nẵng.

“Đồng thời lãnh đạo các đơn vị nhà nước phải coi doanh nghiệp là những người bạn đồng hành ở thời điểm bước ngoặt này khi các FTA đang ở giai đoạn thực hiện...Chúng ta cần các người bạn này, những khó khăn mà những người bạn doanh nghiệp gặp phải chúng ta cần phải tìm cách giải quyết”, Thủ tướng nói.

Việc cải cách và nâng cao các quy định về điều kiện kinh doanh như tập hợp, công bố công khai các điều kiện kinh doanh để đảm bảo sự cần thiết, hiệu quả cho doanh nghiệp cũng được Thủ tướng nêu ra.

Trong đó, Thủ tướng cho rằng việc thực hiện hậu kiểm, tự động giấy phép, loại bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh ra khỏi các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn...cần làm tốt hơn nữa.

Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo không thanh tra, kiểm tra chồng chéo; minh bạch kiểm toán thuế, thanh tra, chóng tiêu cực, tham những để tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển ổn định. Thanh tra kiểm tra phải theo hướng suy đoán vô tội, chứ không phải nhằm nhằm vào sai phạm.

“Các đồng chí đứng nói và nghĩ Thủ tướng không biết. Thủ tướng biết hết đó”, Thủ tướng nói.

“Anh Lê Minh Hưng (Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - PV), anh Dũng tài chính (Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - PV) cần ổn định không tăng phí, tăng thuế, lãi vay ngân hàng, nghiên cứu giảm lãi suất vay. Giảm 1% trong lãi suất vay trung dài hạn trong llĩnh vực ưu tiên. Biết là lãi suất cao quá, nhưng giảm lãi suất còn nhiều vấn đề, nên trước mắt như vậy”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, lãnh đạo các Bộ, ngành phải hàng quý gặp gỡ doanh nghiệp, làm việc thường kỳ để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp một cách thực chất, chứ không phải hội thảo.

Giao mỗi địa phương phải công khai đường dây nóng, trực tuyến, hướng dẫn nhà đầu tư, doanh nghiệp theo nguyên tắc không được bổ sung hồ sơ quá một lần. Không để cứ hẹn hôm nay ký giấy này, mai ký giấy kia để doanh nghiệp phải chạy lòng vòng.

Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị nhà nước công khai toàn bộ thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử, tiến tới thực hiện trên hệ thống mạng như Hà Nội đã cam kết.

Chính Phủ là cơ quan tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp, bảo vệ lợii ích hợp pháp cho doanh nghiệp.

“Đồng chí Nguyễn Hòa Bình (Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao - PV), Lê Minh Trí (Viện trưởng Viện KSND Tối cao - PV) là hai cơ quan tư pháp, phải đồng tâm hiệp lực để tạo  môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp”, Thủ tướng chỉ đạo.

“Tôi nhắn gửi với doanh nhân khởi nghiệp, doanh nghiệp trẻ, vai trò của các bạn rất quan trọng, là nguồn lực mạnh mẽ tạo ra việc làm cho người lao động, tạo điều kiện phát triển kinh tế để đất nước lớn mạnh. Tôi cam kết sẽ không có chuyện chính sách của Chính phủ ra theo kiểu “sáng nắng chiều mưa”, nên doanh nghiệp và doanh nhân cứ yên tâm phát triển và hoạt động hiệu quả để phát triển đất nước”, Thủ tướng nêu rõ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư