Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thừa Thiên Huế đẩy mạnh số hóa để nâng cao năng lực cạnh tranh
Minh Tân - 15/10/2024 10:39
 
Những kết quả nổi bật về cải cách hành chính không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, mà còn góp phần nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của Thừa Thiên Huế.
Hoạt động giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế

Tăng cường số hoá, liên thông thủ tục

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 31/12/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch số 438/KH-UBND về việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2024.

Việc ban hành kế hoạch này nhằm rà soát để kịp thời phát hiện để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc hủy bỏ các quy định, thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp, không đáp ứng yêu cầu nguyên tắc về quy định và thực hiện thủ tục hành chính.

Liên quan hệ thống thủ tục hành chính, đến nay, 100% thủ tục hành chính sau khi được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công bố ban hành đã được các sở, ban, ngành cấp tỉnh cập nhật vào hệ thống thông tin thủ tục hành chính của tỉnh theo đúng quy định và công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Đồng thời, các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đều thực hiện niêm yết công khai đầy đủ, đúng quy định đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết tại địa điểm tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.

Thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, toàn tỉnh hiện có 2.059 thủ tục hành chính được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 9 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện và 141 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, đạt 100% theo quy định.

Trong đó, cấp sở có 1.554 trung tâm hành chính một cửa, với 459 trung tâm hành chính liên thông; UBND cấp huyện có 367 trung tâm hành chính một cửa, với 35 trung tâm hành chính liên thông; UBND cấp xã có 138 trung tâm hành chính một cửa, với 17 trung tâm hành chính liên thông. Đáng chú ý, 100% trung tâm hành chính đủ điều kiện được đưa vào tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa các cấp.

Đối với quá trình thực hiện số hoá các thủ tục hành chính, năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch số 222/KH-UBND về triển khai chương trình chuyển đổi số đến năm 2025. Kế hoạch này tập trung vào 3 trụ cột: phát triển chính quyền số; xây dựng xã hội số; phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực.

Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, để triển khai kế hoạch, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế tích cực triển khai các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đẩy nhanh quá trình thực hiện chương trình chuyển đổi số theo lộ trình đề ra. UBND tỉnh đang tiếp tục triển khai chỉ đạo đẩy mạnh công tác số hóa, tái sử dụng dữ liệu số hóa và cung cấp, tiếp nhận, giải quyết dịch vụ công trực tuyến. Thực hiện việc trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử, ký số vào kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Phát triển chính quyền điện tử

Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện nay, 100% cơ quan nhà nước sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hệ thống này liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia theo mô hình 4 cấp.

Cùng với đó, 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình, một phần và thực hiện một cửa liên thông trên môi trường mạng; 100% UBND cấp xã có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng mô hình một cửa điện tử hiện đại.

Đáng chú ý, đến nay, tỉnh có 77.387 tài khoản ví điện tử được đăng ký trên ứng dụng đô thị thông minh Hue-S và 694 điểm chấp nhận thanh toán qua Hue-S trên địa bàn tỉnh. Theo đó, người dân có thể theo dõi được tất cả hóa đơn như dịch vụ công, tiền điện, nước, phí vệ sinh môi trường, học phí… trên Hue-S.

Tháng 5/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) 2023. Theo đó, Thừa Thiên Huế đứng thứ 8 về PCI. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Thừa Thiên Huế nằm trong Top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về PCI.

Ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành đã mang đến những chuyển biến mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

“Việc hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến phát triển chính quyền số luôn được tỉnh quan tâm chú trọng và triển khai mạnh mẽ. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ hành chính, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên. Tất cả góp phần mang đến sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thừa Thiên Huế”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Thừa Thiên Huế: Quy hoạch khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp sân golf 270 ha
Khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp sân golf và các dịch vụ phụ trợ tại xã Điền Hòa có tổng diện tích quy hoạch 270 ha vừa được HĐND tỉnh Thừa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư