Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 05 tháng 10 năm 2024,
Thừa Thiên Huế đề xuất bổ sung 552,719 tỷ đồng cho dự án phát triển đô thị
Ngọc Tân - 01/10/2024 08:36
 
Dự án “Chương trình Phát triển các đô thị loại II” (các đô thị xanh) - Tiểu dự án Thừa Thiên Huế được đề nghị bổ sung quy mô đầu tư sử dụng vốn dư với số tiền 23,857 triệu USD cho 4 hạng mục công trình.

Dự án “Chương trình Phát triển các đô thị loại II” (các đô thị xanh) – Tiểu dự án Thừa Thiên Huế đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 91,22 triệu USD (tương đương 1.929,386 tỷ đồng) bao gồm vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) là 60,69 triệu USD (1.283,59 tỷ đồng) và vốn đối ứng là 30,53 triệu USD (tương đương 645,796 tỷ đồng).

Dự án đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt lần đầu vào tháng 4/2016, điều chỉnh lần cuối vào tháng 8/2024. Dự án được giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư, với thời gian thực hiện được xác định từ năm 2018 đến ngày 30/6/2028. Địa điểm thực hiện dự án tại khu vực TP. Huế, thị xã Hương Trà và thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Khu đô thị mới An Vân Dương, nơi tập trung nhiều hạng mục của Dự án “Chương trình Phát triển các đô thị loại II” (các đô thị xanh) – Tiểu Dự án Thừa Thiên Huế
Khu đô thị mới An Vân Dương, nơi tập trung nhiều hạng mục của dự án “Chương trình Phát triển các đô thị loại II” (các đô thị xanh) – Tiểu dự án Thừa Thiên Huế. Ảnh: Ngọc Tân

Theo đó, mục tiêu dự án nhằm cải thiện và mở rộng mạng lưới giao thông, từng bước hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng đô thị, đồng thời tạo động lực cho phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh doanh thương mại dịch vụ và khai thác tiềm năng du lịch. Cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao cảnh quan môi trường đô thị …

Dự án gồm 15 hạng mục công trình và được chia thành 3 hợp phần: Hợp phần 1- Phòng chống ngập lụt và vệ sinh môi trường,; Hợp phần 2- Phát triển hệ thống giao thông; Hợp phần 3 – Tăng cường năng lực và hỗ trợ thực hiện dự án.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết, đến nay, Ban QLDA dự án đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu 10/10 gói thầu xây lắp với giá trị hơn 1.008,2 tỷ đồng. Trong đó, 2 gói thầu đã hoàn thành đưa vào sử dụng và có 8 gói thầu vẫn đang triển khai thực hiện với khối lượng đạt hơn 675,99 tỷ đồng (đạt hơn 67% khối lượng toàn dự án). Tuy vậy, giá trị thực hiện thực tế các hợp phần đều nhỏ hơn so với hiệp định vay đã ký. Nguyên nhân do vốn dư sau đấu thầu, vốn dư do thay đổi tỷ giá, vốn dư do dự phòng hiệp định chưa phân bổ.

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, ngày 20/9 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có báo cáo trình HĐND tỉnh về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án “Chương trình Phát triển các đô thị loại II" (các đô thị xanh) – Tiểu dự án Thừa Thiên Huế.

Theo đó, bổ sung quy mô đầu tư sử dụng vốn dư của dự án với số tiền 23,857 triệu USD - tương đương 552,719 tỷ đồng để đầu tư bổ sung các hạng mục: Kênh sinh thái khu A – An Vân Dương; Cải tạo đường bộ bao gồm xây dựng mới 2 đoạn đường tại khu B khu đô thị mới An Vân dương và cải tạo 3 đoạn đường; Cầu đi bộ nối từ trung tâm hành chính TP. Huế - Trung tâm thể thao tỉnh.

Điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, trong đó tổng mức đầu tư điều chỉnh (VNĐ) là 2.088,472 tỷ đồng (tăng 59,087 tỷ đồng do thay đổi tỷ giá trong quá trình thực hiện thanh toán), còn tổng mức đầu tư bằng đồng USD vẫn không thay đổi (91,22 triệu USD).

Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế lý giải, trong quá trình thực hiện dự án, tỷ giá đồng USD/VND có sự thay đổi theo từng thời điểm thanh toán. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc tổng mức đầu tư dự án bằng đồng USD không thay đổi nhưng sau khi quy đổi ra VNĐ sẽ phải điều chỉnh.

Ông Nguyễn Chí Tài, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, qua thẩm tra cho thấy đây là dự án rất quan trọng của tỉnh. Thời gian vừa qua, các cấp, các ngành, địa phương, chủ đầu tư đã có nhiều nỗ lực trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Dự án đã phát huy hiệu quả trong việc cải thiện và mở rộng mạng lưới giao thông, từng bước hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng đô thị; chỉnh trang cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường.

“Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất với nội dung UBND tỉnh trình HĐND tỉnh, đồng thời đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để kịp thời triển khai thực hiện”, ông Tài thông tin.

Làm gì để hút khách cao cấp ở lâu, tiêu nhiều? - Bài 1: Thừa Thiên Huế tiếp cận khách du lịch cao cấp
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực phát triển các loại hình du lịch với sản phẩm đa dạng, khác biệt, nhằm định vị phân khúc cao cấp, để Huế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư